Tóm tắt

Bài viết xem xét tác động của chính sách giới hạn lãi suất lên hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô (MFI) trên thế giới và Việt Nam. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra khuyến nghị cho các MFI ở Việt Nam hướng đến tính hiệu quả của mô hình cho vay, thể hiện qua sự đột phá trong quản lý và phát triển dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh.

Từ khóa: chính sách, giới hạn lãi suất, tài chính vi mô

Summary

This article examines the impact of interest rate restriction policy on the operation of microfinance institutions in the world and in Vietnam. Policy recommendations for microfinance institutions in Vietnam are proposed to enhance the effectiveness of the lending model, reflected by the breakthrough in service management and development to increase competitiveness.

Keywords: policy, interest rate restriction, microfinance

TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH GIỚI HẠN LÃI SUẤT LÊN HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC MFI

Trên thế giới

Theo Nguyễn Kim Anh và cộng sự (2017), tài chính vi mô (TCVM) là một trong những cách thức phát triển kinh tế nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính, dịch vụ khác cho các đối tượng có thu nhập thấp trong xã hội để phục vụ nhu cầu chi tiêu và đầu tư. TCVM vừa là công cụ ngân hàng, vừa là công cụ phát triển xã hội. Việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính là khi không có các rào cản về giá cả và phi giá cả trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính. Nâng cao tiếp cận có nghĩa là cải thiện mức độ cung cấp các dịch vụ tài chính với mức giá phải chăng. Trong đó, TCVM được hiểu là một hình thức của quá trình mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính, các dòng vốn chính thức từ các MFI được sử dụng với độ an toàn cao hơn được luân chuyển trong nỗ lực mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính giúp các cá nhân, hộ gia đình vốn hạn chế hiểu biết về tài chính có thể tránh được những rủi ro không đáng có. Tuy nhiên, việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính có giúp tăng cường ổn định tài chính hay không còn tùy thuộc vào sự tồn tại của kết cấu hạ tầng về pháp lý và thể chế độc lập, minh bạch. Một hình thức hỗ trợ khá phổ biến và không tạo áp lực lên bộ phận tài chính của một quốc gia trong việc nâng cao tiếp cận tài chính là hạn chế mức lãi suất đối với các MFI. Việc giảm giá các khoản nợ thông qua hạn chế lãi suất của các MFI cũng nằm chung nhóm với việc giảm giá lương thực, bảo đảm một mức tối thiểu cơ bản cơ hội lao động, cải thiện dòng tiền cho người nghèo hoặc đối tượng chính sách.

Tác động của chính sách giới hạn lãi suất lên hoạt động của các MFI bao gồm:

Một là, giảm số lượng các MFI và mất tính minh bạch về giá. Lê Thanh Tâm (2013) khi xem xét bằng chứng về những tác động của việc giới hạn lãi suất một cách chi tiết đã nhận thấy một số trường hợp thu hẹp thị trường từ trần lãi suất. Cụ thể, tại Nicaragua, tăng trưởng danh mục đầu tư hàng năm của các MFI giảm từ 30% xuống còn 2%, một số MFI rút lui hoạt động ra khỏi khu vực nông thôn - nơi chi phí hoạt động và rủi ro cao hơn. Tại Tây Phi, Ngân hàng Trung ương đưa ra mức trần 27% đối với tổ chức vay phi ngân hàng đã làm cho một số MFI lớn rút tiền từ nhóm dân dư nghèo hơn và hẻo lánh hơn để phân bổ vào khu vực thành phố - nơi mà chi phí hoạt động ít đắt đỏ hơn. Họ cũng tăng quy mô khoản vay nhằm giảm chi phí trung bình và tăng nguồn thu. Tại Colombia, trần lãi suất tạo áp lực cho sự phát triển của TCVM thương mại, chủ yếu bằng việc hạn chế tổ chức phi chính phủ (NGO) và các MFI chuyển đổi sang một tổ chức tài chính được cấp phép.

