Chiều ngày 4/8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Duy trì sản xuất trong thời kỳ dịch COVID-19: Vấn đề và giải pháp".

Thiếu sự điều hành thống nhất, chuỗi cung ứng đang đối mặt với nguy cơ đứt gãy!
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, tình hình dịch COVID-19 còn kéo dài nên phải có biện pháp sống chung với dịch, có kịch bản thống nhất từ Chính phủ

Chuỗi cung ứng đứt gãy do áp dụng Chỉ thị 16 kiểu “địa phương”

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết, chuỗi cung ứng dệt may đang đối mặt với nguy cơ đứt gãy do thiếu sự điều hành thống nhất của các địa phương trong sản xuất và lưu thông hàng hóa, nguyên liệu.

Nhấn mạnh rằng, việc áp dụng Chỉ thị 16 đang tạo áp lực rất lớn lên doanh nghiệp, ông Giang cho hay, nhiều địa phương áp dụng cứng nhắc, máy móc, quá chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp không có F0 vẫn bị đóng cửa.

Việc thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến” cũng gặp nhiều khó khăn, vì 19 tỉnh phía Nam đang thực hiện cấp độ phòng, chống dịch cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

“Mỗi điểm đến đều phải đi qua các trạm kiểm soát dịch Covid-19, trong khi không có hướng dẫn rõ ràng, thống nhất của các địa phương về yêu cầu đối với người lao động qua chốt”, ông Giang phản ánh.

Có tốc độ phục hồi mạnh mẽ trong quý II/2021 với lượng đơn hàng đã ký đến hết năm và quý I/2022, nhưng doanh nghiệp dệt may lâm vào tình cảnh không thể sản xuất được. Toàn ngành dệt may hiện chỉ vận hành được 10 đến 15% công suất.

May mặc là mặt hàng thời trang, không ai muốn nhận sản phẩm khi thời vụ đã qua nên nhiều doanh nghiệp bị đối tác thúc ép giao hàng bằng máy bay, phát sinh chi phí rất lớn. Một số doanh nghiệp phía Nam phải xoay sở gửi đơn hàng cho doanh nghiệp phía Bắc sản xuất hộ, nhưng lại không vận chuyển được nguyên, phụ liệu và cán bộ kỹ thuật ra vì khó “thông chốt” qua nhiều địa phương.

Hơn nữa, chi phí vận tải tăng rất cao. Các doanh nghiệp cho biết, chi phí vận tải đã tăng khoảng 4 lần kể từ khi các địa phương nâng cấp độ phòng, chống dịch. “Đã có những doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đóng cửa. Đã có những đơn hàng dịch chuyển sang nước thứ ba”, ông Giang cảnh báo.

Không chỉ dừng ở sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu, mối lo lắng lớn hơn của doanh nghiệp dệt may, đó là nhận thấy khả năng sản xuất không ổn định ở Việt Nam, đối tác sẽ dịch chuyển đơn hàng, ảnh hưởng đến sản xuất trong những năm tiếp theo.

Mối lo hiện hữu khác là những ngày vừa qua, nhiều lao động từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đã ồ ạt về quê tránh dịch. Đến khi vận hành sản xuất trở lại, ngành dệt may chỉ có thể “gọi” lại được 60% trong số đó, nên chắc chắn sẽ thiếu hụt lao động trong thời gian tới.

Thiếu sự điều hành thống nhất, chuỗi cung ứng đang đối mặt với nguy cơ đứt gãy!
Ông Vũ Đức Giang chỉ rõ, nếu doanh nghiệp không được tiêm vaccine sẽ làm đứt gãy nguồn cung, đứt gãy chuỗi sản xuất của ngành dệt may Việt Nam với quốc tế. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với vấn đề không đảm bảo cam kết thời gian giao hàng cho các nhãn hàng.

“Chưa thể dự đoán được gì về tình hình cuối năm, còn tháng 8 thì đã thấy rất khó khăn rồi. Với giả thiết tình hình dịch bệnh được kiểm soát ngay từ tháng 8 để khôi phục sản xuất, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm cũng chỉ đạt khoảng 32-33 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 39 tỷ USD đặt ra. Hầu như không doanh nghiệp dệt may nào dám nghĩ đến khả năng đạt hiệu quả trong năm 2021”, ông Vũ Đức Giang nói.

Chỉ ra khó khăn của hoạt động vận tải khi có 4 bộ cùng tham gia quản lý, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam kiến nghị, cần tháo gỡ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 cho lái xe vận tải, khi mà các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đang tác động lớn đến hoạt động vận chuyển hàng hóa, gia tăng chi phí.

Việc áp dụng các quy định về phòng dịch, trong đó có yêu cầu về thời hạn và cách thức xét nghiệm COVID-19 đối với các tài xế vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là vận chuyển liên tỉnh còn rất phức tạp và không thống nhất giữa các địa phương. Nhiều địa phương yêu cầu tài xế phải có Giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72h hoặc yêu cầu tài xế phải thực hiện cách ly, đổi tài xế trong quá trình vận chuyển…

Điều này đã phát sinh thêm rất nhiều chi phí và thời gian cho việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp. Theo ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tình trạng trên đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải ít nhất 100 tỷ đồng/ngày.

