Tích cực thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển các KCN tỉnh Hà Nam
| ||||||||
Thu hút đầu tư tăng mạnh Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam (Ban Quản lý) tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn. Ban Quản lý đã chủ trì, phối hợp đón tiếp nhiều đoàn khách, nhà đầu tư nước ngoài đến từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản… đến làm việc tại Tỉnh để tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư vào các KCN của Tỉnh. Đồng thời tham mưu cho UBND Tỉnh tổ chức thành công 2 đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và một số nước châu Âu (Đức, Hà Lan, Hungary) để giới thiệu, quảng bá môi trường đầu tư của Tỉnh đến các nhà đầu tư. Thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, gặp gỡ, trao đổi của Đoàn công tác, đã có nhiều nhà đầu tư bày tỏ mối quan tâm đối với tỉnh Hà Nam và lên kế hoạch nghiên cứu, khảo sát thực tế tại tỉnh Hà Nam để đầu tư các dự án về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, giáo dục đào tạo.
Với những cố gắng lớn trong công tác xúc tiến đầu tư của Ban Quản lý, kết quả từ đầu năm 2023 đến ngày 19/5/2023, các KCN trên địa bàn Tỉnh đã thu hút được 11 dự án, trong đó có 7 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 4 dự án đầu tư trong nước (DDI) với số vốn đăng ký lần lượt là 97,74 triệu USD và 500 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 9 lượt dự án (7 dự án FDI và 2 dự án DDI). Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm trong các KCN của Tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 là 110,75 triệu USD và 548,61 tỷ đồng. Về tình hình thực hiện vốn đầu tư, vốn đầu tư thực hiện của doanh nghiệp trong các KCN 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5.800 tỷ đồng (trong đó bao gồm 190 triệu USD của các dự án FDI), đạt 47,5% kế hoạch năm.
Các doanh nghiệp KCN duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 các doanh nghiệp trong các KCN tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của tình hình chính trị và kinh tế trên thế giới, nên nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng dẫn tới việc phải cắt giảm quy mô sản xuất. Tuy nhiên, các KCN cũng ghi nhận những nỗ lực lớn của các nhà đầu tư đã vượt qua khó khăn để tiếp tục triển khai và đưa dự án đi vào hoạt động. Từ đầu năm đến tháng 5/2023, trong KCN đã có thêm 13 dự án chính thức đi vào hoạt động, nâng tổng số dự án đã đi vào hoạt động của các KCN lên 444 dự án. Ước tính đến hết quý II/2023, giá trị sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN đạt được như sau: Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 82.000 tỷ đồng, đạt 49,7% chỉ tiêu kế hoạch năm; nộp ngân sách: ước đạt 3.000 tỷ đồng, đạt 42,8% chỉ tiêu kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu ước đạt 2 tỷ USD, đạt 47,6% chỉ tiêu kế hoạch năm. Luỹ kế đến nay, tổng số lao động đang làm việc trong các KCN tỉnh Hà Nam khoảng 89.532 lao động.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý nhà nước |
|
| ||||||
Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác quản lý nhà nước trong các KCN tỉnh Hà Nam được Ban Quản lý triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý: Quy hoạch, xây dựng, môi trường, lao động, cải cách hành chính…
Công tác quản lý quy hoạch được tăng cường đẩy mạnh, Ban Quản lý đã tập trung tham mưu UBND Tỉnh nội dung công việc sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN (tại Văn bản số 16/TTg-CN ngày 03/02/2023), theo đó bổ sung thêm 4 KCN mới (KCN Đồng Văn V, Đồng Văn IV, Kim Bảng I và Châu Giang I) của tỉnh Hà Nam với tổng diện tích 940ha vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam.
Hiện 4 KCN mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận (tại Văn bản số 16/TTg-CN ngày 03/02/2023), đã lập xong quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 của 3 KCN gồm: Đồng Văn V, Đồng Văn VI, Kim Bảng I và đang xin ý kiến các sở, ngành địa phương để trình UBND Tỉnh phê duyệt; còn lại KCN Châu Giang I đang tiến hành lập nhiệm vụ đồ án quy hoạch.
Như vậy, đến nay tổng số KCN trên địa bàn Tỉnh đã được Chính phủ chấp thuận phát triển là 12 KCN với tổng diện tích là 3.474ha. Cùng với đó hạ tầng các KCN đã từng bước được đầu tư mở rộng, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư. Các KCN mới, mở rộng đã đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng có đất sạch giao cho nhà đầu tư.
Dây chuyền lắp ráp xe máy của Công ty Honda tại KCN Đồng Văn II |
Công tác quản lý lao động được quan tâm chú trọng. Ban đã hướng dẫn các doanh nghiệp trong KCN thực hiện đầy đủ theo đúng quy định các thủ tục về quản lý lao động (giấy phép lao động cho người nước ngoài, đăng ký nội quy lao động, gửi thỏa ước lao động tập thể…). Các chế độ, quyền lợi của người lao động được quan tâm bảo vệ, kịp thời phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, công đoàn KCN trong việc giải quyết các mâu thuẫn phát sinh giữa người lao động và chủ sử dụng lao động.
6 tháng đầu năm 2023, Ban đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ về cấp giấy phép lao động: Cấp mới giấy phép lao động cho 211 người lao động nước ngoài, gia hạn giấy phép lao động cho 104 người lao động nước ngoài, cấp lại cho 27 người lao động nước ngoài.
