Tăng cường xử lý vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội
Mất an toàn thực phẩm: vấn đề nhức nhối
Trong những tháng đầu năm 2016, tình hình vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo Sở Y tế Hà Nội, vấn nạn mất vệ sinh, an toàn thực phẩm tại Thành phố đang ngày càng trầm trọng. Trong 5 tháng đầu năm 2016, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP. Hà Nội đã tổ chức 766 đoàn, tuyến phố thành lập 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm…
Qua kiểm tra 48.899 cơ sở, phát hiện 7.872 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, xử lý 6.227 cơ sở, trong đó phạt cảnh cáo 488 cơ sở, phạt tiền 2.736 cơ sở với số hơn 13 tỷ đồng, tiêu hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Riêng trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016” từ ngày 15/04 đến 15/05 do UBND thành phố Hà Nội đã phát động đã thanh tra, kiểm tra 11.817 cơ sở, phạt tiền 978 cơ sở, số tiền phạt hơn 3,3 tỷ đồng, tiêu hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Các cơ quan chức năng của Thành phố đã lấy 775 mẫu thực phẩm gửi xét nghiệm (trong đó Tháng an toàn thực phẩm lấy 214 mẫu), phát hiện 49 mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh vật, hóa học và theo hồ sơ cơ sở tự công bố.
Theo xét nghiệm nhanh thì có 90,1% (107.574/119.423 mẫu) mẫu thực phẩm đảm bảo an toàn, trong đó, khu vực ngoại thành mẫu thực phẩm đảm bảo đạt 90%, khu vực nội thành có 96,8% mẫu thực phẩm đảm bảo.
Mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của thành phố Hà Nội, song việc quản lý an toàn thực phẩm được đánh giá là còn diễn biến rất phức tạp. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ngày 27/04, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - cho biết, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là công tác quản lý rau và thịt, đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Với hơn 09 triệu người thường xuyên sinh sống tại Hà Nội, mỗi năm, thị trường Hà Nội tiêu thụ một lượng thực phẩm rất lớn. Trong đó, các hộ sản xuất trên địa bàn chỉ cung cấp lượng thực phẩm đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, số còn lại phải nhập từ các địa phương khác hoặc nhập khẩu từ nước ngoài.
Trong khi đó, sản xuất rau an toàn (RAT) vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Hiện nay, diện tích trồng rau an toàn của Thành phố mới đạt 5.100 ha trong tổng số 12.000 ha trồng rau, với 72 cơ sở sơ chế, công suất mỗi ngày đạt gần 08 tấn rau, trong khi, nhu cầu về rau, củ, quả mỗi ngày của Hà Nội vào khoảng 2.500 tấn.
Bên cạnh đó, việc quản lý rau của các tỉnh đưa vào tiêu thụ tại Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nguồn gốc xuất xứ và kiểm soát chất lượng sản phẩm…
Về thịt, số cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm giết mổ gia súc gia cầm còn ít, nhiều điểm giết mổ tự phát. Hiện tại, Hà Nội mới chỉ có 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp (3 cơ sở đang hoạt động), 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp, 4 khu giết mổ gia súc, gia cầm thủ công, nhưng có đến 2.490 điểm giết mổ nhỏ, lẻ thủ công. Hiện tượng buôn bán, vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, sản phẩm nhập khẩu chưa được cơ quan quản lý kiểm soát diễn ra phức tạp, khó kiểm soát…
Hà Nội mới có 5.100 ha diện tích trồng rau an toàn
Đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian tới
Để thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, cũng tại Hội nghị trên, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở; các cơ sở kinh doanh phải nêu rõ nguồn gốc sản phẩm, có địa chỉ, điện thoại cụ thể để thuận lợi cho việc giám sát; các chủ sản xuất phải có đủ phương tiện theo đúng tiêu chuẩn để vận chuyển, bảo quản thực phẩm; bảo đảm an toàn lao động.
Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người buôn bán, nuôi trồng có kiến thức, chứng chỉ về vệ sinh an toàn mới được kinh doanh. Đổi mới công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về ý thức của người sản xuất, kinh doanh;
Hơn nữa, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất. Cần ban hành những chế tài đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe, nếu cơ sở vi phạm nhiều lần sẽ bị cấm kinh doanh thực phẩm vĩnh viễn.
Nhận định về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tới, tình hình thời tiết nắng nóng thất thường, dễ dẫn đến mất an toàn thực phẩm, nguy cơ bùng phát dịch bệnh, có thể xảy ra các vụ việc về ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, vì vậy, ông Chu Xuân Kiên - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội, khẳng định, Chi cục Quản lý Thị trường sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra thường xuyên và xử lý vi phạm hành chính về chất lượng an toàn thực phẩm và triển khai Đề án thí điểm mô hình kiểm tra, kiểm soát rau và thịt an toàn lưu thông trên địa bàn TP. Hà Nội... (Nguyễn Hạnh, 2016).
Nhằm góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, tại cuộc họp Giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, chiều ngày 17/5, Sở Y Tế, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã đồng loạt công bố đường dây nóng để người dân phản ánh những cơ sở sản xuất, kinh doanh không hợp vệ sinh. Theo đó, đường dây nóng của Sở Công Thương Hà Nội là 1900 585826, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội là 043 3800 115 và Sở Y tế Hà Nội là 043 998 5765. Tùy từng trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm ở khâu trồng trọt, sản xuất hay kinh doanh, người dân có thể phản ánh lên các sở khác nhau.
Tài liệu tham khảo:
Chính phủ (2016). Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ngày 27/04, tại Hà Nội
Thành ủy Hà Nội (2016). Giao ban báo chí ngày 17/05, tại Hà Nội
Nguyễn Hạnh (2016). Nỗ lực ngăn chặn thực phẩm bẩn, truy cập từ http://baocongthuong.com.vn/no-luc-ngan-chan-thuc-pham-ban.html
Bình luận