Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhiều nội dung chưa cụ thể
Quy định còn chung chung
“Điều 14 của dự Luật quy định về hợp đồng bảo hiểm với nhiều nội dung tương đối đầy đủ. Theo đó, hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung như: người được bảo hiểm và người thụ hưởng; đối tượng bảo hiểm; số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm... …”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) nhìn nhận, tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), diễn ra sáng nay (ngày 29/10), theo Văn phòng Quốc hội.
Tuy nhiên, bà Hà cho rằng, cần bổ sung nội dung về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng, vì đây là những điều khoản quy định về hành vi pháp lý, là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện các điều khoản của hợp đồng trên thực tế; đảm bảo cơ sở để giải quyết những tranh chấp có thể phát sinh khi thực hiện hợp đồng…
Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang đề nghị đánh giá kỹ tác động về kinh tế, chi phí, lợi ích của loại hình bảo hiểm vi mô. Ảnh: Quốc hội |
Nhiều ý kiến tập trung thảo luận các quy định về bảo hiểm vi mô tại dự Luật. Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, việc triển khai bảo hiểm vi mô ở Việt Nam chưa phổ biến, do đối tượng hướng đến của loại hình bảo hiểm này là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; chi phí triển khai lớn hơn và rủi ro cao hơn bảo hiểm thông thường. Do đó, đề nghị ban soạn thảo làm rõ yêu cầu lợi nhuận, phi lợi nhuận của bảo hiểm vi mô. Cũng cần bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô, làm rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm vi mô với các loại hình bảo hiểm thông thường; xác định rõ vai trò của các tổ chức tham gia…
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh), dự thảo Luật chỉ quy định 2 điều về bảo hiểm vi mô là chưa đầy đủ, gây khó khăn, vướng mắc khi triển khai trên thực tế. Do đó, ban soạn thảo cần bổ sung, cụ thể hóa các quy định về bảo hiểm vi mô theo hướng quy định rõ khung pháp lý, tổ chức điều kiện triển khai sản phẩm bảo hiểm...
Có ý kiến cho rằng, quy định về điều kiện để triển khai sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội, đặc biệt là chương trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp còn mang tính chung chung, thiếu định lượng, phạm vi chính sách mới chỉ dừng lại ở khuyến khích, tạo điều kiện, mà chưa quy định cụ thể về khuyến khích và tạo điều kiện cụ thể.
Giao Chính phủ hướng dẫn để luật “sống” lâu
“Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện các khái niệm, quy định các hành vi nghiêm cấm và quy định cụ thể về bảo hiểm bắt buộc, hợp đồng bảo hiểm để phù hợp với Bộ luật Dân sự và các bộ luật khác, đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm như là chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, vô hiệu hợp đồng, nguyên tắc bồi thường. Quy định về đại lý bảo hiểm, môi giới dịch vụ bảo hiểm sẽ được hoàn thiện hơn, nâng cao tính chuyên nghiệp và tránh lợi dụng để ép buộc khách hàng…”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ quy định cụ thể về hợp đồng bảo hiểm. Ảnh: Quốc hội |
Liên quan đến bảo hiểm vi mô, ông Phớc cho biết, sẽ đưa các nội dung cần thiết đối với bảo hiểm vi mô vào chương bảo hiểm vi mô như về: điều kiện thành lập, tổ chức tương hỗ, nguyên tắc hoạt động, sản phẩm bảo hiểm vi mô…, đảm bảo tính khả thi, trợ giúp người nghèo, người yếu thế. Bảo hiểm vi mô lợi nhuận không cao và mang tính rủi ro, khi quy định về vấn đề này cần có sự linh hoạt, nên đề nghị đưa nội dung cụ thể vào dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành luật.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ cùng với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội vào kỳ họp sau. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, thời điểm có hiệu lực của Luật là ngày 1/1/2023 thay vì 1/7/2023 như dự thảo. |
Trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật có nhiều quy định giao Chính phủ hướng dẫn, ông Phớc giải trình, chủ yếu những nội dung mà Chính phủ hướng dẫn là có tính kỹ thuật, chính sách của nhà nước phù hợp với từng thời kỳ để cập nhật kịp thời các chính sách và đảm bảo cho luật ổn định lâu dài, cũng như phù hợp với thực tiễn. So với Luật hiện hành giao cho Chính phủ hướng dẫn 48 nội dung, thì dự án Luật chỉ đề nghị giao Chính phủ hướng dẫn 18 nội dung, còn Bộ Tài chính hướng dẫn 14 nội dung.
Về ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ các loại bảo hiểm bắt buộc, Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình, dự thảo chỉ đưa vào 3 loại bảo hiểm bắt buộc, còn các loại bảo hiểm khác được Quốc hội quy định. Hiện Quốc hội quy định theo các luật chuyên ngành, có 44 luật và không loại trừ về bảo hiểm bắt buộc trong tương lai. Do đó, trong luật này chỉ quy định khái quát mà không ghi cụ thể từng loại. Để bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội, kinh nghiệm quốc tế chỉ đưa ra 3 loại bảo hiểm bắt buộc gồm: bảo hiểm xe cơ giới bắt buộc, bảo hiểm cháy, nổ và bảo hiểm xây dựng (đã được quy định rõ trong luật, còn các loại hình bảo hiểm khác theo các luật chuyên ngành).
Liên quan đến tổ chức thi, cấp chứng chỉ bảo hiểm, dự thảo Luật giao Bộ Tài chính tổ chức thi và cấp chứng chỉ; đối với phần bồi dưỡng, đào tạo chuyển giao cho các doanh nghiệp, cho nhà trường, các hội. ông Phớc cho biết, bảo hiểm là một ngành kinh doanh có điều kiện cũng giống chứng khoán, kiểm toán và định giá, nên đều tổ chức thi và cấp chứng chỉ để quản lý có chất lượng. Một khi doanh nghiệp bảo hiểm đổ vỡ thì tác động của nó cũng tương tự như ngân hàng thương mại đổ vỡ, ảnh hưởng đến quyền lợi của rất nhiều người tham gia bảo hiểm và an toàn xã hội./.
Bình luận