Tăng cường công tác quản lý dự án trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Công nhân làm việc trong Công ty TNHH EXEDY Việt Nam tại KCN Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc

PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt được của Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc trong công tác quản lý dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2022?

Phó Trưởng ban Vũ Kim Thành: Trong năm 2022, vượt qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động tiêu cực của nền kinh tế toàn cầu, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc (Ban Quản lý) đã triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước về KCN trên các lĩnh vực được phân cấp, trong đó công tác quản lý dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được tăng cường đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Công tác quản lý dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào các KCN bao trùm hầu hết các nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động quản lý nhà nước của Ban Quản lý. Năm 2022, Ban Quản lý đã triển khai thực hiện hiệu quả công tác này trên các mặt hoạt động cụ thể sau:

Triển khai hiệu quả công tác thanh tra, kim tra, giám sát

Trong năm 2022, Ban Quản lý đã chủ động tổ chức giám sát hoạt động đầu tư đối với 12 doanh nghiệp trong KCN theo Quyết định số 48/QĐ-BQLKCN ngày 23/5/2022.

Ban phối hợp với các đơn vị chức năng và tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường và lao động tại 15 doanh nghiệp, đơn vị hạ tầng trong KCN. Thông qua việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, Ban Quản lý và các đơn vị chức năng đã xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật, qua đó giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về việc tuân thủ.

Giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp

Trong năm 2022, Ban Quản lý đã giải quyết 01 đơn khiếu nại của một số công dân thôn Quang Khải, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên về việc đề nghị tháo dỡ barie trước cổng phụ vào KCN Bá Thiện để phục vụ đi lại thuận tiện cho công nhân làm việc trong KCN. Sau khi nắm bắt tình hình thực tế, Ban Quản lý đã tổ chức làm việc với UBND huyện Bình Xuyên; UBND xã Thiện Kế và chủ đầu tư hạ tầng KCN Bá Thiện – Phân khu I (HDTC) để thống nhất phương án, đề xuất, báo cáo UBND Tỉnh giải quyết. Trên cơ sở báo cáo của Ban, UBND Tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu cho UBND Tỉnh thực hiện phương án giải quyết do Ban Quản lý đề xuất. Qua đó ổn định được an ninh trật tự trên địa bàn KCN.

Triển khai toàn diện công tác bảo vệ môi trường tại các KCN

Trong năm 2022, Ban Quản lý thực hiện hoàn thành việc lấy mẫu và phân tích mẫu nước thải, khí thải công nghiệp theo kế hoạch (49 mẫu nước thải và 38 mẫu khí thải); thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động phát thải gây ô nhiễm môi trường nước và không khí, quản lý nước thải công nghiệp, rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại, rác thải sinh hoạt theo quy định; tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm về giữ gìn vệ sinh môi trường của các doanh nghiệp trong KCN.

Cùng với đó, Ban Quản lý tham gia đóng góp ý kiến cho Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho 07 dự án; tham gia đóng góp ý kiến cho Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho 04 dự án; tham gia ý kiến cấp Giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền Bộ cấp cho 02 dự án và thuộc thẩm quyền UBND Tỉnh cấp cho 62 dự án.

Tính đến hết năm 2022, có 07/08 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, với tổng công suất thiết kế khoảng 33.000m3/ngày đêm; có 06 KCN đã có hệ thống quan trắc tự động liên tục theo quy định của pháp luật.

Tăng cường quản lý lao động trong các KCN

Công tác quản lý lao động, đặc biệt là lao động nước ngoài trong các KCN luôn được tăng cường đẩy mạnh. Công tác quản lý lao động trong các KCN theo chế độ ủy quyền được thực hiện tốt, đáp ứng yêu cầu của UBND Tỉnh và cơ quan ủy quyền.

Trong năm 2022, Ban đã kịp thời tiếp nhận, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về lao động; đề xuất với UBND Tỉnh một số cơ chế, chính sách thu hút, giữ chân người lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh; triển khai nội dung Đề án “Phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025”; phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Công an Tỉnh, Liên đoàn lao động Tỉnh, Công đoàn các KCN giải quyết ngừng việc tập thể, yêu cầu tăng lương tại một số doanh nghiêp; phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, chấn chỉnh việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài tại địa phương, đảm bảo đúng điều kiện, trình tự, thủ tục quy định; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh, lao động nước ngoài đã đăng ký vào làm việc tại các doanh nghiệp... Đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Triển khai thực hiện kế hoạch khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong các KCN; cung cấp thông tin, số liệu xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động giai đoạn 2022-2025; tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về lao động theo Kế hoạch của UBND Tỉnh.

