Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2020 ước tính đạt 607,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 503,8 nghìn tỷ đồng, bằng 39,9%; thu từ dầu thô 20,2 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 82,8 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8%.

Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 59 nghìn tỷ đồng, bằng 33,2% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 86,7 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 92,3 nghìn tỷ đồng, bằng 34%; thu thuế thu nhập cá nhân 59,3 nghìn tỷ đồng, bằng 46,1%; thu thuế bảo vệ môi trường 24,1 nghìn tỷ đồng, bằng 35,6%; thu tiền sử dụng đất 57,9 nghìn tỷ đồng, bằng 60,4%.

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2020 ước tính đạt 676,2 nghìn tỷ đồng, bằng 38,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 475,1 nghìn tỷ đồng, bằng 45%; chi đầu tư phát triển 140,3 nghìn tỷ đồng, bằng 29,8%; chi trả nợ lãi 56,4 nghìn tỷ đồng, bằng 47,8%.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế trong tháng 6/2020 từng bước trở lại trạng thái hoạt động bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh

Do đó, cơ quan thống kê quốc gia nhận định, công tác kiểm soát dịch Covid-19 được thực hiện tốt và có hiệu quả, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế trong tháng 6/2020 từng bước trở lại trạng thái hoạt động bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh; đồng thời giá xăng, dầu trong nước tăng theo sự khởi sắc của thị trường dầu thô thế giới đã tác động tích cực đến kết quả thu, chi ngân sách nhà nước trong 15 ngày đầu tháng 06/2020.

Quả thực, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế trong tháng 6/2020 đã từng bước trở lại trạng thái hoạt động bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh. Tại buổi Họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020 vào ngày 29/6 vừa qua, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cũng đã đưa ra nhận định, do dịch sớm được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang từng bước hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng cao từ tháng 05/2020.

Đáng lưu ý, sau hai tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế - xã hội đang dần được khôi phục. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6 tiếp tục khởi sắc với 13.700 doanh nghiệp, tăng 27,9% so tháng trước.

Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo cũng cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng tình hình sản xuất, kinh doanh của quý III sẽ khả quan hơn. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, nhưng cũng đang có dấu hiệu tích cực từ sự phục hồi của kinh tế vĩ mô trong nước khi đang được kiểm soát hiệu quả.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 tăng 3,4% so cùng kỳ, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 6 và 6 tháng đầu năm đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Ngoài ra, giá xăng, dầu trong nước tăng theo sự khởi sắc của thị trường dầu thô thế giới đã tác động tích cực đến kết quả thu ngân sách.

Tất cả những sự hồi phục nói trên đã góp phần tích cực trong việc thu, chi ngân sách nhà nước trong 15 ngày đầu tháng 6 đạt kết quả tích cực. Đây là tiền đề quan trọng để kinh tế hồi phục và lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian tới./.