Ngân hàng Phát triển châu Á (2016) so sánh tỷ lệ thâm nhập thị trường ở 23 quốc gia có trần lãi suất và 7 quốc gia không có trần lãi suất đã chỉ ra rằng, nhóm 7 quốc gia có tỷ lệ thâm nhập thị trường cao hơn. Trung bình nhóm không có trần lãi suất có tỷ lệ thâm nhập thị trường đối với TCVM là 20,2%, trong khi nhóm có trần lãi suất chỉ đạt 4,6%. Maroc và Bolivia có tỷ lệ thâm nhập thị trường cao hơn Tunisia và Colombia (cả hai quốc gia đều áp dụng trần lãi suất). Ngoài trần lãi suất, Tunisia chịu sự can thiệp lớn từ Chính phủ vào thị trường tài chính. Đối với tính minh bạch về giá, Argentina và Nicaragua đã có luật quy định về cách tính lãi suất, tuy nhiên, không làm rõ việc các khoản phí và hoa hồng đi kèm với khoản vay có được tính vào lãi suất cho vay hay không. Tại Nam Phi, trong Luật Tín dụng có tham chiếu đến đối tượng là các MFI có sự tương tự với trường hợp của Argentina và Nicaragua, điều này dẫn đến một số tổ chức đã phá vỡ trần lãi suất bằng cách đưa ra gói bảo hiểm tín dụng và các khoản phí khác liên quan đến khoản vay.

Hai là, tối ưu hiệu quả hoạt động của các MFI và thúc đẩy cạnh tranh. Dưới tác động của chính sách giới hạn lãi suất, một số MFI tối ưu hiệu quả về nhân sự quản lý tín dụng. Ngân hàng Phát triển châu Á (2016) chỉ ra rằng, Bangladesh, Campuchia, Nepal, Pakistan và Philippines có tỷ lệ một nhân viên tín dụng quản lý từ 400 đến 500 khách hàng. Con số này đã tiệm cận ngưỡng tối ưu trong hiệu quả quản lý, bởi nhiều nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ đạt giới hạn hiệu quả cao nhất để các nhân viên có thể quản lý được các khoản cho vay tại các MFI ở châu Á là 1/400. Một số MFI tiến hành giảm tỷ lệ chi phí hoạt động. Trong giai đoạn 2003-2007, các MFI ở một số quốc gia châu Á đã giảm từ mức hơn 13% xuống 8%-9% trong giai đoạn 2006-2011. Kết quả này là nhờ việc đơn giản hóa các mối quan hệ giữa các tổ chức MFI và khách hàng. Tuy nhiên, đi kèm với đó là việc thời gian dành cho việc thành lập nhóm vay hoặc quá trình phát triển nhóm vay giảm đi nhiều. Đây cũng là vấn đề đặt ra khi mà một số MFI đã tiệm cận mức tối ưu về hiệu quả mô hình, tổ chức quản lý, nhưng vẫn hoạt động trong điều kiện chính sách lãi suất bị giới hạn. Việc cán bộ tín dụng tại các MFI này bỏ qua các quy trình thành lập, duy trì nhóm và yêu cầu về một nguồn cho vay duy nhất gây ra những rủi ro trong vấn đề đạo đức.

Ba là, các MFI có sự đột phá về công nghệ và cách thức quản lý. Tại Chile, mã số ID người nộp thuế được sử dụng như số tài khoản ngân hàng. Các MFI tại Chile coi mã số này giống như tài khoản thanh toán cơ bản có thể chuyển hoặc nhận thanh toán từ Chính phủ hay từ các tài khoản ngân hàng khác, cũng như thực hiện thanh toán bán lẻ hoặc giao dịch tại ATM. Tương tự Chile, nghiên cứu của Rajesh Chakrabarti (2003) cho thấy, Ấn Độ đã phát triển thành công công cụ nhận diện khách hàng điện tử (e-KYC), với 85% số người được cấp ở độ tuổi trên 19, mức độ bao phủ của dân số trưởng thành đã tăng lên khoảng 91%. Tổ tự lực (SHG) ở Ấn Độ đóng vai trò là đơn vị vay và là một đơn vị cơ bản hoạt động TCVM ở Ấn Độ. Đây là một tổ các cá nhân - thường là người nghèo (đa số là phụ nữ) - góp chung tiền tiết kiệm thành một quỹ mà họ có thể mượn khi cần thiết. Cứ một tổ SHG gồm 20 người, đến từ các gia đình khác nhau. Mỗi tổ thường có một tên gọi riêng, có một tổ trưởng và một tổ phó do các tổ viên bầu chọn. Các tổ viên này tự quyết định số tiền gửi bao nhiêu mà họ phải góp vào tài khoản tổ (SHG liên kết với một ngân hàng nông nghiệp, hợp tác xã hay thương mại và đó là nơi gửi tài khoản của tổ). Dựa trên cơ sở các quy định đã ký và được các tổ viên thông qua, ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng nông nghiệp sẽ mở tài khoản tiết kiệm. Để duy trì sự công bằng giữa các tổ viên, một tổ viên mới ngoài việc được các tổ viên chấp thuận, thì phải tham gia bằng cách gửi toàn bộ tiền tiết kiệm cá nhân và lợi nhuận của tổ. Ưu điểm của SHG nằm ở nghĩa vụ pháp lý chung và sự quản lý của các tổ viên vay vốn, kết hợp với tài trợ từ các NGO; SHG nỗ lực giảm chi phí quản lý và giao dịch của các món vay nhỏ, cũng như giúp người nghèo tiếp cận với tín dụng.

