Tiến độ Dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giờ ra sao?
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông kết nối thông suốt từ Lạng Sơn đến Cà Mau, có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của từng địa phương và cả nước. Việc hoàn thành Dự án trong năm 2025 đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên tối đa nguồn lực và cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù (chỉ định thầu tư vấn, nhà thầu, giao các mỏ vật liệu…) để hoàn thành Dự án trong năm 2025.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Ảnh minh họa |
Còn 2 dự án chậm tiến độ
Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải, tình hình thực hiện Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại khoảng 0,102km/652,86km chưa bàn giao mặt bằng và 01/83 khu tái định cư chưa hoàn thành; về di dời hạ tầng kỹ thuật, hiện còn 201/735 vị trí đường điện, 7.121m/40.232m đường ống nước và 11.398/91.828m cáp viễn thông chưa di dời nhưng không ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án.
Ngoài ra, vẫn còn các tồn tại, vướng mắc một số hộ dân kiến nghị về bồi thường, hỗ trợ, chưa nhận đất tái định cư; một số mồ, mả chưa di dời…
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 3/2022, các đơn vị của Bộ đã phối hợp với các địa phương giải quyết được 4,16 triệu m3. Hiện tiếp tục giải quyết các thủ tục để cung ứng khối lượng còn lại khoảng 8,43 triệu m3 đất đắp tại 5 dự án thành phần; các địa phương cũng đang tích cực tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, dự kiến sẽ cơ bản cung cấp đủ nguồn vật liệu đắp nền đường trong tháng 3/2022.
Hiện nay, 1 dự án đã hoàn thành (Cao Bồ - Mai Sơn), 10 dự án đang triển khai thi công xây dựng; lũy kế khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay khoảng 31,1% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,41% so với kế hoạch; có 8 dự án đáp ứng và cơ bản đáp ứng tiến độ, 2 dự án chậm so với kế hoạch là Diễn Châu - Bãi Vọt và Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến nay chậm 8,89% giá trị hợp đồng so với kế hoạch điều chỉnh, nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn vật liệu đất đắp nền (thiếu khoảng 2,46 triệu m3; các nhà thầu chưa đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu).
Vì sao Diễn Châu - Bãi Vọt đến nay rất chậm?
Dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt dài khoảng 50 km, đi qua địa phận 2 tỉnh Nghệ An (44,4km) và Hà Tĩnh (4,9km). Để phù hợp với nhu cầu vận tải, giai đoạn 1 của dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 11.157 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng và nguồn vốn Nhà nước tham gia thực hiện khoảng hơn 6.067 tỷ đồng. Thời gian xây dựng dự án khoảng 3 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 6 tháng 8 ngày. |
Trong 2 dự án chậm tiến độ, Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt đến nay chậm 6,79% giá trị hợp đồng so với kế hoạch; nguyên nhân chậm tiến độ được đánh giá do doanh nghiệp dự án rất hạn chế về năng lực trong công tác quản lý, điều hành; chậm trễ trong công tác lựa chọn nhà thầu; các nhà thầu chậm trễ huy động nhân sự, máy móc, thiết bị để triển khai thi công.
Được biết, doanh nghiệp dự án tại dự án Diễn Châu - Bãi Vọt là Công ty Cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng. Liên danh các nhà đầu tư gồm: Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4 - Công ty TNHH đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng VINA2.
Dự án này đi qua 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với tổng chiều dài 48,3km, giai đoạn 1 của dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 11.157,8 tỷ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng, vốn nhà nước tham gia hơn 6.067 tỷ đồng. Thời gian xây dựng đoạn đường này là 36 tháng, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 6 tháng.
Đầu tháng 2 vừa qua, dự án đã được ký hợp đồng tín dụng với hạn mức được cấp là 3.560 tỷ đồng. Phần vốn còn lại, nhà đầu tư sẽ tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án để đảm bảo đủ vốn BOT là 5.090 tỷ đồng theo quy định hợp đồng.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, đến thời điểm hiện nay, các đơn vị thi công đã huy động 144 thiết bị các loại, triển khai thi công 27 mũi trên tất cả 4 gói thầu xây lắp. Tổng giá trị đạt được hơn 151 tỷ đồng, giá trị hợp đồng là 8.595 tỷ đồng, tỷ lệ đạt được là 1,77%.
Cụ thể, Công ty Hòa Hiệp với 7 mũi thi công, 52 thiết bị; giá trị đạt được hơn 62 tỷ đồng, giá trị hợp đồng 2.600 tỷ đồng, tỷ lệ đạt được là 2,39%. Công ty 456 với 4 mũi thi công, 20 thiết bị; giá trị đạt được hơn 13 tỷ đồng, giá trị hợp đồng là 645 tỷ đồng, tỷ lệ đạt được hơn 2%.
