Chuyên gia đánh giá tích cực

Sau lần điều chỉnh tăng biên độ giao dịch thêm 1% vào ngày 12/8, hôm nay NHNN tiếp tục công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ thêm 1% từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD, đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.

Động thái này của NHNN được nhiều chuyên gia đánh giá tích cực.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia về lĩnh vực ngân hàng cho rằng, hành động này của NHNN là sự lựa chọn cuối cùng, không còn cách nào khác.

Chuyên gia này hoan nghênh hành động của NHNN: "Thực tế, việc buộc phải phá giá tiền đồng là do NHNN không còn cách nào khác. Áp lực trên thị trường ngoại hối rất lớn, nếu NHNN vẫn giữ tỷ giá thấp, sẽ rất nhiều thành phần kinh tế hào hứng mua USD vào. Tình trạng này kéo dài, NHNN sẽ bị giảm mạnh dự trữ ngoại hối. Vì vậy, NHNN cần phải bán USD với giá cao hơn để ngăn chặn làn sóng gom USD này bằng cách tăng tỷ giá”,

Ông Hiếu bình luận: "Những quốc gia giữ quan điểm đồng tiền mạnh thì luôn phải bảo vệ giá trị tiền bằng cách bán ngoại tệ để ổn định thị trường. Làm thế sẽ hao hụt ngoại tệ rất lớn. Trung Quốc cũng phải bỏ chính sách này. Việt Nam hiện vẫn theo đuổi chính sách đồng tiền mạnh, nhưng như thế sẽ rủi ro cho nền kinh tế”. Ông Hiếu cũng dự báo, đây có thể chưa phải là lần phá giá cuối cùng trong năm.

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tỏ ra không ngạc nhiên khi NHNN điều chỉnh tỷ giá ngày hôm nay vì chính ông là người đã kiến nghị NHNN nên điều chỉnh càng sớm càng tốt.

Ông Thành lý giải, NHNN có hai mức phản ứng, một là ngay sau khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá, NHNN đã mở biên độ 1% ngay trong đêm 12/8, đó là phản ứng tạm thời xả van để thị trường ngoại hối có thêm không gian điều chỉnh theo tín hiệu thị trường. Hôm nay, NHNN lại đi tiếp một bước nữa là đẩy thêm 1% ở tỷ giá và mở biên độ thành 3% để thị trường xả van nhiều hơn. Theo ông Thành, NHNN đang làm tốt, phản ứng đúng tình hình của thị trường, nếu không điều chỉnh thì sẽ không đủ liều lượng.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, quyết định nới biên độ ngày hôm nay là hành động nhanh và gần như không có tiền lệ tại Việt Nam. Điều này cho thấy NHNN đang sẵn sàng xử lý các thách thức trên thị trường. Việc nới rộng biên độ giao dịch USD/VND của NHNN là bước đi cần thiết để giúp thị trường ổn định.

Ông Hải cho rằng, cơ quan điều hành đang tạo một biên độ giao dịch đủ rộng. Điều này sẽ khiến cho cung cầu gặp nhau trên thị trường, tránh tạo tâm lý của thị trường về việc điều chỉnh liên tục.

Theo ông, động thái mạnh mẽ nói trên thể hiện bước đi trước của Ngân hàng Nhà nước so với cung cầu thị trường. Điều này sẽ làm giảm áp lực tiếp tục bán dự trữ ngoại tệ ra thị trường – bước đi tiếp theo vốn dĩ không mang tính bền vững.

Việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc hạ giá tuần qua kéo theo một loạt các đồng tiền khác trong khu vực cũng hạ giá theo. Với việc tăng tỷ giá của NHNN sẽ đảm bảo khả năng cạnh tranh xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh này, đặc biệt là trước các nước như Thái Lan, Indonesia, Philipines. Thêm nữa, hạ giá VND cũng sẽ giúp hạn chế con số nhập siêu trong thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc.

Liệu đã tăng đủ?

Trong tuyên bố của NHNN đưa ra, với việc điều chỉnh tỷ giá lần này, đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016.

Tuy nhiên TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ Ngân hàng BIDV cho rằng điều này có phần hơi "lạc quan", bởi nó còn phải phụ thuộc vào 3 yếu tố khác.

