“Tết” và tính cộng văn hóa dân tộc - môi trường
Khúc Văn Quý
Hình 1. Tết cổ truyền. Nguồn: https://baochinhphu.vn |
Tết và văn hóa dân tộc
Những ngày này, người Việt ở khắp năm châu tưng bừng đón Tết âm lịch Nhâm Dần (Tết cổ truyền dân tộc). Tết năm nay đã là cái Tết thứ 3 gắn với dịch COVID-19. Hai năm qua người dân, đặc biệt là người nghèo, gặp quá nhiều khó khăn mất mát vì đại dịch. Tết là dịp để mọi người sum họp, an ủi, sẻ chia để vơi đi những nỗi niềm năm cũ và cùng nhìn về Năm Mới với mong ước những điều tốt đẹp, tươi sáng hơn.
Kể về Tết, không khí nhất vẫn là những ngày trước Tết. Rất nhiều hoạt động để chuẩn bị cho Tết như sửa sang trang trí nhà cửa, sân vườn, tỉa cắt cây cối gọn gàng. Cảm giác chờ đợi luôn đặc biệt háo hức. Tôi còn nhớ những cái Tết từ lúc tôi còn nhỏ ở quê. Nhà tôi đụng (chung) lợn Tết cùng hàng xóm. Đến chiều 30 Tết thì được gội đầu bằng nước lá Mùi thơm. Công phu nhất vẫn là món bánh Chưng, riêng củi để luộc bánh cũng được chuẩn bị cả mấy tuần trước (Hình 1).
Cái cảm giác nghe tiếng pháo nổ đêm giao thừa Tết mãi là ký ức thiêng liêng, khó tả. Đêm 30 tối dày đặc, từ trong căn nhà tranh, khi thời khắc giao thừa điểm, tôi chạy vù ra ngoài sân châm bánh pháo thật nhanh rồi chạy vào. Rồi cả nhà đắp chăn (bông) bình luận pháo này là pháo nhà ông nọ, nhà bà kia, pháo to, pháo nhỏ...
Nhớ về ngày Tết, ngoài cỗ Tết có rất nhiều món ăn ngon, được mặc áo mới, tôi thích đi chúc Tết để nhận lì xì. Có năm, tôi theo bà nội đi bộ từ làng lên thị trấn để chúc Tết.
Những năm tháng ở xứ người, Tết càng trở nên ý nghĩa. Đến Tết, tôi và những người bạn Việt Nam xa quê hương lại quây quần bên nhau, cùng đón Tết. Bây giờ, những người bạn mỗi người một hướng. Người về nước, người sang các nước khác định cư, nhưng kỷ niệm đẹp nhất về nhau lại là những ngày cùng nhau chuẩn bị và đón Tết.
Năm nào chúng tôi cũng tổ chức đón Tết, chương trình Tết có đầy đủ các hạng mục từ âm nhạc, đến ẩm thực, vui chơi, tọa đàm, từ thiện [1]. Không khí hào hứng, vui vẻ. Vui nhất vẫn là gói bánh Chưng Tết. Ở bên đó chúng tôi mua lá chuối từ chợ người Việt thay cho lá Dong, tự chế khuôn, tự nghĩa ra các công đoạn phương pháp từ rửa lá đến gói... Với tôi, chương trình Tết không chỉ là xoa vơi đi nỗi nhớ quê hương, gia đình mà là dịp để giới thiệu văn hóa Việt với bạn bè thế giới, để cho trẻ (con) trải nghiệm không gian văn hóa truyền thống dân tộc. Đến giờ, tôi và những người bạn vẫn tự hào là đã cùng nhau tổ chức được những cái Tết ấm áp như vậy nơi xứ người.
Hình 2. Những ngày gần Tết, cụ bà bán nhang (hương) dưới gốc cây đa, biểu tượng của làng quê Việt Nam. Ảnh: Bùi Quang Khiêm [2] |
Tết là dịp để ôn cố tri tân về cội nguồn văn hóa. Khi về Việt Nam không lâu, tôi có may mắn được giao lưu với Nhà khoa học Vương Quân Hoàng (cũng là đồng nghiệp tại Trường Đại học Phenikaa), người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa. Ông chia sẻ, mỗi khi Tết đến, ông đọc lại công trình “Tam giáo” [2] (Hình 2). Sau khi tìm hiểu, tôi nhận rằng, đây là một tác phẩm hiếm có. Sự đặc biệt ở chỗ là nhóm tác giả dùng (công cụ) toán học để phân tích văn hóa với bộ dữ liệu không tuổi. Quan trọng hơn là lần đầu tiên có nhóm tác giả người Việt đặt ra thuật ngữ mới “tính cộng văn hóa” (cultural additivity) để chỉ về sự giao hòa dung hợp chấp nhận (thỏa hiệp) của văn hóa Việt Nam với các nền văn hóa khác, là sự kết hợp đan xen của 3 đạo chính: Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo. Thông qua tính cộng gộp văn hóa, tôi hiểu thêm về vẻ đẹp của văn hóa của dân tộc, là quá trình tiếp thu, tiếp nhận và hòa hợp với văn hóa mới, ở từng thời kỳ khác nhau. Có lẽ bây giờ không chỉ với ông, mà với tôi, bài “Tam giáo” thực sự là món quà ý nghĩa để đọc và suy ngẫm trong những ngày đón Tết cổ truyền.
