Kỳ vọng Việt Nam sẽ có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2025

Bối cảnh đại dịch đang khiến các nền kinh tế gặp rất nhiều thách thức, nhưng trong khó khăn, vẫn có những cơ hội mới được mở ra. Trong thông điệp đánh giá 6 tháng đầu năm 2021 và chuẩn bị cho mục tiêu sắp tới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng đốc thúc toàn ngành “hãy hình dung ra tương lai và xắn tay áo lên”.

Thời cơ vàng cho các giải pháp khác biệt
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dự báo, thị trường Cloud sẽ là 5 tỷ USD vào năm 2025

Bộ trưởng đánh giá, chúng ta đã đi qua 6 tháng đầu của năm 2021. Chúng ta đã hy vọng năm 2021 sẽ tốt đẹp hơn, sẽ may mắn hơn, đại dịch sẽ lắng xuống. Nhưng đã không như vậy. Vậy thì chúng ta phải tạo ra tương lai tốt đẹp hơn thay vì đợi nó đến.

Theo Bộ trưởng, lĩnh vực bưu chính đã tìm thấy tương lai của mình là thương mại điện tử và logistics. Thị trường này là 70-80 tỷ USD vào năm 2025. Vụ vải Bắc Giang đã mang đến niềm tin từ một sàn nông sản nhỏ bé có thể phát triển thành sàn thương mại điện tử Việt Nam cho VNPost và ViettelPost. Chiến lược nông thôn bao vây thành thị sẽ lại một lần nữa thành công. Các công nghệ số mới, nhất là AI, đã mở ra một tương lai mới cho thương mại điện tử. Nếu chỉ chiếm 5% thị phần thương mại điện tử và logistics thì năm 2025, Viettel Post hoặc VNPost đã có doanh thu 4 tỷ USD.

Viễn thông thì không thể có hơn 125 triệu thuê bao di động. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đã 5 năm nay, thị trường đó hầu như không tăng, nhưng lại có thể có thêm 250 triệu thuê bao IoT. Có thêm 50 triệu thuê bao trên các nền tảng số. Đó là câu chuyện của 5 năm tới. “Mọi người sẽ hỏi lấy đâu ra? Do chúng ta nghĩ ra thôi. Hãy tưởng tượng nhưng với một điều kiện duy nhất là các thuê bao mới đó phải mang lại giá trị cho khách hàng”, ông chia sẻ.

Bộ trưởng dự báo, thị trường Cloud sẽ là 5 tỷ USD vào năm 2025. Ông đốc thúc, các doanh nghiệp viễn thông lớn hãy đừng lập kế hoạch tăng trưởng 3-5%/năm nữa mà hãy là 10-15%/năm.

Make in Vietnam là công nghiệp điện tử IoT, là thiết bị viễn thông, là thiết bị y tế, là công nghệ thông tin hoá lĩnh vực công nghiệp, là tất cả những gì mà chúng ta thiết kế và làm ra ở Việt Nam. Bộ trưởng đánh giá, sự tưởng tượng ở đây là vô hạn, chỉ cần phải tuân thủ một nguyên tắc bất biến là, giá trị mà sản phẩm Make in Vietnam tạo ra cho khách hàng phải lớn hơn giá mà họ bỏ ra mua sản phẩm. Bộ trưởng kỳ vọng Việt Nam sẽ có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2025 và tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp ICT có thể lớn hơn 15% như hiện nay.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam

Cũng liên quan đến việc đốc thúc, hỗ trợ các doanh nghiệp bứt phá, cuối tuần qua, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ký thỏa thuận hợp tác về việc kết nối và phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thời cơ vàng cho các giải pháp khác biệt

Lễ ký kết thực hiện đồng thời với việc các bên tổ chức Hội thảo “Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Hội thảo đánh dấu sự hợp tác chính thức giữa Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Ban Điều hành Đề án 844 trong hành trình huy động, tập hợp nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, hình thành mạng lưới hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, với vai trò “đột phá, mở đường, song hành, hỗ trợ” Ủy ban Nhà nước về người Việt ở nước ngoài đã phối hợp cùng nhiều bộ ngành và các cơ quan, đặc biệt là Bộ KH&CN mở đường cho việc kết nối mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Cũng theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, thời gian tới, các bên sẽ triển khai chương trình "Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu" nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển, kiến nghị đề xuất xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, đặc biệt những đề xuất kết nối bền vững giữa các nhà khởi nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước.

Theo số liệu từ chương trình “Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020”, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là dịch vụ nền tảng, có tác động mạnh mẽ đến việc tăng doanh thu gấp 3,5 lần và cơ hội gọi vốn thành công tăng 7 lần cho người khởi nghiệp.

Liên kết cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài nước

Covid-19 đang tác động tiêu cực lên toàn thế giới, nhưng lại là thời cơ vàng cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với các giải pháp khác biệt. Sự xuất hiện và nổi lên của nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với các nền tảng quản trị, giải pháp kết nối trực tuyến, các ứng dụng với công nghệ AI, Robot, IoT… là một biểu hiện rõ nét.

Trong nước, như chia sẻ của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, từ góc độ hoạch định chính sách để phát huy hơn nữa sự tham gia của trí thức, chuyên gia, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài với khởi nghiệp sáng tạo trong nước thì cần phải tìm hiểu sâu hơn những nhu cầu thực chất của kiều bào, trí thức Việt khi tham gia vào hoạt động trong nước, từ đó xây dựng và triển khai các chính sách thu hút một cách toàn diện và có hệ thống.

Với mục tiêu trên, Bộ KH&CN thông qua Đề án 844 chính thức đặt quan hệ hợp tác với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài Việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Ban điều hành Đề án 844 và Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài sẽ mở ra hướng đi mới cho việc tăng cường kết nối mạng lưới chuyên gia, người Việt tại nước ngoài và tối ưu hóa nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, với hai định hướng chính: Thứ nhất, thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam sẽ được truyền tải một cách đầy đủ, liên tục và cập nhật nhất đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Thứ hai, sự hợp tác giữa 2 bên sẽ là đòn bẩy giúp thu hút và thúc đẩy vai trò, sự tham gia của các chuyên gia người Việt Nam tại nước ngoài với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong nước.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhận định, Covid-19 đang tác động tiêu cực lên toàn thế giới, nhưng bối cảnh này lại là thời cơ vàng cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với các giải pháp khác biệt. Sự xuất hiện và nổi lên của nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với các nền tảng quản trị, giải pháp kết nối trực tuyến, các ứng dụng với công nghệ AI, Robot, IoT… là một biểu hiện rõ nét./.