Công ty Đại Hiệp 2 mũi thi công, 12 thiết bị; giá trị đạt được hơn 29 tỷ đồng, giá trị hợp đồng là 605 tỷ đồng, tỷ lệ đạt được là 4,92%. Tổng công ty xây dựng Trường Sơn với 4 mũi thi công, 26 thiết bị; giá trị đạt được hơn 22 tỷ đồng, giá trị hợp đồng là 1.290 tỷ đồng, tỷ lệ đạt được là 1,77%.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4 với 7 mũi thi công, 34 thiết bị; giá trị đạt được hơn 16 tỷ đồng, giá trị hợp đồng là 1.270 tỷ đồng, tỷ lệ đạt được là 1,29%...
Để đảm bảo khối lượng thanh toán, đáp ứng điều kiện giải ngân vốn vay và vốn VGF vào tháng 5/2022, thì trong tháng 3/2022, các nhà thầu phải bổ sung thêm 18 mũi thi công…
Ngoài những kết quả đạt được, hiện tại trên công trường vẫn đang còn một số vướng mắc, như đến nay doanh nghiệp dự án chỉ mới nhận bàn giao mặt bằng khối lượng 44,62/49,30km (90,51%).
Khối lượng mặt bằng còn lại đang vướng chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng sản xuất và đất qua các khu dân cư, công trình hạ tầng kỹ thuật, mộ…
Các mỏ vật liệu đất đắp cơ bản đáp ứng, tuy nhiên phân bố không đều nên giá thành vận chuyển cao, một số mỏ có hiện tượng nâng giá nên rất khó khăn; các mỏ cát trữ lượng đáp ứng nhưng công suất khai thác của các mỏ thấp, nhà thầu phải sử dụng rất nhiều mỏ…
Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt đến nay chậm 6,79% giá trị hợp đồng so với kế hoạch. Ảnh: Báo Giao thông |
Chính phủ kiên quyết không cho lùi tiến độ
Tại phiên họp chiều ngày 18/2, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh yêu cầu từ nay đến cuối năm 2022 hoàn thành 361 km đường cao tốc, đưa vào khai thác, sử dụng. Cụ thể, các đoạn cao tốc đang thi công, yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2022 gồm: Đoạn từ Mai Sơn (Ninh Bình) - Quốc lộ 45 (Thanh Hoá) dài 63,37 km; đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế) dài 98,3 km; Đoạn Vĩnh Hảo (Bình Thuận) đến Dầu Giây (Đồng Nai) dài 199,8 km.
Đồng thời, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành 149 km trong năm 2023, gồm các đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (dài 43,28km); Nghi Sơn - Diễn Châu (dài 50 km); Nha Trang - Cam Lâm dài 49,1 km và Cầu Mỹ Thuận 2 dài 6,6 km.
Với mục tiêu trên, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương, các nhà thầu, đơn vị thi công quyết liệt hơn nữa. "Trên cơ sở công khai mục tiêu tiến độ đến từng tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm nếu vi phạm tiến độ"- Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là nút thắt về tiến độ hoàn thành Dự án. Hiện nay còn 08/12 địa phương chưa thành lập Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và Hội đồng giải phóng mặt bằng. Yêu cầu các địa phương này phải hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ đạo và Hội đồng giải phóng mặt bằng; bảo đảm mục tiêu, yêu cầu hoàn thành bàn giao 70% diện tích mặt bằng trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.
|
Các địa phương khẩn trương chỉ định đơn vị tư vấn (khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư...) theo Điều 1 Nghị quyết số 18/NQ-CP để kịp thời triển khai công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, mỏ vật liệu; tập trung hoàn thành thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước 31/3/2022.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương có văn bản thỏa thuận về hướng tuyến và công trình.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn các địa phương việc xác định, tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất (bao gồm đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ).
Bộ Quốc phòng chỉ đạo các Quân khu thỏa thuận hướng tuyến đối với các đoạn đi qua các khu vực công trình và đất quốc phòng quản lý.
Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện việc chỉ định thầu các gói thầu tư vấn theo quy định tại Nghị quyết số 18/NQ-CP.
