Tích cực cải thiện môi trường đầu tư trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang đóng vai trò chủ lực trong thu hút đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc. Việc thu hút nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ vào các KCN thời gian qua đã minh chứng cho những nỗ lực của Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc trong việc tạo lập một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và hấp dẫn vào KCN.
Tạo dựng điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư
Một góc KCN Bình Xuyên II, tỉnh Vĩnh Phúc |
Với thông điệp “Thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của tỉnh Vĩnh Phúc”, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc nói riêng luôn sẵn sàng “Trải thảm đỏ đón nhà đầu tư” đến đầu tư, kinh doanh trong các KCN Tỉnh. Cùng với các chính sách đầu tư thông thoáng, hấp dẫn và minh bạch của chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc - Đơn vị được UBND Tỉnh giao nhiệm vụ quản lý và phát triển các KCN trên địa bàn đã phát huy cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả thực thi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp và nhà đầu tư phát triển, từ đó thúc đẩy tăng tốc thu hút đầu tư và phát triển các KCN trên địa bàn.
Năm 2021 nền kinh tế Việt Nam chịu tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, tỉnh Vĩnh Phúc cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn. Song tại các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, tình hình thu hút đầu tư và phát triển các KCN vẫn tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo đó, 09 tháng đầu năm 2021, các KCN trên địa bàn Tỉnh thu hút được 34 dự án đầu tư mới ở trong và ngoài nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 840,91 triệu USD và 4.848,51 tỷ đồng.
Những kết quả trên là cả quá trình cố gắng vượt bậc của Ban Quản lý trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Về công tác cải cách hành chính, trong 9 tháng đầu năm 2021, Ban đã trình UBND Tỉnh phê duyệt công bố thêm 08 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và nâng cấp 04 thủ tục hành chính mức độ 3 lên mức độ 4. Tính đến ngày 15/9/2021, Ban quản lý các KCN đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho 25 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban (chiếm 54% tổng số thủ tục hành chính), trong đó có 19 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư và 06 thuộc lĩnh vực lao động. 100% hồ sơ thủ tục hành chính được cập nhật đầy đủ vào phần mềm ứng dụng cho Bộ phận một cửa tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công theo quy định.
Tính đến ngày 15/9/2021, Ban đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến cho 1.565/1.609 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính tiếp nhận thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban đạt 97%; tỷ lệ thủ tục hành chính đến thời hạn giải quyết của Ban được giải quyết xong trước, và đúng hạn đạt 99,9%; tỷ lệ hồ sơ giao dịch (phí, lệ phí) được thực hiện thanh toán trực tuyến đạt 77%. |
Công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế 1 cửa và 1 cửa liên thông tại Trung tâm Hành chính của Tỉnh được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Theo đó, 100% hồ sơ TTHC được cập nhật đầy đủ vào phần mềm ứng dụng cho Bộ phận một cửa tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công theo quy định.
Cũng trong 09 tháng đầu năm 2021, Ban đã trình và được UBND Tỉnh phê duyệt 12 thủ tục hành chính và 12 Quy trình nội bộ giải quyết các thủ tục hành chính 4 tại chỗ tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của Ban.
Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, Ban Quản lý đã sử dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác tư vấn, hướng dẫn nhà đầu tư; triển khai các nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 (qua zalo, email...).
Triển khai việc truy cập Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ và Hệ thống báo cáo tỉnh Vĩnh Phúc. Xây dựng Kế hoạch thực hiện và phân quyền truy cập cho 02 lãnh đạo Ban để theo dõi, phê duyệt; 01 quản trị Hệ thống và 14 công chức thực hiện nhiệm vụ cập nhập và tổng hợp thông tin dữ liệu thực hiện nhiệm vụ báo cáo. Ban đã thực hiện báo cáo trên Hệ thống Baocao.vinhphuc.vn; baocao.chinhphu.vn đúng theo quy định từ tháng 6/2021, các báo cáo đáp ứng mục tiêu quản lý của UBND Tỉnh.
Với cố gắng trên, trong tháng 8/2021 Ban Quản lý được đánh giá cao nhất về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và thiết chế pháp lý trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh cấp sở.
Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đối với các vấn đề trong phạm vi, thẩm quyền quản lý tại Ban cơ bản đáp ứng được yêu cầu trước mắt của doanh nghiệp. Việc giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp được thực hiện kịp thời.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý còn triển khai tốt công tác tư vấn pháp lý và hỗ trợ dịch vụ cho doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực: Đất đai, tài nguyên, môi trường, đầu tư, xây dựng, lao động….
Nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, Ban Quản lý đã nhanh chóng phối hợp với các sở, ngành chức năng trong Tỉnh triển khai một loạt giải pháp thiết thực phòng chống dịch Covid-19 tại các KCN như: Xây dựng kịch bản, kế hoạch phòng, chống Covid-19 cho các KCN; kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 tại các KCN trong tình hình mới; thành lập các Tổ kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp trong KCN; tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch với các doanh nghiệp; thành lập Ban chỉ đạo, các tổ phòng, chống Covid-19 tại doanh nghiệp; đôn đốc, theo dõi các doanh nghiệp thực hiện đăng ký xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 100% công nhân, người lao động trong KCN và thực hiện đăng ký xét nghiệm đối với đối tượng mở rộng có nguy cơ nhiễm lây nhiễm SARS-CoV-2 của doanh nghiệp; phối hợp kiểm soát, nắm bắt các yếu tố có liên quan đến dịch bệnh của chuyên gia người nước ngoài, người lao động ngoại tỉnh, người đến/về Vĩnh Phúc từ vùng dịch bằng việc theo dõi lịch trình, bố trí chỗ ở để hạn chế ra/vào Tỉnh…
Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư trong các KCN
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc gặp mặt các doanh nhân đầu tư trên địa bàn Tỉnh năm 2021 |
Với những cố gắng nỗ lực của Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong các KCN trên địa bàn, Vĩnh Phúc đã và đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước.
Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã có 14 KCN được quyết định chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 2.773,948 ha (diện tích đất công nghiệp quy hoạch là 2.041,07 ha), trong đó có 08 KCN đã đi vào hoạt động.
Tính đến ngày 15/9/2021, các KCN đã thu hút được 404 dự án đầu tư FDI và DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 19.428,61 tỷ đồng và 5.378,43 triệu USD. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong các KCN giải quyết việc làm cho 106.064 lao động ở trong và ngoài Tỉnh.
Những kết quả trên cho thấy, các KCN đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, các dự án đầu tư trong các KCN Tỉnh góp phần đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu, đóng góp đáng kể trong tổng thu ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các KCN, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN.
Theo đó, những tháng cuối năm 2021, Ban phấn đấu thực hiện hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 01/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Đề án của UBND Tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; nâng cao số lượng và chất lượng các thủ tục hành chính thực hiện mức độ 4 và giao dịch thanh toán trực tuyến, tránh việc nhà đầu tư phải đi lại nhiều lần, từ đó nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Cùng với đó Ban Quản lý luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (trước, trong và sau khi dự án đi vào hoạt động). Tiếp tục triển khai tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và an toàn sức khỏe cho người lao động./.
Bình luận