ThS. Đỗ Thị Thanh Huyền

TS. Nguyễn Thị Thu Hiền

ThS. Hồ Thị Mai Sương

ThS. Lương Nguyệt Ánh

Trường Đại học Thương mại

Tóm tắt

Chủ đề về lao động - việc làm phi chính thức ở các nước đang phát triển đang được các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý trong nước và quốc tế quan tâm trong những năm gần đây vì tình trạng phi chính thức vẫn đang là vấn đề dai dẳng, ngày càng trở nên phức tạp hơn và đang có xu hướng trở thành rào cản cản trở mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, việc làm bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bài viết sử dụng các dữ liệu thứ cấp về lao động việc làm của Việt Nam để phân tích hiện trạng và đặc điểm của lao động phi chính thức ngoài ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2016-2023, từ đó đưa ra một số khuyến nghị giải pháp nhằm giảm tình trạng phi chính thức đối với người lao động tại Việt Nam.

Từ khóa: lao động phi chính thức phi nông nghiệp, việc làm phi chính thức ngoài ngành nông nghiệp

Summary

The topic of informal labor and employment in developing countries has been of interest to domestic and international researchers and managers in recent years since informality is still a persistent problem that is becoming more and more complex and tending to be a barrier to the goals of sustainable economic development and sustainable employment of countries, including Vietnam. The paper uses secondary data on Vietnamese employment to analyze the current status and characteristics of informal non-agricultural employment in the period 2016-2023, and then provides some solutions to reduce informal employment in Vietnam.

Keywords: informal non-agricultural workers, developing countries

GIỚI THIỆU

Gần 40 năm thực hiện cải cách kinh tế từ năm 1986 đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến nhiều thay đổi quan trọng về tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thành tựu trong duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trước những cú sốc kinh tế trên thế giới; thu nhập bình quân đầu người và phúc lợi kinh tế của đại đa số dân cư được nâng lên; điều kiện làm việc được cải thiện nhiều. Tăng trưởng kinh tế, chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam đã tạo ra sự dịch chuyển lao động mạnh mẽ từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp dịch vụ. Theo dữ liệu về lao động việc làm của Việt Nam tại cơ sở dữ liệu của Ngân hàng thế giới (WB)[1], việc làm trong nông nghiệp giảm hơn ½ từ 74,6% năm 1991 xuống 33,6% năm 2022, việc làm trong công nghiệp tăng từ 8,9% năm 1991 lên 30,6% năm 2022, tương tự, việc làm trong ngành dịch vụ tăng từ 16,4% lên 35,8%. Tuy nhiên, lao động phi chính thức chiếm khoảng 2/3 tổng số lao động có việc làm (64,9% năm 2023). Nếu không tính lượng lao động phi chính thức trong nông nghiệp, thì hiện nay có đến 54,5% lao động phi chính thức trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.

Đạt được việc làm đầy đủ và hiệu quả là một trong những Mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đang hướng đến. Tuy nhiên, hiện tượng lao động làm các công việc phi chính thức (với chất lượng và năng suất thấp, thu nhập không ổn định và không được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội…) đang chiếm hơn 50% tổng lao động có việc làm trong khu vực phi nông nghiệp đang trở thành rào cản, thách thức cho mục tiêu phát triển kinh tế.

Với định hướng “Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn; giảm tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức” (theo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII), chúng ta cần xác định được thực trạng, đặc điểm của lao động phi chính thức nói chung, lao động phi chính thức phi nông nghiệp nói riêng để có thể hiểu bản chất, mức độ phức tạp và xu hướng của thị trường lao động này. Hiểu rõ hơn về lao động phi chính thức sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách khai thác tốt vai trò của khu vực này, đồng thời đưa ra được những gợi ý chính sách để giảm tỷ lệ lao động phi chính thức phi nông nghiệp trong bối cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa và công nghệ hóa hiện nay.

KHÁI QUÁT VỀ LAO ĐỘNG PHI CHÍNH THỨC TRONG KHU VỰC PHI NÔNG NGHIỆP

Tình trạng phi chính thức tiếp cận theo góc độ đơn vị kinh tế hình thành khái niệm khu vực kinh tế phi chính thức. Thuật ngữ “khu vực kinh tế phi chính thức” được sử dụng trong các lý thuyết phát triển từ những năm 70, sau đó được đề cập nhiều trong các nghiên cứu và đối thoại phát triển của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Hiện nay, khu vực phi chính thức được coi là một khu vực mà các quy định pháp luật (chủ yếu là quy định về thuế và luật lao động) không được áp dụng (Mukhopadhyay, 2022).