Bốn là, chính phủ cấp bù tài chính cho các MFI. Nghiên cứu của Jonathan Morduch (1999) cho thấy, Chính phủ Ấn Độ thành lập một chương trình xóa đói, giảm nghèo với nỗ lực giúp người nghèo nông thôn thoát khỏi cảnh nghèo đói bằng cách tạo thêm thu nhập ổn định, bền vững. Chương trình được thực hiện khắp cả nước thông qua các cấp bậc của ủy ban cấp trung ương, tỉnh, huyện và cơ sở. Việc triển khai này đòi hỏi có sự tương tác chặt chẽ giữa các cấp chính quyền khác nhau, đặc biệt là các cơ quan phát triển nông thôn cấp huyện (DRDA), ban điều hành có sự tham gia từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quốc gia (NABARD) và cả NGO. Nguồn vốn giải ngân của Chính phủ sẽ được thông qua DRDA - trực tiếp giải ngân vốn cấp bù cho ngân hàng. Chương trình này cho thấy vai trò quan trọng của NGO trong việc thành lập và quản lý SHG, cũng như nỗ lực tìm kiếm phương pháp áp dụng vào thực tiễn. Đứng từ quan điểm của các SHG, thì đây là một nguồn tín dụng cấp bù.

Hay tại Trung Quốc, sự phát triển của hoạt động tín dụng vi mô có mối quan hệ chặt chẽ với chính sách giảm nghèo của Chính phủ. Nghiên cứu của Sun Ruomei (2002) cho thấy, lượng tín dụng chống đói nghèo chiếm tỷ trọng lớn trong Quỹ xóa đói, giảm nghèo của Trung Quốc. Tuy nhiên, tín dụng vi mô cũng có hai tồn tại là: tỷ lệ hộ nghèo được hưởng tín dụng vi mô thấp và tỷ lệ trả nợ thấp. Trung Quốc xác định, Quỹ xóa đói, giảm nghèo không chỉ dành cho các quận/huyện nghèo, mà còn phải đến được cả các làng xã và hộ gia đình nghèo. Với phương thức cho vay qua tổ nhóm, tín dụng vi mô cho người nghèo đã trở thành công cụ thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ Trung Quốc. Các ngân hàng nhà nước chịu trách nhiệm cho vay tới người nghèo, còn Chính phủ Trung Quốc chịu trách nhiệm phân loại các nhóm đối tượng chính sách.

Ở Indonesia, hệ thống tiết kiệm và cho vay nông thôn khá phát triển với sự hỗ trợ về chính sách rất tích cực của Chính phủ, với việc đưa ra quy định các ngân hàng thương mại phải dành 20% vốn đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ nông thôn. Bên cạnh đó, hỗ trợ về tài chính đối với nông nghiệp, nông thôn có xu hướng giảm dần và chuyển sang tiếp thị, chuyển giao công nghệ tiêu thụ sản phẩm cho khu vực này. Trường hợp các tổ chức cho vay gặp rủi ro bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh trên diện rộng) thiệt hại từ 85% trở lên được Chính phủ cấp bù toàn bộ số vốn bị thiệt hại.