Đối với các dự án thành phần thuộc giai đoạn 2017 - 2020, Phó Thủ tướng yêu cầu không được để chậm tiến độ đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ, trong đó năm 2022 hoàn thành các đoạn: Mai Sơn - Quốc Lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây (với chiều dài 361,47 km). Các địa phương đặc biệt lưu ý tiếp thu các ý kiến cụ thể của đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực, giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu bảo đảm tiến độ các dự án thuộc Dự án giai đoạn 2017 - 2020. Nội dung này đã được kiểm điểm tại nhiều cuộc họp, đề nghị các địa phương còn tồn tại (Nghệ An, Đồng Nai...) nghiêm túc thực hiện, tuyệt đối không để chậm trễ.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chủ đầu tư Dự án phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với Dự án quan trọng của quốc gia, khẩn trương kiện toàn bộ máy quản lý, điều hành của doanh nghiệp dự án; chỉ đạo các nhà thầu phải khẩn trương bố trí nhân lực, máy móc, thiết bị để triển khai thực hiện; lập tiến độ tổng thể, chi tiết (trên nguyên tắc bù đắp tiến độ bị chậm), kế hoạch từng tháng, từng tuần và kiểm soát tiến độ thực hiện hằng tuần đối với từng gói thầu.
Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến nay chậm 8,89% giá trị hợp đồng so với kế hoạch điều chỉnh, nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn vật liệu đất đắp nền (thiếu khoảng 2,46 triệu m3; các nhà thầu chưa đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu).
"Trong tuần này, lãnh đạo Bộ sẽ làm việc với Lãnh đạo cấp cao của các Nhà thầu thi công Dự án để yêu cầu các Nhà thầu ký cam kết hoàn thành các gói thầu đúng tiến độ; huy động tối đa mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công bù đắp khối lượng chậm tiến độ đảm bảo hoàn thành các gói thầu, dự án đúng tiến độ cam kết; kiên quyết có biện pháp xử lý đối với các Nhà thầu vi phạm tiến độ (cắt chuyển khối lượng, bổ sung thầu phụ, xem xét không cho tham gia các dự án do Bộ giao thông vận tải quản lý trong thời gian tới...)", lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Giai đoạn 2: Đến ngày 15/3, thẩm định và bàn giao cho địa phương được 133,8 km/12 dự án
Đối với giai đoạn 2021 - 2025, theo báo cáo của các Ban Quản lý dự án, đến nay, việc triển khai dự án cơ bản đang bám sát theo kế hoạch.
Tuy nhiên, khối lượng công việc còn lại phải hoàn thành để đảm bảo đủ điều kiện phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án còn rất lớn như thủ tục lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ; lập, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng; giám sát đầu tư cộng đồng; lập hồ sơ, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy; đánh giá tác động đến các dự án có liên quan. Vì vậy, cần có sự triển khai quyết liệt, có hiệu quả của các cơ quan, đơn vị.
Ngay sau khi có Nghị quyết số 18 ngày 11/2/2022 về triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan trực thuộc và các Ban Quản lý dự án, các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết.
Đồng thời, thành lập Tổ thẩm định dự án và văn bản chấp thuận định hướng một số nguyên tắc, giải pháp thiết kế lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế hình học và cắm cọc giải phóng mặt bằng và mốc lộ giới.
Hiện có 9/12 tỉnh có văn bản thỏa thuận hướng tuyến và công trình trên tuyến, 03 tỉnh còn lại là Bình Định, Hậu Giang, Kiên Giang; Quân khu 4, Quân khu 5 đang xin ý kiến Bộ Quốc phòng để có văn bản trả lời về hướng tuyến đi qua các khu vực đất và công trình quốc phòng.
Các Ban Quản lý dự án cùng tư vấn lâm nghiệp làm việc với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Kiểm lâm của 7/7 tỉnh có rừng và 12/12 tỉnh có đất lúa để cung cấp hướng tuyến, ranh giải phóng mặt bằng, đồng thời phối hợp trong công tác triển khai hiện trường. Các đơn vị xác định các vị trí cần điều tra và tiến hành đi thực địa.
Dự kiến sẽ hoàn thành hồ sơ chuyển mục đích cử dụng rừng và trình thẩm định trước ngày 20/3. Công tác thống kê diện tích đất rừng và đất trồng lúa nước 2 vụ cho dự án dự kiến hoàn thành 18/3, đồng thời hoàn thành báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định trước 31/3. Các công tác khảo sát địa hình, địa chất và thủy văn đươc yêu cầu hoàn thành trước 31/3.
Với công tác bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1, đến nay, các bản trình hồ sơ thiết kế cơ bản khoảng 174,8 km/12 dự án. Đến ngày 15/3, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận kết quả thẩm định và bàn giao cho địa phương được 133,8 km/12 dự án, còn lại 41km trình Bộ, nhưng chưa đủ điều kiện để chấp thuận./.
Bình luận