Tình trạng phi chính thức tiếp cận theo góc độ người lao động hình thành khái niệm lao động phi chính thức. Theo khung khái niệm về lao động phi chính thức được thống nhất tại Hội nghị Quốc tế về thống kê lao động lần thứ 15 (ICLS 17), thì lao động phi chính thức (còn gọi là người lao động có việc làm phi chính thức bao gồm những người lao động làm các công việc định quy định là phi chính thức trong luật, hoặc trên thực tế không được pháp luật về lao động bảo vệ quyền lợi, không phải đóng thuế thu nhập cũng như không được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội và các chế độ làm việc khác như không được thông báo trước khi sa thải theo luật, không được trợ cấp thất nghiệp, không được trả lương hàng năm, không được hưởng các chế độ nghỉ phép, thai sản, ốm đau (Tổng cục Thống kê, 2022). Những lao động làm việc tạm thời và bán thời gian dễ rơi vào tình trạng phi chính thức là do họ nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của luật hiện hành hoặc họ không đáp ứng được các tiêu chuẩn về thời gian hoặc số giờ làm việc, hoặc nếu được quy định về mặt pháp lý thì những quy định pháp luật đó không được thực thi hiệu quả (ILO, 2018).

Theo tiếp cận này, lao động phi chính thức bao gồm những lao động tự làm, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh có địa điểm thuộc khu vực phi chính thức; lao động gia đình không được trả công và lao động làm công hưởng lương nhưng không có hợp đồng lao động, không được chủ cơ sở kinh doanh, tổ chức chi trả bảo hiểm xã hội hoặc không có các cam kết về phúc lợi xã hội liên quan dù cho người lao động đang làm trong cơ sở thuộc khu vực kinh tế chính thức hay phi chính thức. Từ khái niệm trên, suy rộng ra, lao động phi chính thức phi nông nghiệp là những lao động theo cách phân loại của khái niệm lao động phi chính thức và đang hoạt động trong khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.

Lewis (1954) chỉ ra rằng, nguyên nhân của tình trạng phi chính thức phi nông nghiệp xuất phát từ sự yếu kém trong nông nghiệp, dư thừa lao động nông nghiệp (hình thành lao động phi chính thức trong nông nghiệp) và sự mở rộng sản xuất công nghiệp dẫn đến di cư và điểm đến của lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp thành thị đa phần là các khu vực thành thị phi chính thức bởi trình độ chuyên môn tay nghề hạn chế là rào cản gia nhập khu vực kinh tế chính thức. Trong nghiên cứu thực nghiệm của Fields (1990) về việc lựa chọn việc làm của người lao động cũng cho thấy lựa chọn ban đầu của người di cư sẽ là lựa chọn làm việc ở nông thôn hoặc di cư vào thành thị để gia nhập lực lượng lao động thành thị (tham gia đội ngũ lao động thất nghiệp hoặc làm các công việc trong khu vực thành thị phi chính thức).

Cũng theo Fields (1990), có sự khác biệt giữa 2 hình thức việc làm phi chính thức khác nhau: (1) Gia nhập tự do, việc làm lương thấp ít được mong muốn hơn so với việc làm trong khu vực chính thức; (2) Gia nhập hạn chế, việc làm lương cao mong muốn hơn việc làm ở khu vực chính thức. Loại thứ 2 đề cập đến những người lao động có tay nghề chuyên môn và tài chính để rời khỏi khu vực chính thức và thành lập một doanh nghiệp tự do nhỏ (ví dụ như thợ sửa chữa hoặc người sản xuất nhỏ). Có một số bằng chứng ủng hộ cách phân loại do Fields (1990) đề xuất ở trên: ví dụ, tại Brazil, theo khảo sát có hơn 62% nam giới tự kinh doanh không muốn làm việc trong khu vực chính thức (Maloney, 2004) (được trích dẫn trong nghiên cứu của Mukhopadhyay (2022)).

