Thị trường đường thế giới chưa thoát khỏi rủi ro giảm giá
Giá đường giảm thấp nhất 7 năm qua
Giá đường thô giao dịch kỳ hạn tại sàn giao dịch ICE (Mỹ) đã tăng trong ngày 18/8, nhưng vẫn ở mức thấp nhất trong 7 năm nay với nguyên nhân chủ yếu là đồng USD mạnh và đồng BRL (đồng nội tệ của Brazil) yếu, bất chấp những quan ngại về thời tiết khô hạn tại một số nơi của Ấn Độ, quốc gia sản xuất đường đứng thứ hai thế giới, sẽ tác động không nhỏ tới nguồn cung.
Bên cạnh tác động từ các yếu tố trên thị trường tiền tệ, nguồn cung tăng thêm trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm sút là nguyên nhân nội tại của ngành mía đường khiến giá đường giảm sâu.
Giá đường thô giao kỳ hạn tháng 10 tăng 0,1 cent (0,9%) lên mức 10,73 cent/pound (1 pound=0,454 kg). Tại London, giá đường trắng giao tháng 10/2015 dao động dưới mức 350 USD/tấn. Tại sàn NCDEX, giá đường giao kỳ hạn tháng 10 giảm 14 Rs (0,59%) xuống còn 2.350 Rs/tạ.
Vùng nguyên liệu mía đường của Ấn Độ khô hạn
Tình trạng khô hạn ở tây nam Ấn Độ đang tác động đến tình hình sản xuất mía đường trong khu vực, vì đây là nơi tập trung đông đảo các nhà sản xuất, theo ông Jack Scoville- Phó chủ tịch tập đoàn Price Futures Group ở Chicago cho hay.
Trước đó, Cục Khí tượng Australia đã cảnh báo về hiện tượng El Nino sẽ gây ra mưa, bão, lũ ở khu vực Nam Mỹ và khô hạn ở khu vực châu Á và Đông Phi.
Dù thông tin có lợi cho thị trường về triển vọng sản xuất ở khu vực mía đường ở Tây Nam Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino, nhưng, giá đường giao dịch tại sàn NCDEX của nước này vẫn tiếp tục đi xuống.
Nguồn cung đường gia tăng
Thị trường đường Ấn Độ sẽ còn chịu nhiều sức ép trong thời gian tới vì chính phủ nước này áp dụng một loạt các biện pháp thúc đẩy ngành công nghiệp mía đường, tăng sản lượng trong nước.
Theo đó, Chính phủ Ấn Độ đã công bố khoản vay 6 tỷ Rs (hơn 90 triệu USD) không lãi suất cho các nhà máy đường để họ dùng vào thanh toán tiền nguyên liệu cho nông dân trồng mía.
Chính phủ Ấn Độ cũng đang trong quá trình ký kết một thỏa thuận trao đổi hàng hóa với các nước nhập khẩu để đổi 4 triệu tấn đường của Ấn Độ. Tính đến tháng 4/2015, Ấn Độ mới chỉ xuất khẩu được 1,26 triệu tấn đường.
Trong năm tài khóa 2014-2015, sản lượng đường Ấn Độ ước tính 28,3 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu trong nước là 24 triệu tấn. Còn sản lượng đường trong năm tài khóa 2015-2016 được ước tính đạt 38,2 triệu tấn.
Thị trường mía đường thế giới được dự báo sẽ chưa thoát khỏi rủi ro vì sức ép nguồn cung, nhất là tình hình sản xuất tại Brazil đang rất thuận lợi.
Theo ước tính của ông Nick Penney, một thương nhân cấp cao của Sucden Financial Sugar, các nhà sản xuất ở miền nam Brazil sản xuất được khoảng 46,5 triệu tấn tính đến nửa đầu tháng 8 năm nay.
Giá đường thô thế giới liên tục sụt giảm trong thời gian qua do các nhà xuất khẩu Brazil bán ồ ạt bán ra trước sự yếu đi của đồng real (Brazil) so với đồng USD.
Tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay, các nhà máy trong nước sản xuất được 1.025.770 tấn, xuất khẩu được 70.000 tấn và số còn lại tiêu thụ trong nước.
Hiện đường trắng loại một (có thuế VAT) tại kho nhà máy có giá dao động từ 11.000-13.000 VND/kg, giảm khoảng 6.000 đồng so với vụ sản xuất mía đường 2010-2011.
Đồng VNĐ giảm giá mạnh so với USD sau hàng loạt quyết định của Ngân hàng Trung ương Trung Hoa và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên quan đến tỷ giá cũng góp phần làm giá đường sụt giảm.
Trong 7 năm qua, giá đường liên tục sụt giảm khiến giá thu mua mía nguyên liệu của các nhà máy vụ sau luôn thấp hơn vụ trước. Nhiều nông dân trồng mía không thể sống được với cây mía, dẫn đến nhiều trường hợp nông dân không trồng mía nữa. Trong vụ mía đường 2014-2015, sản lượng đường sản xuất ra chỉ vào khoảng 1,4 triệu tấn, giảm 13% so với niên vụ 2013-2014 mà nguyên nhân là do nguồn mía nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy giảm./.
Bình luận