Trong một trao đổi vào đầu năm 2020, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho rằng, khi trình độ ứng dụng công nghệ ngày càng phát triển thì hình thức E-voting sẽ được các doanh nghiệp lựa chọn áp dụng. Bỏ phiếu điện tử là phương thức giúp cổ đông của các tổ chức phát hành có thể thực hiện quyền bỏ phiếu của mình qua mạng Internet. Theo đó, các cổ đông không nhất thiết phải đến dự họp mà vẫn thực hiện được quyền bỏ phiếu đối với các quyết định quan trọng của tổ chức phát hành. Việc bỏ phiếu điện tử giúp tăng khả năng thành công của đại hội, giúp tiết kiệm chi phí tổ chức đại hội, chi phí quản lý, đi lại…, cũng như giúp tổ chức phát hành có được kết quả nhanh, chính xác và làm tăng vị thế của tổ chức phát hành, nhất là ở góc độ quản trị doanh nghiệp.

Hình thức này đã và đang được xem là một hình thức bỏ phiếu ưu việt được nhiều doanh nghiệp tại các thị trường tiên tiến trong khu vực như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc Đài Loan… và thế giới sử dụng. Doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp đại chúng (có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, có trên 100 cổ đông) cần sớm tìm hiểu hình thức này và đưa vào áp dụng, vì đây là phương thức giúp doanh nghiệp kết nối không hạn chế với cổ đông, ngay cả trong bối cảnh đại dịch bùng phát trở lại.

Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bằng công nghệ trực tuyến, các cuộc họp cổ đông có thể được diễn ra dưới 2 dạng: cuộc họp trực tuyến toàn bộ (virtual only-meeting), trong đó không thành viên nào gặp mặt trực tiếp; và cuộc họp trực tuyến một phần (hybrid meeting) với sự tham gia của một số thành viên có mặt trực tiếp tại một địa điểm cụ thể và thiết lập đường online để các thành viên khác trong cuộc họp này tham gia. Hình thức này đặc biệt phù hợp với các công ty, tập đoàn đa quốc gia; giúp tiết kiệm chi phí so với họp trực tiếp (bao gồm chi phí thuê hội trường, in ấn tài liệu, nguồn nhân lực phục vụ phiên họp…).

Tại Việt Nam, bỏ phiếu điện tử đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các cổ đông thực hiện việc bỏ phiếu điện tử được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp như các cổ đông tham dự và biểu quyết trực tiếp. Tuy nhiên, hiện nay, còn rất ít doanh nghiệp áp dụng hình thức bỏ phiếu điện tử do đặc thù quản trị của từng công ty nên tổ chức phát hành có tâm lý ngại thay đổi, vẫn muốn duy trì hình thức bỏ phiếu truyền thống, vì nếu áp dụng e-voting, doanh nghiệp sẽ phải sửa đổi điều lệ công ty cho phép sử dụng hình thức bỏ phiếu này và bổ sung các quy định hướng dẫn liên quan.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn e ngại trình độ công nghệ của cổ đông còn chưa đồng đều, không phải nhà đầu tư nào cũng tiếp cận với những ứng dụng mới.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có tâm lý không muốn bên thứ ba can thiệp vào việc tổ chức đại hội, nên chưa lựa chọn sử dụng dịch vụ bỏ phiếu điện tử do bên thứ ba cung cấp… Trong khi đó, đây là hình thức tiên tiến, tiết kiệm và kết nối tốt hơn hình thức họp trực tiếp, nên nhà quản lý đốc thúc các doanh nghiệp vượt qua những e ngại, rào cản tâm lý, để thực thi nhiều hơn vào mùa đại hội đồng cổ đông tới đây.

Được biết tại Việt Nam hiện nay, hai tổ chức đang cung cấp dịch vụ bỏ phiếu điện tử, họp cổ đông trực tuyến là Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và Công ty Chứng khoán FPTS. Nhà quản lý hy vọng, năm 2021, sẽ có nhiều doanh nghiệp hơn sử dụng hình thức trực tuyến để họp cổ đông, đem lại lợi ích thiết thực cho cả nhà đầu tư và tổ chức phát hành.