Theo Dix-Carneiro (2021), về phía người lao động, người ta có thể định nghĩa tính phi chính thức theo 2 cách: Cách thứ nhất định nghĩa người lao động là phi chính thức nếu người đó không có việc làm lâu dài và ổn định gắn liền với các phúc lợi như sức khỏe và an sinh xã hội. Cách thứ hai định nghĩa một người lao động là phi chính thức nếu ngoài việc không nhận được phúc lợi, người lao động còn “vô hình” trước cơ quan thuế và người sử dụng lao động của họ trốn tránh các quy định của thị trường lao động (bao gồm mức lương tối thiểu và các quy định thôi việc) một cách bất hợp pháp. Định nghĩa đầu tiên phù hợp ngay cả ở các nước phát triển với sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường tự do. Định nghĩa thứ hai áp dụng chủ yếu cho các nước đang phát triển nơi trốn thuế liên quan đến phi chính thức là vấn đề hàng đầu. Về phía doanh nghiệp, tính phi chính thức hàm ý rằng, doanh nghiệp không tuân thủ thuế hoặc các quy định liên quan (ví dụ: Bộ luật Lao động).

Điều này có thể có ảnh hưởng bất lợi cho nền kinh tế vì 2 lý do chính: Thứ nhất, có thể dẫn đến sự phân bổ nguồn lực sai lầm đáng kể và cản trở tăng trưởng, vì các doanh nghiệp kém hiệu quả vẫn tồn tại bằng cách trốn thuế và tránh tuân thủ các quy định của thị trường lao động sẽ ngăn cản việc phân bổ lao động cho các công ty có năng suất cao hơn; diễn ra cuộc cạnh tranh không bình đẳng về chi phí kinh doanh giữa doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về thuế và bảo trợ xã hội với doanh nghiệp không tuân thủ thuế hoặc các quy định liên quan; Thứ hai, tính phi chính thức hàm ý trốn thuế, cản trở năng lực tài chính và cung cấp hàng hóa công (Dix-Carneiro và cộng sự, 2021).

Trong khu vực phi nông nghiệp, lao động phi chính thức tồn tại ở tất cả các hình thức từ chủ cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu vực kinh tế phi chính thức, lao động làm thuê được trả công, lao động tự làm và lao động gia đình.

THỰC TRẠNG LAO ĐỘNG PHI CHÍNH THỨC PHI NÔNG NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, Việt Nam có khoảng 54,5% lao động đang làm việc có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp, con số này là 56,2% năm 2021 và 57,2% năm 2016 (chỉ giảm 2,7 điểm phần trăm trong giai đoạn 2016-2023) (Bảng). Nếu tính cả lao động phi chính thức trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, thì số lao động có việc làm phi chính thức trên cả nước chiếm 64,9% (năm 2023), 68,5% (năm 2021) và 78,6% (năm 2016) trong tổng số lao động có việc làm (tương đương giảm 13,7 điểm phần trăm trong giai đoạn 2016-2023). Điều này cho thấy, động lực thu hẹp quy mô lao động phi chính thức của nền kinh tế đến từ sự chuyển dịch mạnh mẽ lao động phi chính thức trong khu vực nông nghiệp do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Đồng thời, khả năng lao động phi chính thức trong nông nghiệp dịch chuyển sang khu vực phi chính thức phi nông nghiệp làm quy mô lao động phi chính thức phi nông nghiệp giảm rất nhẹ (chỉ 2,7 điểm phần trăm).

Bảng: Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp tại Việt Nam

Đơn vị: %

Năm 2016

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Chung

57.2

56.2

56.2

55.2

54.5

- Thành thị

48.5

48.4

48.0

46.9

46.1

- Nông thôn

65.2

62.3

63.3

62.1

61.4

- Nam

60.7

60.5

60.4

59.5

58.7

- Nữ

53.3

51.1

51.2

50.4

49.6

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ các báo cáo của GSO (2018, 2022) và website gso.gov.vn

Quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành và cơ cấu lao động theo ngành kinh tế thời gian qua cũng dẫn đến sự chuyển dịch cơ cấu lao động phi chính thức theo hướng giảm tỷ trọng lao động phi chính thức trong nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động phi chính thức phi nông nghiệp. Theo các dữ liệu thống kê về cơ cấu lao động phi chính thức theo ngành cho thấy, năm 2016, tỷ lệ lao động phi chính thức trong nông nghiệp chiếm ưu thế (57,8% trong tổng lao động phi chính thức), trong khi tỷ lệ lao động phi chính thức trong công nghiệp - dịch vụ chỉ chiếm tỷ lệ 42,2% trong tổng lao động phi chính thức (ILO, 2018), nhưng tới năm 2021, tỷ lệ lao động phi thức chính trong công nghiệp – dịch vụ đã chiếm ưu thế với 58,1% tổng lao động có việc làm phi chính thức.

