Thúc đẩy thực hành ESG trong ngành Dịch vụ tài chính Việt Nam
Báo cáo này là trích dẫn của ấn bản được ra mắt trước đây - Báo cáo về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam - Từ tham vọng đến hành động - do PwC Việt Nam và Viện Thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) phối hợp thực hiện từ tháng 5 đến tháng 8/2022.
Báo cáo tập trung vào con đường thực hành ESG của các tổ chức tài chính, với những kết quả nghiên cứu nổi bật, cụ thể như 88% người tham gia khảo sát trong ngành Dịch vụ tài chính đã thực hiện hoặc có kế hoạch thực hiện các cam kết ESG, cao hơn so với số liệu của các doanh nghiệp tại Việt Nam đã công bố trong báo cáo trước đây của PwC (80%).
Điều đó cho thấy, ESG đang nhận được sự quan tâm lớn của các tổ chức tài chính. 89% cho rằng, nâng cao hình ảnh và uy tín thương hiệu là yếu tố hàng đầu thúc đẩy họ xem xét các cam kết ESG và 71% cho rằng, năng lực cạnh tranh là yếu tố thứ hai.78% trong tổng số doanh nghiệp đã phân công một bộ phận để khởi động các sáng kiến ESG, tuy nhiên chỉ 27% hiểu rõ về dữ liệu ESG cần thiết để báo cáo ra bên ngoài và đang thực hiện báo cáo ra bên ngoài.
Thúc đẩy thực hành ESG trong ngành Dịch vụ tài chính Việt Nam |
Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, với mức thiệt hại ước tính khoảng 523 tỷ USD, tương đương 14,5% GDP đến năm 2050. Vì vậy, xây dựng nền tài chính xanh đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. Nền tài chính xanh cũng mở ra những cơ hội mới, đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích cho chính các doanh nghiệp.
Ngành Dịch vụ tài chính, nhân tố chủ đạo của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các nỗ lực toàn diện hướng tới sự phát triển bền vững. Do đó, việc tích hợp các nguyên tắc ESG vào chiến lược cốt lõi và hoạt động của các tổ chức tài chính là mấu chốt.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết: “Các tổ chức tài chính tại Việt Nam cần tạo mối liên kết chặt chẽ hơn giữa mục đích và lợi nhuận, đồng thời nhận ra giá trị của việc đưa ESG vào chiến lược doanh nghiệp. Điều này sẽ cho phép họ xây dựng nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng bền vững và toàn diện trong tương lai. Nền tảng này sẽ cho phép các tổ chức tài chính không chỉ thúc đẩy chuyển đổi trong ngành này, mà còn thúc đẩy áp dụng ESG trong các ngành khác thông qua việc cung cấp tài chính bền vững”.
Quản trị là yếu tố ưu tiên hàng đầu
Khảo sát ESG trong ngành Dịch vụ tài chính đưa ra các kết quả thú vị phản ánh tính chất chịu sự quản lý nhà nước chặt chẽ của ngành ngân hàng, cùng với những thách thức nhất định mà ngành Dịch vụ tài chính phải đối mặt gần đây, một phần do thiếu các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp. Phần lớn (67%) số người được phỏng vấn trong ngành Dịch vụ tài chính xếp hạng yếu tố Quản trị là ưu tiên hàng đầu, tiếp theo là yếu tố Xã hội (67%) ưu tiên thứ hai và yếu tố Môi trường (55%) là ưu tiên thứ ba. Việc tập trung vào Quản trị rất có thể bắt nguồn từ niềm tin của các doanh nghiệp, rằng quản trị tốt hơn sẽ cho phép ra quyết định hiệu quả hơn ở cả khía cạnh môi trường và xã hội.
Từ nguyên tắc ESG sang những hành động cụ thể
78% trong tổng số doanh nghiệp đã phân công một bộ phận để khởi động các sáng kiến ESG. Tuy nhiên, các tổ chức tài chính cũng đang gặp khó khăn trong việc đánh giá dữ liệu ESG và sau đó công bố thông tin. Chỉ có gần 27% hiểu rõ về dữ liệu ESG cần thiết để báo cáo ra bên ngoài và đang thực hiện báo cáo ra bên ngoài.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, phần lớn các tổ chức tài chính ở Việt Nam đã và đang xây dựng các chỉ số rủi ro ESG. Kết quả cho thấy, mặc dù các cơ quan quản lý của Việt Nam đã thúc đẩy các quy định mới về ESG, thực tế đặt ra 3 thách thức hàng đầu trong việc đưa các yếu tố ESG vào khung rủi ro của các tổ chức tài chính là: Khó khăn trong tích hợp các yếu tố ESG vào khung rủi ro hiện hữu của doanh nghiệp (73%), tiếp theo là chất lượng công bố thông tin và nhận thức của đối tác về các yếu tố ESG còn thấp (61%); chưa có các quy định chính thức và rõ ràng (53%).
