Thực hiện thành công “mục tiêu kép” trong các KCN Bắc Ninh
Thu hút đầu tư sôi động trong các KCN
Nhà máy FDI trong KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh |
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Bắc Ninh là một trong các địa phương có các khu công nghiệp (KCN) bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Có thể nói, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có diễn biến rất phức tạp và tương đối nguy cấp; bên cạnh đó, cũng như nhiều địa phương khác, các KCN Bắc Ninh cũng đang phải đối mặt với nhiều cạnh tranh gay gắt về thu hút đầu tư giữa các địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế và đặc điểm vùng miền tương xứng…
Song dưới sự lãnh đạo, điều hành năng động, sáng tạo của Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh (Ban Quản lý) và uy tín, kinh nghiệm của các chủ đầu tư hạ tầng KCN Tỉnh (đã quản lý, vận hành và phát triển thành công các KCN được đánh giá có thương hiệu TOP đầu tại Việt Nam) nên các KCN Bắc Ninh vẫn tiếp tục có sức hút đặc biệt đối với các nhà đầu tư có thương hiệu trên toàn cầu.
Công tác thu hút đầu tư vào các KCN có nhiều kết quả tốt, số lượng và quy mô các dự án tăng cao. Đây là một minh chứng sống động cho những cố gắng, nỗ lực của Tỉnh và Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh trong thời gian qua, góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư trong các KCN Bắc Ninh vững vàng phát triển trong bất cứ hoàn cảnh, khó khăn nào.
Để làm tốt công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, Ban Quản lý đã quan tâm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư với nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức, phù hợp với hoàn cảnh thực tế trong giai đoạn hiện nay; đặc biệt chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ và thông qua các đối tác, doanh nghiệp đã từng đầu tư, kinh doanh trong các KCN Tỉnh để kết nối đầu tư. Bên cạnh đó, Ban chú trọng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; làm tốt công tác phối hợp chặt chẽ giữa Ban Quản lý với các Sở ngành trong Tỉnh, giữa các phòng, đơn vị trực thuộc trong nội bộ cơ quan và giữa các nhà đầu tư với các đơn vị chức năng trong Tỉnh.
Với những cố gắng trên, trong 6 tháng đầu năm 2021, Ban Quản lý đã tiếp và làm việc với trên 70 lượt nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư vào các KCN Bắc Ninh. Kết quả, Ban đã thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn, nhất là vốn đầu tư nước ngoài (FDI) Cụ thể: Ban Quản lý đã cấp mới 49 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký là 391,12 triệu USD, đạt 49% so với kế hoạch năm 2021, trong đó: cấp mới 38 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thứ cấp cho các dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 312,45 triệu USD; cấp mới 11 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thứ cấp cho các dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.809,51 tỷ đồng, tương đương 78,67 triệu USD.
Đồng thời cấp 142 lượt điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 32 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng thêm 125,52 triệu USD, cụ thể: 126 lượt dự án FDI điều chỉnh, trong đó: 27 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 43,47 triệu USD; 16 lượt dự án DDI điều chỉnh, trong đó có 05 dự án điều chỉnh vốn tăng vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 1.887,4 tỷ đồng, tương đương 82,05 triệu USD.
Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh trong 06 tháng đầu năm 2021 là 516,64 triệu USD (FDI: 355,91 triệu USD; DDI: 3.696,88 tỷ đồng, tương đương 160,73 triệu USD). So với cùng kỳ năm 2020, số dự án đăng ký mới đạt 100% (49 dự án/49 dự án) và số vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh đạt 200% (516,64 triệu USD /258,36 triệu USD). Ngoài ra, cấp điều chỉnh 01 lượt dự án hạ tầng KCN với tổng số vốn đầu tư tăng thêm là 1.180,4 tỷ đồng, tương đương 51,32 triệu USD.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng đã cấp 05 thông báo chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế.
Triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19
Ông Nguyễn Đức Long- Phó ban Quản lý các KCN Bắc Ninh phát biểu tại Họp báo tỉnh hình kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh 6 tháng đầu năm 2021 |
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh đã thành công trong viêc thực hiện mục tiêu kép, vừa triển khai tốt hoạt động quản lý nhà nước và phát triển của các KCN trên địa bàn Tỉnh, vừa thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trong các KCN.
Được biết để đối phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ diễn biến khó lường, Ban Quản lý các KCN đã thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của UBND Tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời tham mưu cho UBND Tỉnh nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để triển khai thực hiện và điều chỉnh chiến thuật phòng chống dịch bệnh trong doanh nghiệp.
Qua đó hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và giảm đáng kể tình hình dịch bệnh lây lan, bảo đảm tuyệt đối an toàn sức khỏe và đời sống, việc làm cho công nhân lao động trong các KCN.
Trong suốt thời gian “nóng” do dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào các KCN, lãnh đạo và cán bộ Ban Quản lý các KCN thường xuyên xuống trực tiếp các KCN để chỉ đạo và giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác phòng chống dịch bệnh của các doanh nghiệp trong các KCN.
Quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh, Ban Quản lý đã chỉ đạo các doanh nghiệp KCN cho công nhân ăn, ở, làm việc ngay tại nhà máy, khu lưu trú tập trung và đã đạt được mục đích giảm hiệu quả nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Bắt đầu từ ngày 20/6, sau khi cơ bản dập được dịch Covid-19 trên toàn Tỉnh, Ban Quản lý đã nới lỏng một số biện pháp chống dịch để hoạt động sản xuất công nghiệp trong KCN dần trở về bình thường.
Theo đó công nhân đang ở trên địa bàn thực hiện Chỉ thị 15 và 19 của Thủ tướng Chính phủ sẽ được xét nghiệm hai lần, sau đó được về nhà và sẽ được đi làm trở lại nếu doanh nghiệp tiếp nhận công nhân trở lại làm việc phải tuân chỉ thực hiện xét nghiệm PCR và test nhanh (không phải ăn ở tại nhà máy, doanh nghiệp).
Công nhân đang ở trên địa bàn thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 19 của Chính phủ vẫn được đi làm ở các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thực hiện Chỉ thị 16, với điều kiện doanh nghiệp phải bố trí khu sản xuất riêng, ăn riêng và đưa đón xe riêng cho các đối tượng này.
Tại Họp báo tỉnh hình kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh 6 tháng đầu năm 2021, ông Nguyễn Đức Long, Phó ban Quản lý các KCN Bắc Ninh cho biết, hiện có 877 doanh nghiệp KCN bố trí cho hơn 115.000 công nhân làm việc, ăn, ở tại nhà máy, khu lưu trú tập trung.
Ban quản lý các KCN Tỉnh đã lập 40 đoàn với hơn 200 cán bộ kiểm tra 330 doanh nghiệp trong các KCN. Kết quả đánh giá sơ bộ, doanh nghiệp ít nguy cơ lây nhiễm chiếm 39,5%, nguy cơ lây nhiễm thấp là 45,3%, nguy cơ trung bình là 10,4%.
Trong 16 ngày qua (tính từ đầu tháng 6), có 2 ca nhiễm trong bốn nhà xưởng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do thực hiện nghiêm ngặt biện pháp chống dịch nên chỉ một xưởng phải tạm dừng hoạt động và không xuất hiện lây nhiễm chéo. Tỉnh Bắc Ninh dự kiến đến ngày 10/7 này, tình hình dịch bệnh trong Tỉnh sẽ được kiểm soát hoàn toàn, và mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN sẽ quay lại trạng thái bình thường.
Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển KCN
Ông Bùi Hoàng Mai- Khối trưởng Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2020, Trưởng ban Quản lý các KCN Bắc Ninh chủ trì Hội nghị tổng kết Khối thi đua năm 2020 |
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ban Quản lý đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phát triển các KCN trên địa bàn.
Tại các KCN, các doanh nghiệp đã trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn khi phải căng mình vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa phải đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Song với tinh thần cố gắng cao của Ban Quản lý và các nhà đầu tư, đã có khoảng 20 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN trên địa bàn.
Trong 6 tháng vừa qua, các doanh nghiệp trong KCN đã đạt được một số chỉ tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 548.882 tỷ đồng; doanh thu đạt 584.932 tỷ đồng; xuất khẩu đạt 16.580 triệu USD; nhập khẩu đạt 11.485 triệu USD; nộp ngân sách đạt 5.626 tỷ đồng.
Cùng với đó, hoạt động quản lý lao động được Ban Quản lý quan tâm chú trọng (nhất là trong thời điểm nhạy cảm do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong các KCN) nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động về chế độ tiền lương, tiền thưởng, ngừng việc tại doanh nghiệp....Các KCN Bắc Ninh hiện đang sử dụng 330.000 lao động.
Tính từ đầu năm 2021, Thủ tường Chính phủ chấp thuận Chủ trương đầu tư 05 KCN gồm: KCN Gia Bình, KCN Gia Bình II, KCN Quế Võ III - Giai đoạn 2, KCN, KCN Quế Võ II - Giai đoạn 2, KCN Yên Phong II-A; Chủ tịch UBND Tỉnh ban hành quyết định thành lập mới 04 KCN gồm: Thuận Thành I, Gia Bình 1, Gia Bình II, Quế Võ III - Giai đoạn 2. |
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ban thực hiện đăng ký nội quy lao động cho 21 doanh nghiệp; tiếp nhận thoả ước lao động của 19 doanh nghiệp; cấp mới, cấp lại 800 Giấy phép lao động cho người nước ngoài; tiếp nhận Thông báo về việc làm thêm giờ từ 200 giờ đến 300 giờ trong năm 2021 của 25 doanh nghiệp; xác nhận 12 người nước ngoài đang làm việc trong các KCN không thuộc diện cấp Giấy phép lao động; chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài cho 250 lượt doanh nghiệp (1.200 người nước ngoài).
