Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng xây từ tiền ngân sách và phải đi vay - Ảnh: Gia Bình, thanhnien.vn

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho một số địa phương lập quy hoạch và chuẩn bị đầu tư xây dựng trung tâm hành chính theo hướng đảm bảo đáp ứng nhu cầu xây dựng hệ thống hành chính tập trung, hiệu quả, sử dụng nguồn vốn đầu tư từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất các cơ sở nhà, đất hành chính cũ và ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, để có điều kiện đánh giá kỹ hơn và rút kinh nghiệm việc đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện việc đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung tại các địa phương trong thời gian qua và đề xuất giải pháp phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, báo Thanh niên đã phản ánh “cuộc đua” xây trụ sở “nghìn tỷ đồng” tại các địa phương.

Cụ thể như Khánh Hòa cũng dự kiến xây dựng khu trung tâm hành chính tại xã Vĩnh Thái (TP.Nha Trang), với diện tích 126 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 4.300 tỷ đồng, trong đó vốn xây dựng hạ tầng cho khu trung tâm này và các cơ quan hành chính khoảng 3.000 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, trong năm 2016, UBND tỉnh sẽ khởi động dự án với việc tổ chức thi tuyển công trình kiến trúc cho tòa nhà trung tâm, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế chi tiết. Đồng thời, sẽ xem xét, đánh giá hồ sơ đề xuất của các nhà đầu tư để tiến tới ký hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với các nhà đầu tư được lựa chọn và triển khai việc thi công và dự kiến, sau 5 năm sẽ hoàn thành.

Trước đó, giữa tháng 3/2014, tỉnh Đồng Nai họp bàn đề án xây dựng khu TTHC - chính trị của tỉnh. Theo Sở Xây dựng, chủ đầu tư dự án, trung tâm hành chính mới đặt tại khu đô thị mới Tam Phước (Biên Hòa) có tổng diện tích xây dựng 122.000 m2, vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng.

Cũng theo báo Thanh niên, trong “cuộc đua” này còn có Bình Thuận, Bình Định, Hà Tĩnh, Nghệ An...

Hiện nay, quy hoạch chi tiết 1/500 khu hành chính tập trung của tỉnh Bình Thuận (rộng hơn 80.000 m2 tại P.Phú Thủy, TP.Phan Thiết) đã được tỉnh này phê duyệt.

Đối với dự án trung tâm hành chính tỉnh Hà Tĩnh, dự kiến mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Trước mắt triển khai giai đoạn 1 (gồm hạ tầng kỹ thuật và tòa nhà cao tầng thứ nhất bố trí chỗ làm việc cho 8 đến 10 sở, ngành). Diện tích khu vực dự kiến thực hiện dự án là 46 ha, trong đó nhà trung tâm hành chính là 10 ha. Theo kế hoạch công trình hoàn thành vào năm 2017.

Theo số liệu khảo sát của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hiện có khoảng 15 trung tâm hành chính tập trung đã đưa vào sử dụng, đang triển khai. Các dự án đều có mức dự toán trên 1.000 tỷ đồng, cao hơn nữa là trên 5.000 tỷ đồng.

iều đáng nói là có tỉnh đã phải đi vay vốn để xây trung tâm hành chính tập trung như trường hợp của Lâm Đồng. Dự án ban đầu Chính phủ phê duyệt với mức đầu tư 495 tỷ đồng, đến năm 2012 được điều chỉnh lên hơn 1.000 tỷ đồng. Xây dựng từ 2009 đến 2014, nhưng do tỉnh không bố trí đủ vốn theo tiến độ thi công thực tế dẫn đến thời gian thi công kéo dài và phát sinh lãi vay phải trả 33,9 tỷ đồng. Đến giữa năm 2011, UBND tỉnh phải chuyển từ hình thức BT sang dùng vốn NSNN.

Tại kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu quốc hội cho rằng khi ngân khố quốc gia đang ngày càng teo tóp thì việc các tỉnh, thành xin tiền xây dựng trung tâm hành chính “nghìn tỷ đồng” là hết sức thiển cận, vô lý và cần phải dừng ngay lập tức./.