Tết và văn hóa môi trường
Ngày Tết tâm hồn bình yên trong trẻo, tất cả hướng về những điều tốt đẹp giữa con người với con người, giữa con người với Đất, Trời, với thiên nhiên môi sinh...
Hình 3. Bác Hồ phát động Tết trồng cây gây rừng. Ảnh tư liệu. |
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng và không chỉ dừng lại ở phạm vi quốc gia mà toàn cầu, việc kiếm tìm các giải pháp sáng tạo cho vấn đề này ngày càng trở nên cấp bách, vì thế Tết càng trở nên có ý nghĩa. Trong câu chuyện tìm kiếm, ai sẽ là lực lượng giải quyết thách thức biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường trong thế kỷ này? Câu trả lời nên đặt vào thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay. Thế hệ trẻ (đã) mang mầm xanh văn hóa môi trường của đất nước. Mầm xanh ấy vốn được Chủ tịch Hồ Chí Minh gieo hạt từ phong trào Tết trồng cây vào nhiều năm trước (Hình 3) và nếu biết vun xới, chăm sóc có thể trở thành trụ cột văn hóa cho quốc gia giải quyết các vấn đề môi trường của thời đại. Theo tháp chuyển đổi văn hóa và nguyên lý bán dẫn, văn hóa môi trường ở đây là quá trình nhận thức, trải nghiệm, hưởng thụ và đóng góp cho việc bảo vệ, cải thiện môi trường [3], văn hóa môi trường có hạt nhân là văn hóa (giá trị) thặng dư sinh thái (eco-surplus culture) [4].
Sử dụng hệ xử lý thông tin 3D và khung văn hóa môi trường [3,5–7], tôi nhận ra tầm quan trọng của việc giữ gìn ngày Tết. Tết không chỉ là cơ hội khơi nguồn sức mạnh văn hóa dân tộc của người Việt mà còn là dịp để ươm mầm và chuyển đổi văn hóa môi trường cho thế hệ trẻ, những thế hệ công dân ưu tú mới của đất nước thấm (mang) đậm tính cộng văn hóa dân tộc - môi trường.
Tài liệu tham khảo
[1] Khuc, Q. Van, & Do, T. Q. (2016). Du học sinh Việt tại bang Colorado, Mỹ tưng bừng đón Tết. VNExpress. https://vnexpress.net/du-hoc-sinh-viet-tai-bang-colorado-my-tung-bung-don-tet-3354503.html
[2] Vuong, Q. H. et al. (2018). Cultural additivity: behavioural insights from the interaction of Confucianism, Buddhism and Taoism in folktales. Palgrave Communications, 4(143). https://doi.org/10.1057/s41599-018-0189-2
[3] Khuc, Q. Van. (2021). Khucc tower: from cultural values to practical solutions. Working Paper, 2021.
[4] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284–290. https://doi.org/10.17811/ebl.10.3.2021.284-290
[5] Vuong, Q. H., et al. (2022). Covid-19 vaccines production and societal immunization under the serendipity-mindsponge-3D knowledge management theory and conceptual framework. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 22. Retrieved from: https://www.nature.com/articles/s41599-022-01034-6
[6] Vuong, Q. H., & Napier, N. K. (2014). Making creativity: the value of multiple filters in the innovation process. International Journal of Transitions and Innovation Systems, 3(4), 294–327. https://doi.org/10.1504/ijtis.2014.068306
[7] Khuc, Q. Van. (2022). Về khả năng ứng dụng của hệ xử lý thông tin 3D và nguyên lý bán dẫn giá trị trong tìm kiếm giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Tạp Chí Kinh Tế và Dự Báo, 1–5. https://kinhtevadubao.vn/ve-kha-nang-ung-dung-cua-he-xu-ly-thong-tin-3d-va-nguyen-ly-ban-dan-gia-tri-trong-tim-kiem-giai-phap-cho-van-de-o-nhiem-moi-truong-va-bien-doi-khi-hau-o-viet-nam-20840.html
Bình luận