Thứ nhất là khả năng Trung Quốc có điều chỉnh tỷ giá tiếp hay không vẫn còn là một dấu hỏi dù rằng họ đã cam kết và đưa ra thông điệp là không điều chỉnh quá 10%.

Thứ hai là việc Fed tăng lãi suất cụ thể mức bao nhiêu, chúng ta cũng không thể lường đoán hết.

Thứ ba là còn phụ thuộc vào các nhân tố trong nội bộ nền kinh tế Việt Nam. Ví dụ như áp lực lạm phát, ví dụ như số liệu tăng trưởng, kim ngạch thương mại… Đây cũng là những nhân tố cần phải xem xét.

Cho nên, tuyên bố được phát đi đấy cũng chỉ là kỳ vọng của NHNN, mong muốn của NHNN. Chúng ta vẫn phải tiếp tục bám sát thị trường và cũng không ngoại trừ tình huống kịch bản có thể có những động thái chính sách mạnh mẽ hơn từ phía các đối tác rất quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc hay Hoa Kỳ.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây có thể chưa phải là lần phá giá cuối cùng trong năm. Việc tăng tỷ giá sẽ trấn áp được giới đầu cơ, nhưng liệu có thuận theo ý chí của nhà điều hành hay không còn phải xem thị trường trong thời gian tới. Thị trường tự do sẽ biến động thế nào chưa ai biết được nên chưa thể ước đoán được mức tác động thế nào tới thị trường. Đó là FED còn chưa điều chỉnh lãi suất. Sắp tới, nếu FED điều chỉnh lãi suất, Việt Nam sẽ bị tác động. Những điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của NHNN.

Ông Hiếu phân tích: "Lần điều chỉnh này vẫn chưa giải tỏa hết áp lực điều chỉnh tỷ giá. Tôi cho rằng trong 3 năm tới, Việt Nam nên phá giá tiền đồng 10%. Năm 2015 đã phá giá 5% rồi, 2 năm còn lại nên phá giá tiếp phần còn lại. Tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam nên tính đến việc thả nổi tiền đồng”.

Còn TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục có những điều chỉnh thì Việt Nam phải linh hoạt theo diễn biến của Trung Quốc và thế giới. Có thể còn có những điều chỉnh nhưng sẽ không còn có những bước điều chỉnh lớn như thời điểm này nữa.

Ông Thành cho rằng, việc NHNN cam kết từ đầu năm là tỷ giá sẽ tăng không quá 2% nhưng đó là cam kết trong điều kiện không có gì đặc biệt, còn hiện nay có nhiều diễn biến bất thường thì buộc phải có hành động ngay.

Những tác động đến thị trường trong ngày

Giá vàng

Ngay khi tin tỷ giá tăng trong sáng nay, giá vàng của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã tăng mạnh trở lại, giá bán ra vàng SJC tới 800.000 đồng/lượng và tăng giá mua vào 300.000 đồng/lượng, đưa giao giao dịch tại TP. Hồ Chí Minh lên 34,10 – 34,90 triệu đồng/lượng, còn tại Hà Nội và một số địa phương khác là 34,10 – 34,92 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, sau khi tăng nóng vào đầu ngày thì trong vòng chưa đầy 30 phút sau đã bất ngờ rơi. Cụ thể, giá vàng SJC lúc trưa nay ở mức 33,9 - 34,6 triệu đồng/lượng (mua - bán),

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty kinh doanh nữ trang New Partners Jewelry cho rằng, mức tăng đầu ngày là do NHNN sáng nay công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân. Điều này khiến cho giá vàng tăng “hỗn loạn” như vậy, trong khi giao dịch mua bán gần như không biến động, vì theo ông Trọng mua bán trong thời điểm nhạy cảm này sẽ mang lại khá nhiều rủi ro cho giới đầu tư.

Đại diện Công ty SJC cũng cho biết sáng nay chủ yếu là sự biến động về giá, chứ thị trường giao dịch mua bán vẫn ở mức thấp.

Tỷ giá

Sau động thái tăng tỷ giá thêm 1%, nới biên độ lên +/-3% của NHNN sáng nay, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh tăng tỷ giá niêm yết lên mức 22.400 – 22.480 VND/USD, tùy từng ngân hàng.