Quan sát riêng theo các ngành phi nông nghiệp cho thấy, người lao động phi chính thức dễ dàng tìm được việc làm ở các ngành dịch vụ (như bán buôn bán lẻ và sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; dịch vụ ăn uống và lưu trú; vận kho bãi), công nghiệp chế biến chế tạo và xây dựng. Thậm chí số lao động phi chính thức trong những ngành này còn cao hơn nhiều lần so với lao động chính thức hoạt động cùng ngành (với ngành xây dựng, số lao động phi chính thức trong năm 2021 cao gấp 10 lần số lao động chính thức, tương tự với dịch vụ ăn uống và lưu trú là gấp 5,2 lần) và có xu hướng ổn định về tỷ lệ lao động phi chính thức trong tổng số lao động có việc làm của ngành so với năm 2016 (có đến hơn 90% lao động phi chính thức trong tổng lao động ngành xây dựng; xấp xỉ 80% lao động phi chính thức trong tổng lao động ngành dịch vụ ăn uống lưu trú) (Tổng cục Thống kê, 2022).

Trước những ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp dựa vào công nghệ, thời gian qua xuất hiện các loại hình kinh tế phi chính thức mới, như: kinh tế chia sẻ, kinh tế Gig dựa trên các ứng dụng công nghệ, như: lái xe công nghệ, giao hàng dựa vào công nghệ (Bee, Grab, Xanh SM…), bán hàng online, tư vấn online… Đây là những loại hình công việc tương đối tự do, hấp dẫn một lượng lao động tự nguyện tham gia khi họ không muốn bị ràng buộc về thời gian, điều kiện làm việc hoặc tiện chăm sóc gia đình, hoặc do họ không có khả năng tham gia các ngành đòi hỏi bằng cấp, chuyên môn kĩ thuật nên lựa chọn những công việc mới này như là nguồn sinh kế chính. Tuy nhiên, những loại công việc phi chính thức mới này cũng đặt ra thách thức đối với bài toán an sinh xã hội tương tự như với các loại hình lao động phi chính thức cũ, bởi tỷ lệ lao động tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội cũng rất thấp. Điều này đòi hỏi cần có chính sách thúc đẩy chính thức hóa loại hình việc làm dựa vào công nghệ này, tăng việc làm bền vững, an sinh xã hội bền vững khi dân số nước ta bước vào giai đoạn già hóa nhanh.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê thể hiện trong Bảng cho thấy, từ năm 2016-2023, lao động phi chính thức ngoài nông nghiệp vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn do dân số sống ở nông thôn cao hơn thành thị nên số người làm việc ở nông thôn cũng cao hơn ở thành thị (Tổng cục Thống kê, 2022). Khu vực nông thôn không có nhiều loại hình công việc phi nông nghiệp, lao động chủ yếu làm việc trong các làng nghề dưới dạng hợp đồng miệng do họ thường có mối quan hệ thân quen, hoặc là lao động dưới hình thức hợp đồng khoán việc, hợp đồng dịch vụ trong các công ty sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn (trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp sản xuất phải dịch chuyển ra ngoài các khu đô thị, dời về khu vực nông thôn nên tạo thêm nhiều việc làm hơn cho khu vực nông thôn). Với những lao động làm việc dưới hình thức hợp đồng khoán, hợp đồng dịch vụ thì người sử dụng lao động sẽ không có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, thậm chí người lao động phải tự lo cho các biện pháp an toàn lao động của mình. Do đó, việc tập trung lao động phi chính thức cao ở nông thôn cho thấy, lao động ở nông thôn đang chịu nhiều yếu thế hơn so với lao động hoạt động ở khu vực đô thị. Đồng thời, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra ở các địa phương thời gian qua đã làm chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp, nông thôn sang lĩnh vực công nghiệp dịch vụ ở các đô thị. Tuy nhiên, do không có trình độ chuyên môn nên lao động nông nghiệp thường chuyển từ trạng thái phi chính thức trong nông nghiệp sang trạng thái phi chính thức trong công nghiệp - dịch vụ hơn là sang khu vực kinh tế chính thức. Điều này lý giải tại sao tỷ lệ lao động phi chính thức phi nông nghiệp đang có xu hướng giảm nhẹ ở cả thành thị và nông thôn nhưng mức độ giảm ở nông thôn cao hơn so với thành thị (tương ứng là 2,4 điểm phần trăm và 5,2 điểm phần trăm).

