Thiên tai đã "cuốn" đi 620 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm, cả nước hơn 500 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 26 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hỏng... Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính khoảng 620 tỷ đồng.
Giá trị thiệt hại giảm, nhưng vẫn là con số “khủng khiếp”
Từ đầu năm đến nay, khu vực biển Đông và đất liền nước ta chịu ảnh hưởng trực tiếp của hai cơn bão số 1 (Kujira) và số 2 (Linfa); nhiều địa phương chịu tác động của mưa lớn gây ngập úng, hư hỏng nhiều tuyến đê, đập, như: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, tình trạng nắng nóng và khô hạn kỷ lục trong 40 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và sản xuất của người dân các tỉnh: Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thiên tai xảy ra trong tháng Bảy làm 20 người chết và mất tích; 21 người bị thương; trên 200 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và hơn 1 nghìn ngôi nhà bị tốc mái, sạt lở, ngập nước; trên 8 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong tháng ước tính khoảng 144 tỷ đồng.
Tính chung 7 tháng năm nay, thiên tai đã làm 69 người chết và mất tích; 76 người bị thương; hơn 500 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 12,2 nghìn ngôi nhà bị ngập, sạt lở, tốc mái; 26 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm ước tính khoảng 620 tỷ đồng, giảm 152 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014.
Những ngày cuối tháng 7, tỉnh Quảng Ninh có mưa lớn kéo dài đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Thống kê sơ bộ, toàn Tỉnh đã có 17 người thiệt mạng, 3.700 ngôi nhà bị ngập úng.
Điều đáng lo là theo thông tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn, mưa lũ tiếp tục lan rộng ra các tỉnh miền Bắc trong những ngày tới. Dự kiến, tổng lượng mưa trong cả đợt ở khu vực Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ là từ 100mm-200mm; khu vực Việt Bắc và Tây Bắc từ 200mm-300mm, có nơi trên 400mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh; ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông, suối và ngập lụt đô thị.
Làm gì để hạn chế thiệt hại?
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư, bảo đảm an toàn. Đồng thời, tăng cường thông tin truyền thông, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó với mưa lũ.
Với vai trò là bộ chủ quản về lĩnh vực này, tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2014 và triển khai công tác năm 2015, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho rằng, phải nâng cao hơn nữa chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là nâng cao chất lượng dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, lũ; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cho các đơn vị làm công tác dự báo, cảnh báo thiên tai theo hướng hiện đại và đồng bộ.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, cập nhật và xây dựng bản đồ xác định nguy cơ nước dâng do siêu bão cho dải ven biển Việt Nam, phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó; thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật phòng, chống thiên tai. Ngoài ra, các cơ quan, địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, nhằm nâng cao hiệu quả phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ngay từ đầu năm 2015, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc ở Việt Nam đã phát hành “Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về quản lý rủi ro thiên tai các hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy ứng phó với biến đổi khí hậu”. Theo đó, Báo cáo nhấn mạnh, các biện pháp hữu hiệu cần được chú ý triển khai, đó là: xây dựng các tuyến đê sông, đê biển, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven sông… để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại khu vực trong tương lai. Cần khuyến khích sự tham gia của người dân vào quá trình quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, việc tham gia bảo hiểm thảm họa thiên nhiên cho tài sản công và các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng nên được quan tâm hơn.
Bởi, kết cấu hạ tầng cần thiết phải được bảo hiểm để đảm bảo nguồn tài chính cho phục hồi và tái thiết sau thiên tai, đóng góp cho an toàn tài chính của Chính phủ, đảm bảo tính kinh tế của chi phí khắc phục thiên tai.
Đồng thời, trong bối cảnh thiên tai xảy ra thường xuyên, mối quan ngại hàng đầu của các doanh nghiệp không chỉ là thiệt hại về tài sản, mà còn là tổn thất kinh tế do gián đoạn kinh doanh. Với việc mua bảo hiểm thảm họa thiên nhiên, doanh nghiệp đã giảm bớt phần nào sự lo lắng và thiệt hại tài chính cho chính mình../.
Bình luận