Bám 5 nhóm chính sách để xây dựng dự thảo Luật

“Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Quốc hội bao gồm 12 Chương, 117 Điều. Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về tên dự án Luật, trong đó, phương án 1 là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác; phương án 2 là Luật Hợp tác xã…”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, tại họp phiên mở rộng của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Tạo động lực cho hợp tác xã phát triển
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống trình bày Tờ trình dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) (ảnh: Quốc hội)

Liên quan đến các nội dung tại dự án Luật, Thứ trưởng Võ Thành Thống cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật bám sát 5 nhóm chính sách như sau.

Một là, hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã: nhấn mạnh nguyên tắc về giáo dục, tập huấn thường xuyên cho thành viên, người lao động; bổ sung nghĩa vụ của tổ chức kinh tế tập thể có tư cách pháp nhân phải kết nạp thành viên khi đủ điều kiện...

Hai là, mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế tập thể, tổ chức đại diện: bổ sung đối tượng Tổ hợp tác và Liên đoàn Hợp tác xã; quy định rõ Liên minh Hợp tác xã là tổ chức đại diện, bảo vệ lợi ích cho thành viên hoạt động theo pháp luật về hội.

Ba là, mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển: sửa đổi quy định giới hạn tỷ lệ giao dịch bên ngoài do Điều lệ tự quyết định, Nhà nước không áp đặt tỷ lệ cứng; làm rõ quy định cá nhân, tổ chức có thể góp vốn bằng quyền sở hữu, hoặc quyền hưởng dụng đối với tài sản góp vốn; làm rõ quy định tổ chức kinh tế tập thể có tư cách pháp nhân được phép hoạt động tín dụng nội bộ; bổ sung các quy định hạch toán, kế toán riêng giao dịch bên trong và giao dịch bên ngoài, quy định về quỹ chung không chia, yêu cầu trích lập vào quỹ chung không chia, tăng tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Bốn là, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã: bổ sung một chương về kiểm toán, quy định đối tượng, tần suất, phạm vi kiểm kiểm toán nội bộ; quy định cơ cấu tổ chức phù hợp với quy mô hoạt động, yêu cầu quản trị, điều hành của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; quy định về Đại hội thành viên trực tuyến; về ban kiểm soát, giám đốc, kế toán…

Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; bổ sung một chương về chính sách phát triển đối với tổ chức kinh tế tập thể.

Cần khuyến khích mô hình hợp tác xã nào phát huy hiệu quả

Một trong những nội dung mới của dự thảo Luật được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về kiểm toán đối với hợp tác xã. Các đại cho rằng, hoạt động này là cần thiết nhằm tạo sự minh bạch và phản ánh sức khỏe của hợp tác xã. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ lưỡng và có quy định cụ thể với đối tượng kiểm toán.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và nếu đủ điều kiện sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023). Dự án Luật này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 này.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cần thiết phải kiểm toán, nhưng cần quy định ở mức độ phù hợp để khuyến khích các hợp tác xã thực hiện. Do đó, cần quy đinh đơn giản, không thể phức tạp như kiểm toán doanh nghiệp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật.

“Kinh tế tập thể có nhiều loại hình và hiện mô hình hợp tác xã cũng rất khác so với trước đây. Do đó, không nên khuôn vào một mô hình cụ thể, mà mô hình nào phát huy hiệu quả cần được khuyến khích thực hiện; cũng như cần tránh mang mô hình các quy định về hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp để áp dụng với hợp tác xã…”, ông Hải lưu ý.

Tạo động lực cho hợp tác xã phát triển
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu để xây dựng các mô hình hợp tác xã phù hợp với sự đa dạng về tổ chức ở các vùng miền và từng lĩnh vực (ảnh: Quốc hội)

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu để tổ chức hiệu quả các mô hình Liên minh Hợp tác xã, Liên đoàn Hợp tác xã, bảo đảm sử dụng vốn góp hiệu quả; xây dựng các mô hình phù hợp với sự đa dạng về tổ chức ở các vùng miền và từng lĩnh vực. Cùng với đó phải tháo gỡ khó khăn hiện nay của hợp tác xã về cơ sở vật chất, cán bộ quản lý, phương thức quản trị, bảo đảm sẽ hỗ trợ tổ chức được các hợp tác xã kiểu mới./.