Tháng 8/2017, Việt Nam xuất siêu 400 triệu USD
8 tháng nhập siêu 2,13 tỷ USD
Tháng 08/2017, Việt Nam ước tính xuất siêu 400 triệu USD. Tính chung 8 tháng năm 2017, nhập siêu 2,13 tỷ USD, bằng 1,6% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,41 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,28 tỷ USD.
Cụ thể là, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8/2017 ước tính đạt 18,20 tỷ USD, tăng 3% so với tháng trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,33 tỷ USD, tăng 0,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 12,87 tỷ USD, tăng 4%.
Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 8 cũng như 8 tháng đầu năm 2017 phần lớn phục vụ khâu sản xuất |
Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng so với tháng trước: Cao su tăng 14,5%; điện thoại và linh kiện tăng 10,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 8,1%; gạo tăng 5,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 3,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8/2017 tăng 13%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 12,3%.
Tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 133,50 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 37,83 tỷ USD, tăng 15,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95,67 tỷ USD, tăng 18,9%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 26 tỷ USD, tăng 14,8%; dệt may đạt 17 tỷ USD, tăng 7,2%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,7 tỷ USD, tăng 39,3%; giày dép đạt 9,6 tỷ USD, tăng 13%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 8,1 tỷ USD, tăng 30,1%...
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 8 tháng đạt 27,2 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là EU đạt 24,7 tỷ USD, tăng 12,7%; Trung Quốc đạt 18,3 tỷ USD, tăng 41,8%; ASEAN đạt 14,1 tỷ USD, tăng 26,6%; Nhật Bản đạt 10,9 tỷ USD, tăng 16,1%; Hàn Quốc đạt 9 tỷ USD, tăng 24%.
Về nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 17,80 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,30 tỷ USD, tăng 2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,50 tỷ USD, tăng 2,4%. Kim ngạch một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng so với tháng trước: Điện thoại và linh kiện tăng 8,5%; sắt, thép tăng 14,1%; chất dẻo tăng 13,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 8/2017 tăng 14,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12%.
Tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 135,63 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 54,24 tỷ USD, tăng 18,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 81,39 tỷ USD, tăng 25%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất trong nước tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 24,1 tỷ USD, tăng 33,5%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 22,1 tỷ USD, tăng 24,8%; điện thoại và linh kiện đạt 8,7 tỷ USD, tăng 33,3%; vải đạt 7,4 tỷ USD, tăng 8,6%; sắt thép đạt 6 tỷ USD, tăng 16,3% (lượng giảm 16,1%); chất dẻo đạt 4,8 tỷ USD, tăng 23,4% (lượng tăng 17,2%)... Có thể thấy, kim ngạch xuất khẩu trong tháng này, phần lớn phục vụ hoạt động sản xuất.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 8 tháng năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 36,4 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2016; tiếp đến là Hàn Quốc đạt 30,2 tỷ USD, tăng 47,5%; ASEAN đạt 18,1 tỷ USD, tăng 17,8%; Nhật Bản đạt 10,5 tỷ USD, tăng 8,9%; EU đạt 7,9 tỷ USD, tăng 12,5%; Hoa Kỳ đạt 6,2 tỷ USD, tăng 17,5%. Như vây, nhập siêu từ Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2017 đã giảm 3,9, trong khi đó, nhập siêu từ Hàn Quốc 21,2 tỷ USD, tăng 60,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Phấn đầu hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 200 tỷ USD
Trước đó, theo dự báo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trên 13% so với cùng kỳ và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (188 tỷ USD). Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu sẽ giảm dần trong các tháng cuối năm bởi hầu hết các thiết bị đã nhập khẩu nhiều từ những tháng đầu năm do việc giải ngân của hàng loạt dự án.
Vì thế, năm 2017, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 205 tỷ USD, tăng trên 17% so với cùng kỳ. Do đó, nhập siêu ước khoảng 5 tỷ USD, bằng 2,5% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mức Quốc hội đề ra.
Theo Bộ Công Thương, để đạt được kim ngạch xuất khẩu cả năm là 200 tỷ USD, thì từ nay đến cuối năm sẽ phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước và cho các dự án sản xuất hàng xuất khẩu để tạo nguồn hàng cho xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin thị trường và các biện pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản thị trường.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA); hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các hàng rào về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu.
Mặc khác, Bộ tiếp tục tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu đặc biệt là nông sản, thủy sản thâm nhập vào các thị trường mới. Đáng lưu ý, trong các tháng cuối năm, Bộ cũng sẽ tăng cường quản lý nhập khẩu thông qua áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng nhập khaaru nhiều theo quy định của pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế.
Nhằm hỗ trợ tốt hơn cho xuất khẩu, Bộ cũng sẽ tập trung vào một số giải pháp lớn và mang tính nền tảng đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Cụ thể: quyết liệt chỉ đạo để tái cơ cấu mạnh mẽ hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất lớn của nền kinh tế như đồ uống, hóa chất, điện lực, than khoáng sản, dầu khí...
Nhận định về khả năng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2017, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, trong những tháng cuối năm, cùng với việc tiếp tục thúc đẩy các Hiệp định thương mại tự do, Bộ Công Thương cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại và phòng vệ thương mại. Đồng thời, tập trung bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và có các giải pháp điều hành phù hợp với tình hình thị trường.
“Hiện nay nhiều doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Việt Nam cũng phải tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt, có những hiệp định như hiệp định thương mại giữa Việt Nam – EU mặc dù đã hoàn tất đàm phán nhưng hiện nay chưa ký kết nên thúc đẩy việc ký kết cũng là nhiệm vụ quan trọng”, ông Trần Thanh Hải cho biết.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh, trong thời gian qua, việc nhập siêu thời gian qua có tỷ lệ lớn là nguyên vật liệu đầu vào cho thấy, tỷ lệ gia công vẫn cao ở các ngành công nghiệp chế biến. Do vậy, để cân bằng cán cân thương mại cũng như tăng trưởng xuất khẩu có sự gia tăng về chất, cần phải giảm được việc nhập khẩu càng loại hàng hóa này, đồng thời tiếp tục coi trọng các thị trường xuất khẩu truyền thống.
“Đối với máy móc thiết bị đương nhiên phải nhập khẩu, nhưng đối với nguyên nhiên vật liệu chúng ta vẫn dựa quá nhiều vào gia công chế biến mà chưa tạo ra được giá trị gia tăng cao. Chính vì vậy, để xuất khẩu được nhiều chúng ta lại phải nhập khẩu nhiều khiến kim ngạch nhập khẩu lớn. Cần phải giảm được thâm hụt thương mại và tiến tới thặng dư thương mại, có như vậy nỗ lực xuất khẩu mới thực sự mang lại giá trị lợi ích”, TS. Vũ Đình Ánh phân tích.
Bình luận