Thu ngân sách nhà nước suy giảm, cách nào bù đắp?
Theo Bộ Tài chính, tuy kết quả thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm nay ước tăng 9,2% so cùng kỳ năm trước, nhưng kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, số thu nội địa từ thuế và phí có xu hướng giảm: tháng 7 và 8/2021 lần lượt giảm 10,8% và 21%, tháng 9/2021 giảm tới 26,5% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu các tháng 8 và 9/2021 cũng giảm mạnh. Dự báo dịch vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, nên tiếp tục tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước, trong khi cần tiếp tục tăng chi ngân sách cho phòng, chống dịch.
Theo Bộ Tài chính, số thu nội địa từ thuế và phí có xu hướng giảm: tháng 7 và 8/2021 lần lượt giảm 10,8% và 21%, tháng 9/2021 giảm tới 26,5% so với cùng kỳ năm 2020. |
Để ứng phó với dịch bệnh, từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất năm 2020 và 2021, với dự kiến tổng giá trị các gói hỗ trợ là 139.000 tỷ đồng...
Thực tế trên đang cấp thiết đặt ra đòi hỏi cách nào để bù đắp phần thiếu hụt cho số thu nội địa từ thuế và phí có xu hướng giảm? Giải đáp vấn đề “nóng” này, Bộ Tài chính cho biết, đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung kiểm soát dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy và phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, qua đó tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh cũng là giải pháp được chú trọng thực hiện để có thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước |
Một giải pháp nữa cũng được triển khai là tăng cường công tác quản lý thu, đôn đốc xử lý, thu hồi nợ đọng, phấn đấu tăng thu ở những lĩnh vực, địa bàn có điều kiện, để bù đắp số giảm thu do ảnh hưởng của dịch bệnh, để vừa có thêm nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội, vừa đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước năm 2021. Huy động thêm các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cộng đồng doanh nghiệp, người dân cũng là giải pháp tiếp tục được triển khai.
Liên quan đến nguy cơ thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh, bán hàng online nở rộ trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, Tổng cục Thuế cho hay, theo quy định của pháp luật thuế hiện hành, cá nhân kinh doanh không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống hay kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, đều thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu có phát sinh doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Thời gian qua, ngành Thuế đã chủ động triển khai các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, phối hợp với các cơ quan có liên quan để khai thác thông tin, từ đó đôn đốc cá nhân có hoạt động kinh doanh online tự kê khai, nộp thuế theo quy định. Giải pháp sửa đổi chính sách pháp luật về quản lý thuế theo hướng tăng cường trách nhiệm của người nộp thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan cũng được đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nói chung, kinh doanh online nói riêng, chốt thất thu thuế./.
Bình luận