Tại Việt Nam

Ở Việt Nam, các MFI được phân thành 2 nhóm, gồm: MFI chính thức[1] và các tổ chức/chương trình/dự án TCVM bán chính thức. Theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017, các MFI được phép huy động vốn từ các tổ chức, các nhà tài trợ quốc tế và đặc biệt là từ thị trường tài chính trong nước (huy động tiết kiệm bắt buộc, tiết kiệm tự nguyện từ khách hàng và huy động tiết kiệm từ công chúng). Đối với vấn đề lãi suất, các MFI phải công bố công khai lãi suất và các mức phí cung ứng dịch vụ, cụ thể là các MFI phải công khai giá cho các dịch vụ cung ứng. Việc công khai chỉ bắt buộc đối với lãi suất huy động, có nghĩa là việc huy động vốn của các MFI không được phép thực hiện khác so với mức đã công bố. Còn trong việc cấp tín dụng, lãi suất không buộc phải công bố công khai và hai bên có thể thực hiện việc thỏa thuận mức áp dụng. Tuy nhiên, mức lãi suất thỏa thuận nằm trong quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Về bản chất, hoạt động của các MFI ở Việt Nam chịu tác động của chính sách giới hạn lãi suất. Tính toán của tác giả từ số liệu báo cáo tài chính của 4 MFI chính thức cho thấy, trong cấu trúc nguồn vốn, thì vốn chủ sở hữu có phần đóng góp quan trọng nhất đến từ vốn của các nhà tài trợ trong nước và quốc tế, chiếm khoảng 34% tổng vốn hoạt động và 54,8% vốn chủ sở hữu. Các khoản huy động tiết kiệm chiếm 20% tổng vốn hoạt động và chiếm tỷ lệ 53% trong vốn vay. Tốc độ tăng trưởng quy mô huy động tiết kiệm, tỷ trọng tiết kiệm/tín dụng của 4 MFI chính thức tăng dần trong giai đoạn 2017-2022 và dựa chủ yếu vào nguồn tiết kiệm. Chẳng hạn tại TYM, tính đến ngày 31/12/2022, tổng số khách hàng tham gia TYM là 193.716 người, trong đó số khách hàng vay vốn là 111.345 người, chiếm tỷ trọng 57,48%. Số dư nợ vốn vay là 2.561,1 tỷ đồng, tương ứng với mức vốn vay trung bình của thành viên đạt 23 triệu đồng/người. Số tiết kiệm là 1.955,6 tỷ đồng, tỷ trọng tiết kiệm/tín dụng chiếm 76,36% (TYM, 2022). Lý do chính khiến quy mô tiền gửi tiết kiệm ngày càng tăng lên, đặc biệt là tiền gửi tiết kiệm tự nguyện của các MFI chính thức tại Việt Nam là việc một số MFI chuyển đổi từ hình thức trách nhiệm hữu hạn thành MFI chính thức hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng. Việc này không chỉ làm tăng khả năng thu hút đầu tư với nguồn vốn vay, tăng dư nợ, tăng dư tiết kiệm và số lượng khách hàng, kèm theo việc sản phẩm và dịch vụ được cải tiến và xây dựng phù hợp nhu cầu thực tế, dẫn đến năng suất, hiệu suất và khả năng sinh lời đều tăng lên đáng kể.

Như vậy, trong điều kiện chịu tác động của chính sách giới hạn lãi suất, các MFI tại Việt Nam đã chủ động nâng cao khả năng tiếp cận tài chính thông qua biện pháp tối ưu về hiệu quả hoạt động, đó là việc chuyển đổi thành MFI chính thức để đủ tư cách pháp lý trong việc tăng nguồn vốn, tăng quy mô huy động tiết kiệm, quản trị… Tuy nhiên, tính cạnh tranh của các MFI tại Việt Nam còn hạn chế, số lượng sản phẩm, dịch vụ được cung cấp chưa đa dạng, chất lượng dịch vụ chưa cao. Các MFI bán chính thức chủ yếu cung cấp sản phẩm cho vay và huy động tiền gửi tiết kiệm bắt buộc, hầu như không cung cấp các sản phẩm, dịch vụ khác. Chiến lược riêng cho huy động vốn của các MFI hiện còn yếu hoặc thiếu, hầu như chưa tổ chức nào có được chiến lược riêng cho huy động vốn với các chính sách và bước đi cụ thể; việc nghiên cứu thị trường một cách cẩn trọng để hiểu rõ nhu cầu và độ lớn của cầu khách hàng hầu như chưa được thực hiện.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ CHO CÁC MFI VIỆT NAM

