Tăng tính hiệu quả cho các chính sách dân tộc
Triển khai chưa như kỳ vọng
Xóa đói giảm nghèo được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, đặc biệt là cho đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số. Theo Báo cáo kết quả rà soát Chính sách dân tộc giai đoạn 2006-2014 của Ủy ban Dân tộc, hiện nay có 130 chính sách được thể hiện qua 177 văn bản tại 37 nghị định, nghị quyết của Chính phủ và 140 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chưa kể các địa phương đã chủ động thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước bằng việc ban hành những chủ trương, chính sách riêng phù hợp với địa bàn.
Trên thực tế, nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo chưa đủ, kịp thời, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình. Tính riêng kinh phí được cấp để thực hiện các chương trình do Ủy ban Dân tộc quản lý giai đoạn 2006-2010 chỉ đạt 67,45%; giai đoạn 2011-2014 mới đạt 40,7% kế hoạch vốn được phê duyệt.
Điển hình như năm 2014, Chương trình 135 được triển khai trên 2.331 xã và 3.509 thôn, bản. Tổng nhu cầu vốn theo Quyết định 551/QĐ-TTg, ngày 04/04/2013 là 6.050,295 tỷ đồng, tổng số kinh phí đã phân bổ cho các địa phương là 3.908.466 tỷ đồng, đạt 64,59% so với kế hoạch vốn.
Về phân công quản lý, chỉ đạo thực hiện một số chính sách còn chưa hợp lý. Chương trình 135 được áp dụng với đối tượng là cấp xã, thôn được giao cho Ủy ban Dân tộc chỉ đạo thực hiện, nhưng Chương trình 30a, đối tượng là cấp huyện trên cùng một địa bàn lại phân công Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo, tạo nên sự chồng chéo trong quản lý, lãng phí nguồn lực, khó thực hiện. Thêm vào đó, cơ chế quản lý, thực hiện, thanh quyết toán của từng chương trình, chính sách đều riêng biệt, cho nên khó khăn trong quá trình lồng ghép...
Theo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, tính đến hết năm 2014, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 15% số dân cả nước, nhưng lại chiếm đến hơn 50% tổng số hộ nghèo. Còn thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Những con số báo động này đặt ra câu hỏi về hiệu quả của các chính sách xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua.
“Gỡ” như thế nào?
Là một trong những người có nhiều trăn trở với các chính sách dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã chia sẻ trong Chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời ngày 7/6/2015: “Trong kế hoạch sắp tới, chúng tôi báo cáo với Thủ tướng sẽ dự kiến hai loại chính sách chính, một là Chương trình 135 tiếp tục giữ nguyên và tích hợp lại từ 7-8 chính sách và có chỉnh lý, sửa đổi bổ sung hợp phần. Ví dụ Chương trình 135 chỉ có hai hợp phần, nhưng chúng tôi báo cáo với Thủ tướng đề nghị bổ sung hợp phần nâng cao năng lực của người dân. Giảm thiểu chính sách cho không, tránh tư tưởng ỷ lại của người dân”.
Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường sự đóng góp của các tổ chức trong nước, doanh nghiệp các nhà hảo tâm đối với công tác giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc. Cùng với đó là, tích cực phân cấp tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương để chủ động căn cứ vào tình hình thực tế, đưa ra những chính sách phù hợp.
“Và các bộ, ngành địa phương khi có chính sách và nguồn lực phải triển khai nhanh chóng và giảm bớt các thủ tục phiền hà và tăng cường giải ngân cho đồng bào dân tộc miền núi” – Bộ trưởng Giàng Seo Phử nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong công văn 317/UBDT-VP135, ngày 06/04/2015 về việc triển khai thực hiện chương trình, chính sách dân tộc năm 2015, Ủy ban Dân tộc đã đề nghị các địa phương tập trung, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện đồng bộ các nội dung của chương trình, chính sách trên địa bàn, đảm bảo tiết kiệm, dứt điểm và có hiệu quả cao. Trong đó, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của người dân.
Khẩn trương phân bổ vốn cho các dự án định canh định cư xen ghép, tập trung nguồn vốn nhằm hoàn thành các dự án dang dở, ổn định đời sống cho đồng bào. Tập trung nguồn lực để hỗ trợ sản xuất, nước sinh hoạt phân tán và mua sắm nông cụ máy móc phục vụ sản xuất.
Bình luận