Ở góc độ giới tính, tỷ lệ lao động nam giới có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp cao hơn nữ giới không đáng kể, cho thấy khả năng gia nhập vào thị trường lao động phi chính thức phi nông nghiệp là tương đối như nhau với cả nam và nữ. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của lao động phi chính thức nam luôn cao hơn nữ ở tất cả các ngành, tuy nhiên mức độ chênh lệch thu nhập của nam và nữ ở các ngành phi nông nghiệp chỉ xấp xỉ 1,5 lần, trong khi mức độ chênh lệch thu nhập của nam và nữ ở ngành nông lâm thủy sản lên tới 2,5 lần (Tổng cục Thống kê, 2022) cho thấy, bất bình đẳng thu nhập theo giới tính có xu hướng thu hẹp nếu chuyển dịch việc làm phi chính thức từ ngành nông nghiệp sang việc làm phi chính thức phi trong công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.

Xét theo cơ cấu độ tuổi của nhóm lao động phi chính thức ngoài ngành nông nghiệp cho thấy, năm 2021, có đến 88,5%[2] lao động phi chính thức phi nông nghiệp có độ tuổi từ 20-60 tuổi trong tổng lao động phi chính thức, nhóm tuổi dưới 20 tuổi và trên 60 tuổi chiếm 11,5%. Phân bổ về cơ cấu lao động phi chính thức theo tuổi như trên cho thấy sự phù hợp ứng với cơ cấu lao động chung, khi mà tỷ trọng tham gia lực lượng lao động và có việc làm của người lao động từ 20 -59 tuổi là lớn nhất. Nhóm những người trẻ tuổi (dưới 20 tuổi) thường vẫn đang đi học, nhóm tuổi trên 60 tuổi có xu hướng rời lực lượng lao động do tuổi tác và/ hoặc bệnh tật. Tuy nhiên, trong nhóm lao động phi chính thức phi nông nghiệp có độ tuổi trên 60 tuổi năm 2021 có tăng 1,9 điểm phần trăm so với năm 2016 (tỷ lệ này năm 2016 chỉ là 6,68%) (Tổng cục Thống kê, 2018). Điều này hàm ý, số lượng người già đang có xu hướng tiếp tục làm việc nhiều hơn trước, nhưng sức khỏe và những quy định về độ tuổi lao động làm tăng khả năng người già gia nhập đội ngũ lao động phi chính thức so với thời kì trước đây. Đây cũng là một hiện tượng cần lưu ý trong chiến lược tạo việc làm bền vững, an sinh xã hội bền vững cho mọi người trước xu hướng già hóa dân số tại Việt Nam thời gian tới đây.

Đặc trưng của việc làm phi chính thức là người lao động thường làm các công việc giản đơn, không yêu cầu trình độ kỹ năng, chuyên môn kỹ thuật cao. Do đó, tất yếu sẽ tồn tại mối quan hệ ngược chiều giữa trình độ chuyên môn kỹ thuật và tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (2022), lao động phi chính thức làm nghề giản đơn trong năm 2021 chiếm tỷ trọng cao nhất với 35,3% tổng lao động phi chính thức (gồm cả lao động có việc làm trong nông nghiệp và phi nông nghiệp); trong khi đó, các công việc yêu cầu trình độ cao, như: nhà chuyên môn kỹ thuật bậc cao, bậc trung chỉ chiếm 1,9%.

Ngược lại, đối với nhóm lao động chính thức, lao động làm các công việc giản đơn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (4,9%) và các công việc đòi hỏi trình độ quản lý, chuyên môn kỹ thuật bậc cao và bậc trung, thì lại chiếm tỷ trọng cao (32,8%). Mặc dù, tỷ trọng lao động phi chính thức theo trình độ chuyên môn kỹ thuật không tách riêng ở khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, nhưng điều này cũng thấy được xu hướng chung ở hai khu vực. Đối với khu vực phi nông nghiệp, tỷ trọng lao động phi chính thức không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ trọng lớn nhất, trong khi đó lao động phi chính thức có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc trung và bậc cao có tỷ trọng thấp nhất.

