Thí điểm hình thức mới, giảm thiểu tai nạn do rượu, bia
Mối nguy hiểm luôn rình rập mọi người
Theo Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, gần hai thập kỷ qua, mức tiêu thụ đồ uống có cồn toàn cầu đang chững lại thì Việt
Sử dụng rượu, bia không những nguy hiểm cho sức khỏe của bản thân người uống, gây ra những bệnh về tim mạch, huyết áp…, mà còn gây mất an toàn khi tham gia giao thông. Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người tử vong do tai nạn liên quan đến rượu, bia.
Trên thực tế, số người không tự kiểm soát được hành động của mình sau khi uống rượu, bia là rất lớn. Theo các chuyên gia y tế, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/lít khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; 0,1mg/lít khí thở, gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; 0,2mg/lít khí thở, dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu cao hơn nữa, tùy mức độ, người uống có thể bị lú lẫn, không nhận thức được mọi việc diễn ra xung quanh…
Điều này được khẳng định qua số người bị tai nạn, thậm chí bị chấn thương sọ não do điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia luôn ở mức cao.
Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, trong số 20.000 ca cấp cứu mỗi năm vì tai nạn giao thông, có đến gần 50% bệnh nhân uống bia rượu. Cụ thể, xét nghiệm trên 3.239 trường hợp bị tai nạn giao thông gần đây, có 1.375 bệnh nhân (chiếm 42,4%) có nồng độ cồn trong máu.
Để giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc do uống rượu, bia gây ra, bên cạnh những hình thức tuyên truyền đến người dân, Nhà nước còn có những hình thức xử phạt rõ ràng. Điển hình như trong Luật Giao thông đường bộ quy định: cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu, bia đối với lái xe ôtô khi tham gia giao thông và hạn chế đến mức rất thấp nồng độ cồn trong máu đối với người đi môtô, xe máy. Nghị định 34/CP/2010 cũng quy định mức phạt từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở; phạt từ 2-3 triệu đồng với người có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100ml máu, hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/1 lít khí thở.
Tuy nhiên, tính hiệu quả của chính sách đó vẫn còn nhỏ, khi mà uống rượu, bia là thói quen “khó bỏ” của người Việt.
Thí điểm hình thức mới
Sáng 14/7, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã khởi động Chương trình thí điểm “Nhà hàng an toàn giao thông - Lái xe văn minh, trách nhiệm” giai đoạn 2015-2018, địa phương được lựa chọn thí điểm là Đà Nẵng.
Theo đó, đối với những khách có tình trạng say rượu, bia… tại các nhà hàng (được lựa chọn của Chương trình) sẽ khuyến khích khách sử dụng dịch vụ taxi miễn phí đưa từ nhà hàng về nhà an toàn. Nhân viên nhà hàng sẽ ghi lại một số thông tin chính, như: biển số xe, tên lái xe, tên và địa chỉ của khách hàng… để đảm bảo an toàn của khách.
Đồng thời, các nhà hàng nói trên sẽ có địa điểm trông giữ xe qua đêm cho khách; nhân viên sẽ đưa xe của khách vào bãi đỗ quy định. Tài sản cá nhân của khách hàng gửi lại sẽ được nhà hàng quản lý, bảo đảm an toàn cho đến khi khách quay lại vào hôm sau.
Chương trình còn tập huấn cho nhân viên nhà hàng các kiến thức về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn và điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; nâng cao ý thức, trách nhiệm, kỹ năng thực hiện các nhiệm vụ trong trong khuôn khổ hoạt động xây dựng mô hình “Nhà hàng an toàn giao thông - Lái xe văn minh, trách nhiệm”.
Bên cạnh đó, Chương trình còn hỗ trợ trang thiết bị kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở cho lực lượng chức năng của TP. Đà Nẵng.
Giai đoạn 1 của chương trình “Nhà hàng an toàn giao thông - Lái xe văn minh, trách nhiệm” bắt đầu được thực hiện từ tháng 7/2015 đến tháng 7/2016 tại 10 nhà hàng kinh doanh đồ uống có cồn ở Đà Nẵng.
Dự kiến, giai đoạn 2 sẽ được mở rộng thực hiện tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vào khoảng tháng 7/2016 đến tháng 7/2018. Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2 sẽ được xây dựng dựa trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả, bài học kinh nghiệm từ việc triển khai mô hình trong giai đoạn 1.
Chương trình “Nhà hàng an toàn giao thông - Lái xe văn minh, trách nhiệm” ra đời được kỳ vọng là một giải pháp hữu hiệu trong việc giảm thiểu tai nạn do uống rượu, bia gây ra, đồng thời, tạo sự đồng thuận trong xã hội nhằm thực hiện thành công các giải pháp của Chính phủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông./.
Bình luận