Để bảo đảm khả năng phát triển bền vững của các MFI Việt Nam, qua nghiên cứu các kinh nghiệm trên thế giới và tình hình thực tế tại Việt Nam, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nghiên cứu biện pháp nhằm tạo đột phá trong quản lý. Các biện pháp của các MFI trên thế giới trong điều kiện giới hạn lãi suất nhờ sự đột phá về công nghệ/quản lý giúp giảm đáng kể các chi phí tiếp cận với vùng sâu, vùng xa và làm giảm chi phí trung gian. Dù có tiến bộ công nghệ đáng kể trong những năm gần đây tại Việt Nam, nhưng việc tạo lập và bảo trì cơ sở dữ liệu đối với các MFI Việt Nam vẫn còn là một thách thức, chưa kể yếu tố chi phí đầu tư cao của công nghệ mới, đi kèm với những nút thắt về kết cấu hạ tầng. Do đó, sự đột phá trong quản lý là cách thức ít chi phí song hiệu quả trong việc duy trì chất lượng danh mục đầu tư. Ngoài ra, các MFI Việt Nam có thể tham khảo bài học thành công của Ngân hàng Chính sách xã hội (một tổ chức có thị trường và phương thức hoạt động có nhiều nét tương đồng với các MFI) trong việc áp dụng phương thức ủy thác cho vay và chi trả hoa hồng một cách sáng tạo theo bài học kinh nghiệm của các MFI trên thế giới. Tất nhiên, các tổ chức sẽ có sự khác biệt nhất định trong tính quy mô, nguồn vốn cũng như “khẩu vị” rủi ro trong kinh doanh… Vì thế, việc vận dụng cần sáng tạo hoặc có thể chỉ tham gia phối hợp một phân đoạn trong chuỗi chu trình.

Thứ hai, phát triển sản phẩm dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh. Các sản phẩm tín dụng và huy động vốn nên được thiết kế phù hợp với đặc trưng của khách hàng, như: thời hạn đa dạng, kỳ hạn gửi tiền linh hoạt theo nguồn tiền của khách hàng; điều chỉnh các sản phẩm hiện tại kết hợp với thiết kế, phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở lấy ý kiến khách hàng cho phù hợp. Các MFI cần chọn lựa phân đoạn thị trường và loại khách hàng phù hợp với ưu thế và chiến lược của tổ chức, không xa rời mục tiêu vì khách hàng thu nhập thấp, đồng thời cần mở rộng thu hút nguồn vốn từ cả các đối tượng khác. Phát triển đồng đều giữa tín dụng và huy động tiết kiệm, cân bằng được nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn. Quy trình cung cấp dịch vụ cần đơn giản hóa, ứng dụng công nghệ phù hợp để giảm thiểu chi phí và tạo điều kiện để khách hàng dễ dàng tiếp cận.

Thứ ba, tiến hành chuyển đổi thành các MFI chính thức. Chuyển đổi thành MFI chính thức sẽ giúp các MFI được bảo trợ nhiều hơn về mặt pháp luật. Không những vậy, việc phải tuân thủ các chuẩn mực về pháp lý, quản trị, điều hành, kiểm soát, minh bạch thông tin… giúp các MFI nỗ lực tăng cường tính chuyên nghiệp, hạn chế rủi ro đạo đức mà các MFI trên thế giới đã gặp phải. Các MFI chính thức có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn vốn đa dạng từ bên ngoài, được mở rộng nội dung hoạt động và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ cung ứng. Ngoài ra, MFI chính thức sẽ giúp các MFI cung cấp gói sản phẩm đồng bộ, phù hợp với thị trường người có thu nhập thấp, bao gồm: cho vay, nhận tiền gửi từ công chúng, chuyển tiền và kênh kết nối với bảo hiểm vi mô dưới tư cách là đại lý bảo hiểm./.

TS. PHAN ANH

Viện Nghiên cứu khoa học, Học viện Ngân hàng

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo Số 10 - tháng 4/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Jonathan Morduch (1999), The role of subsidies in microfinance: evidence from the Grameen Bank, Journal of Development Economics, 60(1), 229-248.

2. Lê Thanh Tâm (2013), Lãi suất cho vay đối với các tổ chức tài chính vi mô: Kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất cho Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, số 15, tháng 8/2013.

3. Ngân hàng Phát triển châu Á (2016), Tác động của chính sách hạn chế lãi suất lên hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô.

4. Nguyễn Kim Anh và cộng sự (2017), Báo cáo Sản phẩm dịch vụ tài chính vi mô: Thực trạng và giải pháp phát triển.

5. Rajesh Chakrabarti (2003), The Indian Microfinance Experience - Accomplishments and Challenges, retrieved from http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.649854.

6. Sun Ruomei (2002), The Development of Microfinance in China, International Workshop On Rural Financial Reforms In China.

7. TYM (2022), Số liệu vận hành cập nhật đến 31/12/2022, truy cập từ https://tymfund.org.vn/ ket-qua/.

8. VMWG (2019), Báo cáo hoạt động, truy cập từ https://microfinance.vn/category/an-pham-va-bao-cao/.


[1] Có 4 MFI chính thức là: Tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn M7 (M7-MFI), Tổ chức TCVM TNHH Thanh Hóa (Thanh Hóa MFI), Tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP), Tổ chức TCVM Tình Thương (TYM).