Mối quan hệ ngược chiều cũng diễn ra giữa trình độ học vấn và tỷ lệ lao động phi chính thức phi nông nghiệp. Mặc dù nước ta đã có những thành tưu ấn tượng trong việc phổ cập giáo dục cơ bản, nhưng đa số lao động phi chính thức của nước ta có trình độ học vấn từ tiểu học trở xuống (chiếm 72% tổng số lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp (ILO, 2021). Tỷ lệ lao động phi chính thức giảm khi trình độ học vấn tăng lên, chỉ có khoảng 5% lao động phi chính thức phi nông nghiệp có trình độ cao đẳng đại học.

Như vậy, khi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn, thì tỷ lệ lao động phi chính thức sẽ càng giảm. Do đó, một trong những nguyên nhân tỷ lệ lao động phi chính thức ở Việt Nam còn lớn là do trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động thấp thì việc chuyển dịch sang khu vực chính thức càng khó khăn hơn. Những lao động qua đào tạo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp trong khu vực chính thức hơn so với lao động chưa qua đào tạo hoặc trình độ lao động thấp. Trong khi đó, lao động chưa được đào tạo hoặc trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp sẽ khó có thể tiếp cận được với những công việc đòi hỏi có chuyên môn, tay nghề. Do đó, họ sẽ phải chấp nhận làm các công việc giản đơn, mang tính thời vụ.

Lao động phi chính thức nói chung phần lớn có trình độ học vấn thấp, không có chuyên môn kỹ thuật, đồng nghĩa với mức thu nhập bình quân của lao động thấp, chỉ bằng ½ thu nhập bình quân của lao động chính thức. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của nhóm lao động phi chính thức ngoài ngành nông nghiệp vẫn cao hơn gấp 1,5-1,8 lần thu nhập của nhóm lao động phi chính thức trong nông nghiệp. Trong đó, nhóm lao động phi chính thức trong ngành xây dựng có mức thu nhập bình quân cao nhất và thu nhập bình quân của lao động nam ở các lĩnh vực đều cao hơn của lao động nữ, nhưng mức độ chênh lệch thu nhập giữa nam giới và nữ giới trong nhóm ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ được rút ngắn (chỉ chênh nhau 1,5 lần) so với trong nhóm ngành nông nghiệp (chênh lệch 2,5 lần) (Tổng cục Thống kê, 2022).

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

Để nước ta sớm đạt mục tiêu việc làm bền vững, phát triển bền vững, thì cần thúc đẩy chính thức hóa lao động phi chính thức và có các chính sách hỗ trợ và quản lý lao động phi chính thức, theo đó, cần chú ý đến các giải pháp sau:

Thứ nhất, thúc đẩy phát triển giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp để nâng cao trình độ văn hóa và chuyên môn kĩ thuật của lực lượng lao động. Khi tỷ lệ lao động phi chính thức quan hệ nghịch với trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn kĩ thuật, thì việc phát triển giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, và chính sách hỗ trợ người học tiếp tục theo được các bậc học cao hơn (như hỗ trợ tài chính thông qua miễn giảm học phí, đầu tư công vào cơ sở hạ tầng giáo dục, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong hình thức học và dạy, chính sách khuyến khích học tập suốt đời….) sẽ làm tăng cơ hội tiếp cận việc làm chính thức cho người lao động mới gia nhập thị trường và tăng khả năng chuyển đổi từ công việc phi chính thức sang công việc chính thức cho các lao động phi chính thức hiện nay.

Thứ hai, bộ ngành, chính quyền có cơ chế thành lập các tổ, hội nghề nghiệp (đặc biệt là các hiệp hội ngành nghề dựa trên nền tảng công nghệ) ở các địa phương để tập trung, thu hút người lao động tự do tham gia hội nghề nghiệp để trao đổi thông tin, quản lý người lao động tự do thuận lợi hơn (ví dụ, cấp mã số cho người lao động như một số nước đã triển khai để quản lý định danh người lao động khi hành nghề, thuận lợi khi nhận hỗ trợ của Nhà nước, cũng như thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước một cách minh bạch, công bằng); đồng thời thông qua các tổ hội nghề nghiệp, nhà nước có thể hỗ trợ cung cấp các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và dịch vụ từ các công việc phi chính thức, từ đó cải thiện thu nhập và điều kiện sống cho lao động phi chính thức làm tự do.