Năm 2022, Ban thực hiện cấp/cấp lại 1.013 giấy phép lao động trong các KCN; chấp thuận vị trí việc làm sử dụng lao động người nước ngoài cho 407 lượt doanh nghiệp; xác nhận không thuộc diện cấp phép cho 251 người nước ngoài; tiếp nhận 61 nội quy lao động; 40 thỏa ước lao động tập thể và 61 hồ sơ thẩm định làm thêm giờ.

Tăng cường công tác quản lý dự án trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Công nhân đang làm việc trong Công ty TNHH Optrontec vina, KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc

Triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến các KCN

Trong năm 2022, Ban đã tổ chức tổ chức 02 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về lao động cho trên 300 doanh nghiệp trong KCN với sự tham gia của 312 người sử dụng lao động và 310 người lao động; tổ chức 04 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường với sự tham gia của gần 350 doanh nghiệp trong KCN (thu hút 1.030 người tham dự); 04 hội nghị tập huấn về chuyển đổi số, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và giải đáp thắc mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ban với sự tham gia của gần 900 người tham dự.

Đảm bảo an ninh, trật tự; an toàn phòng cháy chữa cháy trong các KCN

Trong năm 2022, tại các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chỉ để xảy ra 01 vụ cháy quy mô nhỏ được xử lý và khắc phục kịp thời, không gây thiệt hại về người và tài sản.

Trong năm 2022, Ban đã ban hành văn bản yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng KCN hoàn thiện hồ sơ thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu và thành lập đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy cơ giới, bố trí bến bãi cho công tác phòng cháy chữa cháy trong KCN báo cáo UBND Tỉnh; phối hợp với Công an tỉnh tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng kế hoạch tổng rà soát, kiểm tra về an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ và Hội thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có sự tham gia của các doanh nghiệp và các đơn vị hạ tầng KCN.

Trong năm 2022, các KCN đã xảy ra một số cuộc ngừng việc tập thể. Ban Quản lý đã phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh đến các doanh nghiệp nắm bắt tình hình, nguyên nhân và kiến nghị của người lao động để làm việc với người sử dụng lao động, đại diện Công đoàn các doanh nghiệp; từ đó có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn phương án giải quyết, tránh phát sinh thêm các vấn đề phức tạp trong quan hệ lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, ổn định.

Đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư

Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp cơ bản đáp ứng được yêu cầu trước mắt của doanh nghiệp. Việc giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp được thực hiện kịp thời. Năm 2022, Trung tâm dịch vụ hỗ trợ đầu tư thuộc Ban đã ký, thực hiện hiệu quả 07 hợp đồng hỗ trợ và tư vấn đầu tư, dịch vụ liên quan đến cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong KCN. Hỗ trợ tư vấn, trao đổi thông tin, hướng dẫn cho trên 50 lượt doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội đầu tư, thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư để các doanh nghiệp thực hiện theo quy định. Công tác tư vấn đầu tư cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp luôn đảm bảo chất lượng, kịp tiến độ, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp thực hiện thủ tục đầu tư, giảm bớt thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Trong năm 2022, Ban đã ban hành nhiều lượt văn bản hướng dẫn/hỗ trợ nhà đầu tư/doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, lao động và xây dựng theo Luật Đầu tư, Luật Lao động, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư/doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính đúng hạn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; làm việc với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, tăng lương cho người lao động; phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đối với một số vấn đề về thu/nộp thuế doanh nghiệp; môi trường; đất đai, công nghệ, chuyển đổi doanh nghiệp thường sang doanh nghiệp chế xuất và ngược lại…

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Từ ngày 04/01/2022, Ban thực hiện phần mềm Igate giải quyết thủ tục hành chính, một cửa liên thông thay cho phần mềm cũ. Tính đến ngày 15/12/2022, 40/45 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (chiếm 88,88% tổng số thủ tục hành chính), góp phần vừa giảm đáng kể thời gian giải quyết thủ tục hành chính, vừa tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công vụ trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Trong năm 2022, Ban đã trình UBND Tỉnh phê duyệt sửa đổi Quy trình giải quyết nội bộ các thủ tục hành chính 4 tại chỗ thuộc lĩnh vực lao động, việc làm tại Trung tâm phục vụ Hành chính công Tỉnh thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của Ban; trong đó, Ban đề xuất cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 1/2- 01 ngày đối với 06 thủ tục hành chính. UBND Tỉnh đã ban hành QĐ số 2377/QĐ-CT ngày 05/12/2022 để phê duyệt nội dung này.

100% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban được cập nhật đầy đủ vào phần mềm ứng dụng cho Bộ phận một cửa tại Trung tâm Hành chính công Tỉnh theo quy định. Tính đến ngày 15/12/2022, Ban đã tiếp nhận 2.260 hồ sơ, trong đó số hồ sơ đạt tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn là 98,6%.

