Thu hút đầu tư sôi động trên địa bàn các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
MỘt góc KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc |
Những kết quả khởi sắc
Tiếp nối những kết quả khởi sắc trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trong 06 tháng đầu năm 2022, tháng 7/2022, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc (Ban Quản lý) đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 08 dự án, trong đó có 05 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 8,54 triệu USD và 03 dự án DDI với vốn đầu tư đăng ký 201,75 tỷ đồng; Đồng thời cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho 02 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 18 triệu USD. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trong tháng 7/2022 là 26,54 triệu USD và 201,75 tỷ đồng.
7 tháng đầu năm 2022, các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 14 dự án FDI mới và 20 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 235,11 triệu USD (cấp mới: 134,04 triệu USD; tăng vốn: 101,06 triệu USD), bằng77% so với cùng kỳ năm 2021 và 78% kế hoạch năm 2022; thu hút 08 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 432,61 tỷ đồng, bằng 9% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 62% so với kế hoạch năm 2022.
Đến nay, số dự án đầu tư còn hiệu lực trong các KCN Tỉnh là 432 dự án, gồm 90 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 22.446,09 tỷ đồng và 342 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5.624,89 triệu USD; trong đó: 380 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 87,8% tổng số dự án; 12 dự án đang triển khai xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị nhà xưởng, chiếm 2,7% tổng số dự án; 32 dự án mới cấp và đang làm các thủ tục triển khai dự án, chiếm 7,3% tổng số dự án; 05 dự án đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, chiếm 1,3% tổng số dự án và 04 dự án FDI thuộc diện giãn tiến độ, đang làm thủ tục chấm dứt hoạt động, chiếm 0,9% tổng số dự án. Vốn thực hiện tháng 7/2022 của các dự án đạt 36,7 triệu USD và 20 tỷ đồng.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các KCN
Nhà máy của Công ty TNHH DAIWA Plastics Thăng Long tại KCN Thăng Long, tỉnh Vĩnh Phúc |
Được biết, trong tháng 7/2022, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã thực hiện kiểm tra, rà soát và báo cáo UBND Tỉnh, xin ý kiến các sở, ngành và đơn vị liên quan về nhà đầu tư và dự toán vốn đầu tư dự án Đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Phúc Yên; Đề xuất UBND Tỉnh về Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng tầng kỹ thuật KCN Bình Xuyên-Yên Lạc; Trình UBND Tỉnh điều chỉnh quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN Sông Lô II; Báo cáo UBND Tỉnh tiến độ thực hiện dự án KCN Chấn Hưng.
Dự kiến trong tháng 8/2022, Ban Quản lý sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2-3 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 15-20 triệu USD và 3-4 dự án DDI với số vốn đầu tư đăng ký khoảng 1.000 tỷ đồng; tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai dự án. Đồng thời dự kiến có thêm 3-4 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt khoảng 30-35 triệu USD và các dự án DDI đạt khoảng 50 tỷ đồng.
Ban Quản lý cho biết tiếp tục chỉ đạo các Công ty phát triển hạ tầng đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục xây dựng tại các KCN: Sơn Lôi, Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I-khu vực 2; Nam Bình Xuyên để thực hiện khởi công xây dựng dự án như tiến độ nhà đầu tư đã cam kết; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao đối với các KCN: Phúc Yên, Đồng Sóc và Chấn Hưng theo chỉ đạo của UBND Tỉnh; đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại của các KCN: Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Cùng với đó, Ban Quản lý tăng cường đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư để nhanh chóng triển khai dự án đầu tư hạ tầng và thứ cấp, đồng thời thu hút nhà đầu tư mới./.
Bình luận