Thứ ba, phát triển thị trường lao động, tăng cường vai trò của các trung tâm giới thiệu việc làm. Nhà nước có thể thành lập một trung tâm dịch vụ việc làm cấp quốc gia làm đầu mối thu thập, thông tin, tư vấn hướng nghiệp…, đồng thời luật hóa trách nhiệm báo cáo và đăng ký về thông tin tuyển dụng của các cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị hành chính sự nghiệp… cho trung tâm dịch vụ việc làm cấp quốc gia thông qua nền tảng công nghệ, internet. Từ đó, tạo một trung tâm dữ liệu việc làm quốc gia, là cầu nối giữa người sử dụng lao động (đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức trong khu vực chính thức) và người lao động, giảm tình trạng thông tin thị trường lao động không thông suốt, mất cân đối vùng miền, địa phương.

Thứ tư, triển khai đồng bộ các chính sách phục hồi và tăng trưởng kinh tế để tạo ra và gia tăng nhiều việc làm tốt cho thị trường lao động, bao gồm công việc trong khu vực chính thức và các công việc có điều kiện thu nhập và môi trường làm việc tốt hơn trong khu vực phi chính thức. Đồng thời, cần có chính sách tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm phi nông nghiệp trong khu vực nông thôn để tăng khả năng tiếp cận việc làm tốt ngoài ngành nông nghiệp của cả lao động nam và lao động nữ, rút ngắn khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa lao động phi chính thức nam giới và lao động phi chính thức nữ giới.

Đẩy mạnh các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã nông thôn và các chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, như: chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện để tăng cường công ăn việc làm bền vững và thu nhập ổn định cho người dân. Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ hình thành thị trường lao động dành riêng cho người cao tuổi trong bối cảnh dân số già hóa, tỷ lệ lao động là người cao tuổi ngày càng tăng lên và nhu cầu tiếp tục làm việc của họ tăng lên khi mà tuổi thọ và sức khỏe của người cao tuổi ngày càng cải thiện. Điều này đòi hỏi Nhà nước cần nhìn nhận nghiêm túc về việc có nên hình thành thị trường việc làm dành cho người cao tuổi, cũng như thay đổi chính sách lao động việc làm hiện nay theo hướng tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia công việc của họ sau khi đã đến tuổi nghỉ hưu để hài hòa giữa nhu cầu và khả năng có thể làm việc của người cao tuổi và lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức.

Nhìn chung, lao động phi chính thức phi nông nghiệp ở nước ta có sự khác biệt về giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, chuyên môn, khác nhau theo vùng miền, địa phương. Điều này hàm ý chúng ta không thể xây dựng một giải pháp phù hợp với tất cả. Khi thiết kế các chính sách nhằm giảm tỷ lệ việc làm phi chính thức, cần đảm bảo các chính sách đó phù hợp với từng điều kiện cụ thể tại các khu vực, lĩnh vực và nghề nghiệp khác nhau./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dix-Carneiro R., Goldberg R., Meghir C., Ulyssea G. (2021), Trade and Informality in the presence of labor market frictions and regulations, CEPR.

2. Fields, G. S. (1990), Labour Market Modelling and the Urban Informal Sector: Theory and Evidence, ILR Collection.

3. ILO (2018), Women and Men in the Informal Economy: A Statistical Picture (Third edition), Geneva, retrieved from https://www.ilo.org/global/publications/books/WCMS_626831/.

4. ILO (2021), Lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam: Xu hướng và các yếu tố tác động, ISBN: 978-92-2-034193-3, Bộ phận Việc làm, Thị trường Lao động và Thanh niên thuộc Ban Chính sách Việc làm của ILO, Ban Phân tích Kinh tế và Xã hội Khu vực thuộc Văn phòng ILO Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Văn phòng ILO tại Việt Nam.

5. Lewis, W.A. (1954), Economic Development with Unlimited Supplies of Labour, The Manchester School of Economic and Social, 22, 139-191.

6. Mukhopadhyay, I. (2022), Employment in the Informal Sector in India, Springer Nature, retrieved from https://doi.org/10.1007/978-981-15-0841-7.

7. Tổng cục Thống kê (2018), Báo cáo lao động phi chính thức 2016, Nxb Hồng Đức.

8. Tổng cục Thống kê (2022), Tổng quan về việc làm phi chính thức ở Việt Nam, Nxb Thanh niên.


[1] https://databank.worldbank.org/source/world-development-indicators#

[2] Tác giả tính toán dựa vào báo cáo của Tổng cục Thống kê (2018, 2022).

Ngày nhận bài: 10/5/2024; Ngày phản biện: 20/5/2024; Ngày duyệt đăng: 22/5/22024