Như vậy so với ngày hôm qua, tỷ giá hôm nay đã tăng thêm từ 295 – 375 VND/USD.

Cụ thể, Vietcombank, Vietinbank, tỷ giá được niêm yết tại quầy ở mức 22.400 VND/USD (giá ngân hàng bán ra) và 22.300 VND/USD (giá ngân hàng mua vào). Tại các ngân hàng như SCB, HSBC, niêm yết ở mức 22.450 VND/USD, nhưng tại Techcombank, Eximbank, giá đô la Mỹ được niêm yết lên đến 22.480 VND/USD, tức chỉ thấp hơn trần tỷ giá mới 67 đồng.

So với từ đầu năm đến nay, nhìn chung, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thưong mại đã tăng lên hơn 4,64%.

Chứng khoán

Sau thông báo của NHNN, thị trường đã phản ứng với tâm lý bi quan khiến cho các mã ngân hàng, dầu khí và nhóm vay nợ ngoại tệ đều giảm điểm.

Một loạt các cổ phiếu có vay ngoại tệ như NT2, PPC, HT1, BCC, VOS đều mất điểm. NT2 giảm 1,96%, PPC giảm 1,48%, HT1 giảm 0,88%. Tuy nhiên giảm nhiều nhất phải là BCC giảm 4,08%, VOS giảm 3,12%.

Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp lại hưởng lợi từ phá giá tiền đồng. Cụ thể nhóm doanh nghiệp thủy sản, dệt may, dầu khí lại đang tăng hoặc giữ giá khá chắc TCM tăng 0,23%, VHC tăng 1,88%, IDI tăng 1,32%.

Nhóm ngân hàng và nhóm dầu khí cho thấy chịu ảnh hưởng lớn nhất của thông tin phá giá hôm nay.

Các cổ phiếu ngân hàng hầu hết giảm VCB giảm 1,88%, BID giảm 2,27%, EIB giảm 1,65%, CTG giảm 2,5%. Trong khi, các mã lấy đi nhiều điểm số nhất thuộc nhóm dầu khí PVD giảm 3,41% ,GAS giảm 2,42%.

Sang đến phiên chiều, tình hình đã ổn định hơn. Bất ngờ là cổ phiếu VCB lại quay đầu tăng nhờ khối ngoại dù cả nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa có thông tin tích cực hỗ trợ. Trong tổng số giá trị mua vào cả phiên là 111,97 tỷ đồng, họ đã mua vào nhiều nhất VCB khoảng 20,2 tỷ đồng.

Các mã đã giảm giá trong phiên sáng do chịu ảnh hưởng của tỷ giá cũng đã bớt bị bán ra. NT2 và VOS đứng giá, PPC giảm 1%, HT1 tăng 0,44%. Chỉ có mã BCC dưới áp lực bán ra mạnh của khối ngoại (537 nghìn cổ phiếu) vẫn giảm 4,76% về 14.000 đồng/cp.

Nhóm doanh nghiệp hưởng lợi từ phá giá tiền đồng đã tăng mạnh hơn trong phiên chiều. Cụ thể, TCM tăng 5,18%, VHC tăng 2,41%, IDI tăng 3,95%.

Chốt phiên chiều, chỉ số VN-Index giảm 0,41% xuống 577,82 điểm. Khối lượng tăng khá mạnh lên 106,32 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch đạt 1.894,06 tỷ đồng.

Trong khi đó, sàn Hà Nội, nhờ thanh khoản thấp nên chỉ số chỉ cần một vài giao dịch mua vào tại các mã trụ là đảo chiều ngay lập tức. HNX-Index tăng 0,07 điểm lên 79,67 điểm tương đương 0,09%. Thanh khoản 37,9 triệu cổ phiếu, tương đương 406,36 tỷ đồng./.

Nguồn tổng hợp:

http://www.thanhnien.com.vn/kinh-te/sau-khi-tang-hon-loan-gia-vang-giam-manh-tro-lai-598622.html

http://www.thesaigontimes.vn/134577/vi-sao-ty-gia-dot-ngot-tang-manh.html/

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/257326/tang-ty-gia--de-khong-bi--don-vao-chan-tuong-.html

http://www.vietnamplus.vn/dieu-chinh-ty-gia-pha-vo-cam-ket-de-chu-dong-xu-ly-thach-thuc/339060.vnp