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được xác định là một trong các nhiệm vụ thường trực của Ban Quản lý. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban đã tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI; giải đáp, tư vấn hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật lao động (tiền lương, chế độ chính sách, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài…); đề xuất UBND Tỉnh xây dựng nhà ở cho chuyên gia và người lao động, xây dựng các tuyến xe bus đưa đón người lao động.
Công tác quản lý tài nguyên, môi trường, xây dựng, đầu tư, cải cách hành chính, an ninh trật tự… nhìn chung có nhiều chuyển biến tích cực, theo đó:
Ý thức chấp hành quy định của pháp luật của các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, đặc biệt là việc chất hành pháp luật về môi trường, lao động…
Đến nay, tất cả các KCN đã đi vào hoạt động trên địa bàn Tỉnh đều đưa vào vận hành trạm xử lý nước thải tập trung đảm bảo chất lượng nước trước khi xả ra môi trường.
Thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế “một cửa” nên đã rút ngắn thời gian hơn so với quy định, tạo điều kiện thuận lợi, công khai, minh bạch cho nhà đầu tư.
Ban Quản lý phối hợp chặt chẽ với công an và chính quyền địa phương, bố trí cán bộ thường xuyên có mặt tại các KCN để theo dõi các hoạt động diễn ra tại KCN; do vậy công tác an ninh, trật tự trong KCN được duy trì, đảm bảo an toàn cho người và tài sản, không xảy ra hiện tượng gây rối, mất trật tự trong KCN.
Các dịch vụ khác phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp và người lao động như dịch vụ viễn thông, dịch vụ ngân hàng… tiếp tục được củng cố, nâng cao chất lượng cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Việc cung cấp điện cho các KCN ngày càng ổn định. Nước sạch cơ bản được cung cấp đầy đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng phục vụ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Nhà máy trong KCN Đồng Văn IV, tỉnh Hà Nam |
Phấn đấu thực hiện toàn diện và hiệu quả nhiệm vụ quản lý và phát triển KCN
6 tháng đầu năm 2023, Ban Quản lý cho biết tiếp tục quyết tâm phấn đấu thực hiện toàn diện và hiệu quả nhiệm vụ quản lý và phát triển KCN trên địa bàn. Về nhiệm vụ cụ thể như sau:
Công tác thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
Tổ chức 2 đoàn xúc tiến đầu tư tại Malaysia – Singapore và Hàn Quốc theo chủ trương, nội dung và thành phần theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Hà Nam tại Thông báo số 614/TB/TU ngày 09/02/2023.
Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính theo Chương trình, Kế hoạch đã đăng ký với Tỉnh; chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm, đầy đủ các cam kết của Tỉnh đối với các nhà đầu tư.
Chủ động rà soát, phân loại đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, qua đó có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ tuyển dụng cho các doanh nghiệp.
Đôn đốc các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng để có đất sạch giao cho nhà đầu tư thứ cấp.
Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND Tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 09/11/2021.
Công ty Phẩm Thuyên trong KCN Đồng Văn 4, tỉnh Hà Nam |
Công tác quản lý doanh nghiệp
Nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khôi phục sản xuất.
Rà soát, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của các dự án, các quy định về môi trường, xây dựng, lao động.
Công tác đầu tư công
Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng và hoàn thành đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng 2 dự án được UBND Tỉnh giao làm chủ đầu tư là: Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường 68m (đoạn từ Km2 + 420 – Km3+600); Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông kết nối từ QL38 đến Khu Đại học Nam Cao (đoạn Km1+200 - Km2+420 đường 68).
Hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phê duyệt và triển khai khởi công đầu tư xây dựng dự án: Nâng cấp, cải tạo kênh A4-8 đoạn từ cầu vượt Đồng Văn với quốc lộ 1A đến trạm bơm Hoành Uyển, kênh A4-6, kênh A4-8-29 để đảm bảo tiêu thoát nước cho KCN Đồng Văn I, Đồng Văn II, khu dân cư và phục vụ sản xuất nông nghiệp thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Tham mưu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch phân khu 1:2000 đối với các KCN Đồng Văn III phía Đông đường Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đồng Văn V, Đồng Văn VI, Châu Giang, Kim Bảng I.
Để đạt được hiệu quả các nhiệm vụ trên, theo Ban Quản lý cho biết cần thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tăng cường hỗ trợ các công ty kinh doanh hạ tầng giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng KCN, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhằm tạo mặt bằng sẵn có để tiếp nhận dự án đầu tư.
Hai là, phối hợp chặt chẽ, yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đặc biệt là việc cung cấp các dịch vụ về điện, nước sạch, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ba là, tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện các mục tiêu quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thực hiện rà soát, kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư về việc thực hiện dự án đúng theo nội dung giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp; kiểm tra các doanh nghiệp dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023.
Bốn là, tăng cường công tác quản lý về quy hoạch xây dựng, bảo vệ môi trường KCN, quản lý lao động, hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp về công tác phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các KCN.
Năm là, tiếp tục rà soát các dự án đầu tư không đảm bảo tiến độ, những dự án hoạt động không hiệu quả, tham mưu UBND Tỉnh hướng giải quyết phù hợp.
- Thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin, trao đổi với đại diện của các tổ chức xúc tiến đầu tư như: Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Bắc, Jetro (Nhật Bản), Kotra (Hàn Quốc)… để giới thiệu và mời các nhà đầu tư về đầu tư tại các KCN Hà Nam./.
Công ty Honda Việt Nam trong KCN Đồng Văn 2, tỉnh Hà Nam |
Bình luận