Đồng thời Ban đã làm tốt công tác nhập cảnh cho lao động nước ngoài làm việc tại các KCN. Việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục cho lao động nước ngoài nhanh chóng, hiệu quả để đảm bảo cung cấp nhân lực kịp thời cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ban đã trình UBND Tỉnh nhập cảnh cho lao động nước ngoài 13 đợt với tổng số lao động là 2.556 người, thực tế đã nhập cảnh được 1.521 người (còn 03 đợt chưa nhập cảnh 702 người); hỗ trợ nhập cảnh cách ly tỉnh khác cho 04 doanh nghiệp (6 người).
Mặt khác đã giải quyết tốt các công việc phát sinh liên quan như: Tổng hợp tình hình lao động nước ngoài báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tỉnh; phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thực hiện việc tiếp nhận và giám, sát người nước ngoài nhập cảnh tại Sân bay Quốc tế Vân Đồn; Nội Bài và của khẩu Hữu Nghị Lạng Sơn đưa về cách ly theo quy định; phối hợp cùng với Công an Tỉnh, Sở Lao động đi thẩm định nhu cầu nhập cảnh của 19 doanh nghiệp....
Công tác quản lý quy hoạch, xây dựng được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định. Trong 6 tháng đầu năm, Ban thực hiện cấp 40 chứng chỉ quy hoạch cho các chủ đầu tư; thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công cho 21 dự án; cấp 40 giấy phép xây dựng và cấp điều chỉnh giấy phép xây dựng cho 13 dự án. Đồng thời phối hợp với nhà đầu tư và các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng các KCN để đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư.
Cùng với đó, công tác quản lý sau đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh hơn, tiến hành nhiều hoạt động rà soát, hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua công tác thanh tra, kiểm tra.
Mặt khác, công tác quản lý môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ trong các KCN được quan tâm thường xuyên. Đến nay các KCN đã đảm bảo tiêu chí xanh, sạch, đẹp và hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm nặng về môi trường; công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ trong các KCN luôn được đảm bảo an toàn về người và tài sản, góp phần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp về một môi trường đầu tư phát triển và bền vững. Hoạt động dịch vụ trong các KCN có nhiều cố gắng, đáp ứng được sự hài lòng của doanh nghiệp và nhà đầu tư trong môi trường có sự cạnh tranh gay gắt với nhiều nhà cung cấp.
Tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình KCN hiệu quả và bền vững
Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh cho biết, định hướng phát triển của Tỉnh Bắc Ninh thời gian tới là tiếp tục xây dựng và phát triển một số KCN hỗ trợ; KCN gắn với khu đô thị theo hướng hiện đại, đồng bộ và phát triển bền vững; tập trung thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường
Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2021, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh đặt mục tiêu thu hút khoảng 100 dự án đầu tư thứ cấp vào các KCN với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đạt khoảng 1.100 triệu USD (85 dự án FDI với tổng vốn 1.000 triệu USD; 15 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD).
Các doanh nghiệp thứ cấp trong các KCN sẽ phấn đấu tạo ra các kết quả tích cực, cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 1.200.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 36,5 tỷ USD; giá trị nhập khẩu đạt khoảng 23,5 tỷ USD; thu ngân sách đạt khoảng 11.500 tỷ đồng; số dự án đi vào hoạt động khoảng 100 dự án; tạo việc làm mới cho khoảng 8.000 -10.000 lao động.
Nhằm đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu trên, theo Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh, 6 tháng cuối năm 2021 Ban cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo việc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Hai là, Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; phát huy vai trò là cầu nối hữu hiệu giữa các cơ quan liên quan với các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Ba là, tăng cường công tác vận động xúc tiến đầu tư vào KCN; tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng các hình thức xúc tiến đầu tư; xác định lĩnh vực mũi nhọn để ưu tiên thực hiện xúc tiến đầu tư.
Bốn là, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng đồng bộ trong và ngoài KCN để đón làn sóng đầu tư mới.
Tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, an toàn lao động đối với công trình xây dựng trong KCN theo phân cấp.
Rà soát các dự án sau cấp phép đầu tư và kiên quyết chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các trường hợp cần thiết.
Năm là, hoàn thành Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020 định hướng đến năm 2035.
Sáu là, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Phấn đấu 100% các KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
Bảy là, nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của doanh nghiệp để có hướng giải quyết, hỗ trợ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp KCN.
Tám là, Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra đối với doanh nghiệp KCN, tránh chồng chéo và đảm bảo hiệu quả. Tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của các Bộ ngành Trung ương và của tỉnh. Tăng cường trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp.
Đẩy mạnh việc thực hiện các đề án phát triển hoạt động dịch vụ trong các KCN. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các hoạt động dịch vụ của đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban.
Chín là, quan tâm đến công tác an sinh xã hội gắn với các KCN như ưu tiên đầu tư xây nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, khu mua sắm…
Mười là, tiếp tục đẩy mạnh và lan tỏa các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu được nhiều thành tích cao từ các đơn vị Ban Quản lý đến các doanh nghiệp KCN./.
Bình luận