Ngoài ra, việc phân luồng giao thông của các địa phương còn chưa hợp lý đã dẫn đến ùn tắc kéo dài tại nhiều cung đường vận tải hàng hóa phục vụ phòng dịch cũng như sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp;

Đối với hoạt động logistics phục vụ xuất – nhập khẩu hàng hóa, tại nhiều địa phương và cảng biển còn có tình trạng ách tắc cầu cảng, chi phí dịch vụ cầu cảng, hạ tầng tăng lên rất cao, gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước.

Các hoạt động logistics, vận chuyển, lưu thông hàng hóa là “mạch máu” của các hoạt động kinh tế của đất nước, trong đó có các hoạt động sản xuất công nghiệp. Đặc trưng của sản xuất công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính.

Do đó, khi không bảo đảm được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sẽ dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất nội địa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì sản xuất của các doanh nghiệp.

Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến sự gián đoạn của luồng tiền phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp sản xuất cũng như chính bản thân các doanh nghiệp logistics và vận tải.

Bên cạnh đó, một số ngành hàng bị nhiều địa phương đánh giá không phải là “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” cũng đã gây ra rất nhiều khó khăn trong việc cung cấp hàng hóa phục vụ tiêu dùng, ví dụ, các cơ sở chế biến thô tươi sống các sản phẩm chăn nuôi (các lò mổ, lò chế biến thịt gia súc, gia cầm, thủy sản…).

Cần thay đổi tư duy "người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về F0"

Đại diện Hiệp hội Điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương nêu quan điểm, trước hết, Chính phủ, các bộ, ngành cần thay đổi tư duy chống dịch. “Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương không nên coi doanh nghiệp nằm trong đối tượng kiểm soát, mà là đối tượng tham gia chống dịch”, bà Hương nhấn mạnh.

Theo bà Hương, hiện nay, việc yêu cầu người đứng đầu của địa phương và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi có ca nhiễm F0 là rất bất ổn, bởi việc có ca nhiễm là diễn tiến không ai không muốn và không ai ngăn chặn tuyệt đối được. Chính tư duy "người đứng đầu phải chịu trách nhiệm" đó dẫn đến hiện tượng “ai cũng chỉ lo giữ ghế của mình, gây sức ép cho người khác”. "Tư duy này nhất thiết phải thay đổi", bà Thúy Hương đề xuất.

Cho rằng, dịch bệnh không phải là ngắn hạn, việc sống chung với dịch thể nào là cần tính đến, chứ không thể đóng lại tất cả, ông Vũ Đức Giang đề xuất Chính phủ phải xây dựng một kịch bản sống chung với dịch bệnh. “Tôi đề nghị cần hướng dẫn thống nhất, theo kịch bản, điều kiện này thì áp dụng thế nào, chứ không thể mỗi địa phương một kiểu”, ông Giang bức xúc.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đề xuất: “Hãy cho chúng tôi tự quyết định chủ động cho việc sản xuất, kinh doanh của mình, Chính phủ hãy định hướng và trên cơ sở định hướng đó chúng tôi sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp”. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ công tác lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Các địa phương cần tùy theo tình hình trên địa bàn để đơn giản hóa các quy định, thủ tục phòng dịch.

Cụ thể, đơn giản hóa yêu cầu về thời hạn và cách thức xét nghiệm COVID-19 đối với lực lượng tài xế vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Xem xét gỡ bỏ quy định về định mức số lượng xe ô tô ra vào địa phương; cho phép sử dụng kết quả test nhanh, test gộp đối với lái xe và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả RT-PCR như nhiều địa phương đang áp dụng.

Đối với các đối tượng (lái xe, phụ xe liên tỉnh) đã được tiêm vaccine, cần cho phép kéo dài thời hạn giá trị của kết quả xét nghiệm âm tính đối với COVID-19; áp dụng test nhanh, test gộp (không áp dụng phương pháp RT-PCR) để tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Trên cương vị người đứng đầu VCCI - Cơ quan có chức năng nghiên cứu ý kiến của các doanh nghiệp để phản ánh, kiến nghị và tham mưu cho Nhà nước các vấn đề về pháp luật, chính sách kinh tế - xã hội nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nêu quan điểm, cần phải xác định hai mặt trận chống dịch, chống suy giảm kinh tế luôn phải song hành. Tình hình dịch COVID-19 còn kéo dài, nên phải có biện pháp sống chung với dịch, có kịch bản thống nhất từ Chính phủ, áp dụng đồng bộ ở các địa phương, trong đó đề cao vai trò, tính tự chủ của doanh nghiệp.

“Chúng ta có nhắc đến việc không đánh đổi sức khỏe nhân dân để đổi lấy sức tăng trưởng. Nhưng quan trọng nhất kinh tế là sinh kế của nhân dân, cần bảo vệ sinh kế của người dân, do đó cần kết hợp cả 2 mục tiêu này, chứ không chỉ vì mục tiêu chống dịch mà bỏ lơi chức năng hỗ trợ sản xuất kinh doanh, bỏ lơi việc hỗ trợ các doanh nghiệp", ông Lộc nói. Không thể để người lao động, người dân vào tình trạng không có việc làm, thiếu thu nhập. "Dịch bệnh, nạn đói và thiếu việc làm đều là các vấn đề rất quan trọng hiện nay. Do vậy, ưu tiên phòng dịch bệnh phải đi đôi với việc cố gắng hết sức để duy trì sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khuyến nghị./.