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Ban tăng cường việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tuyến. Trong năm 2022, số lượng hồ sơ Ban tiếp nhận trực tuyến: 2.166 hồ sơ, chiếm 95,8% tổng số hồ sơ tiếp nhận.

Đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các KCN được Ban Quản lý triển khai thực hiện nghiêm túc theo các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thường xuyên theo dõi sát diễn biến của dịch bệnh, tăng cường kiểm tra, giám sát tại các doanh nghiệp trong KCN; chỉ đạo các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế sở tại nơi có KCN và các cơ sở y tế tại địa phương của người lao động chủ động, sáng tạo, linh hoạt phòng, chống dịch hiệu quả.

Ban Quản lý là cơ quan đầu mối thực hiện thuê 05 xe buýt để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ vận chuyển người mắc bệnh Covid-19 tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh về nơi điều trị; theo dõi, tổng hợp công tác vận chuyển F0 hàng ngày.

Ban đã ban hành hàng trăm lượt văn bản thực hiện hướng dẫn các doanh nghiệp tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là đối với các biến thể mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đề xuất các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và triển khai tiêm bổ sung và nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 cho người nước ngoài, người lao động trong các KCN; rà soát, tổng hợp tình tình tiêm vắc xin tại các KCN; thông báo kịp thời, đầy đủ các thông tin, quy định, các văn bản chỉ đạo về phòng chống dịch của Trung ương, của Tỉnh tới các doanh nghiệp trong KCN; thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo nhanh hàng ngày cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tỉnh.

Chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Trong năm 2022, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Quản lý đã ban hành 21 lượt văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các nội dung: Thông báo về tình hình mưa lũ và những nội dung cần triển khai ngay để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại một số KCN, doanh nghiệp trong KCN; xây dựng kế hoạch, phương án tiêu thoát nước, bảo vệ tài sản, máy móc, thiết bị trong trường hợp tiếp tục mưa lớn xảy ra ngập úng ở KCN; kế hoạch phòng, chống thiên tai, ứng phó với mưa lớn, ngập lụt trong KCN năm 2022; thông báo lệnh xả tràn, xả lũ các hồ: Hòa Bình, Xạ Hương, Thanh lanh; báo cáo tổng hợp thiệt hại do thiên tai gây ra tại các KCN trên địa bàn Tỉnh; triển khai các giải pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với các cơn bão theo chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh.

PV: Thưa ông, Ban Quản lý sẽ triển khai những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng nào trong công tác quản lý các dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2023, để tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian tới?

Phó Trưởng ban Vũ Kim Thành: Năm 2023, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc sẽ triển khai một số nhiệm vụ then chốt trên các mặt hoạt động cụ thể sau nhằm đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, cụ thể:

Thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát: Triển khai tốt Quy chế phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn Tỉnh, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong hoạt động kiểm tra và giám sát hoạt động đầu tư của các dự án trong KCN theo quy định của pháp luật; đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các dự án có vi phạm.

Triển khai đồng bộ công tác quản lý lao động tại các KCN: Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng quản lý nhà nước về lao động; triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghệp trong KCN làm cơ sở tham mưu, đề xuất với Tỉnh xây dựng cơ chế chính sách đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, có hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Tăng cường các hoạt động gắn kết giữa cơ quan nhà nước, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn lao động. Hoàn thành việc số hoá cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực lao động trong KCN; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để doanh nghiệp nắm rõ và thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động.

Theo dõi sát sao công tác quản lý môi trường tại các KCN: Triển khai lấy mẫu, phân loại, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và kiểm soát các biện pháp thực hiện bảo vệ môi trường; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp trong KCN; tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác bảo vệ môi trường trong các KCN; thúc đẩy việc xây dựng và vận hành nhà máy xử lý nước thải của các KCN.

Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy tại các KCN: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh để tuyên truyền, hướng dẫn chủ đầu tư các KCN về công tác phòng cháy chữa cháy trong KCN; đôn đốc chủ đầu tư các KCN hoàn thiện bộ máy nhân sự và trang thiết bị đúng theo quy định; thường xuyên đôn đốc việc thực hiện chế độ huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy; phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong KCN; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tuyên tuyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy.

Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp: Tiếp tục bám sát nhu cầu của nhà đầu tư để có những hỗ trợ kịp thời tối ưu cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường công tác hỗ trợ sau đầu tư nhằm hạn chế và phòng ngừa các tranh chấp đầu tư; ưu tiên tập trung hỗ trợ việc triển khai các dự án lớn. Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp (trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công Tỉnh; qua điện thoại, đường dây nóng; bằng văn bản hoặc email; giải đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Tỉnh; trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp...).

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, quản lý hoạt động của các dự án bằng phần mềm, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong các KCN của Tỉnh./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tăng cường công tác quản lý dự án trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Toàn cảnh KCN Bá Thiện, tỉnh Vĩnh Phúc