“Đã đến lúc ngành Dịch vụ tài chính của Việt Nam phải hành động và dẫn dắt quá trình chuyển đổi ESG của đất nước, khi Chính phủ giờ đây đã khẳng định các cam kết! Hành động đó có thể bắt đầu từ việc xác lập yêu cầu báo cáo ESG mới, xây dựng chiến lược ESG từ cấp lãnh đạo xuống đến cấp thực thi, nắm bắt các cơ hội tài chính xanh mới hoặc xây dựng năng lực quản lý rủi ro ESG. Việc tích hợp ESG vào cách thức lập chiến lược và quản lý hoạt động kinh doanh của ngành Dịch vụ tài chính để tạo ra giá trị cho các bên liên quan đòi hỏi phải thực thi nghiêm túc các thay đổi trong cơ cấu quản trị, quy trình, dữ liệu và hệ thống và quan trọng nhất là định hướng lãnh đạo và xây dựng năng lực về ESG”, bà Đinh Hồng Hạnh, lãnh đạo ngành Dịch vụ tài chính, Tư vấn ESG, PwC Việt Nam chia sẻ.
Tăng tốc hành trình ESG trong ngành Dịch vụ tài chính
Theo PwC, để vượt qua thách thức về ESG, các tổ chức tài chính cần có năng lực xây dựng các kế hoạch hành động tổng thể có khả năng đáp ứng các phạm vi khác nhau cần thiết để tích hợp hiểu biết về ESG vào mọi khía cạnh của tổ chức. Theo đó, PwC khuyến nghị các tổ chức tài chính có thể cân nhắc 5 phương diện sau để tăng tốc trên hành trình thực hành ESG. Cụ thể:
Chiến lược ESG và thống nhất với chiến lược tổng thể: Hiểu rõ các vấn đề trọng yếu và cụ thể về E, S và G sẽ giúp các tổ chức tài chính tập trung thời gian, năng lượng và nguồn lực vào ít vấn đề hơn nhưng có tác động lớn hơn. Điều quan trọng nữa là hội đồng quản trị phải đi đầu trong việc định hình tầm nhìn chiến lược cho chương trình ESG.
Quản lý rủi ro ESG: Các tổ chức tài chính có thể phát triển bền vững bất chấp các thử thách trong tương lai, bằng cách tích hợp các rủi ro ESG vào mọi giai đoạn của khung quản lý rủi ro. Việc xem xét liệu các khoản đầu tư có tập trung vào các ngành hoặc khu vực cụ thể hay không có thể là một phần của quy trình nhận diện rủi ro ESG.
Thẩm định tín dụng: Kết hợp các yếu tố ESG vào các mô hình và khung xếp hạng rủi ro để đưa ra các quyết định thẩm định rủi ro tín dụng. Tóm lại, để chuyển ESG từ chính sách sang thực tiễn, cần tích hợp ESG vào các quy trình hiện có thay vì tạo ra công tác kiểm tra song song. Tích hợp ESG vào chu kỳ tín dụng hoặc đầu tư, ví dụ từ khi khởi tạo khoản vay đến khi hoàn thành cho vay.
Xây dựng văn hóa và năng lực: Đầu tư vào các chương trình nâng cao kỹ năng và xây dựng năng lực là rất quan trọng. Đặc biệt, các sáng kiến cần phải phù hợp với tầm nhìn kinh doanh về văn hóa, khả năng, kiến thức và năng lực của lực lượng lao động.
Giải quyết chênh lệch về dữ liệu: Để thúc đẩy giám sát rủi ro và quản lý rủi ro mạnh mẽ, cần xác định các nguồn dữ liệu nội bộ và bên ngoài đáng tin cậy để phản ánh chính xác trạng thái của các rủi ro ESG có liên quan. Các phương thức thu thập và xử lý dữ liệu có thể bao gồm: Thẩm định khách hàng hiện có (CDD)/Xác minh khách hàng (KYC)./.
Bình luận