Tiền Giang phấn đấu GRDP 2017 tăng khoảng 8,5-9,0%
Những kết quả đạt được
Theo Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của UBND tỉnh Tiền Giang, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, theo giá so sánh năm 2010) ước cả năm 2016 đạt 52.430 tỷ đồng, tăng 8,5%, cao hơn năm 2015 (tăng 8,2%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 3,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 16,9%; khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm) tăng 7,9%. Tổng GRDP (giá hiện hành) năm 2016 dự kiến đạt khoảng 68.030 tỷ đồng.
Năm 2016, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng phi nông nghiệp và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 40,3% năm 2015 xuống còn chiếm 38,7%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng từ 25,0% lên 26,8%; khu vực dịch vụ giảm nhẹ, từ 34,7% xuống 34,5%, trong đó thuế sản phẩm chiếm 5,2%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 26.929 tỷ đồng, tăng 10,4%, đạt 101,2% kế hoạch. Năm 2016, thu hút được 27 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 9.898 tỷ đồng (tăng 1 dự án, tăng 94% về vốn đăng ký so với cùng kỳ); có 10 dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng là 1.440 tỷ đồng và 01 dự án trong KCN giảm vốn là 1.552 tỷ đồng; tổng cộng vốn đầu tư thu hút mới năm 2016 là 9.786 tỷ đồng.
Về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống hạn mặn có hiệu quả và là 01 trong 4 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngành nông nghiệp tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm (cả nước và vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều tăng trưởng âm) nên giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ước tăng 3,9% (năm 2015 tăng 4,6%), ước giá trị tăng thêm tăng 3,6% (năm 2015 tăng 4,4%); tập trung đầu tư, xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm toàn Tỉnh có 24 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, tăng 12 xã so với năm 2015.
Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 79.899 tỷ đồng (giá SS 2010), tăng 19,3% so với thực hiện năm 2015, đạt 104,4% kế hoạch năm. Là ngành tăng trưởng cao nhất trong tất cả các ngành kinh tế của Tỉnh.
Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ có nhiều tiến bộ, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giữ mức tăng trưởng khá, ước đạt 2,116 tỷ USD, đạt 100,8% kế hoạch, tăng 5,5% so thực hiện 2015. Lượng khách du lịch ước thực hiện trên 1,59 triệu lượt, đạt 104,6% kế hoạch, tăng 7,7% so thực hiện 2015. Sức mua tăng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 52.600 tỷ đồng, đạt 94,8% kế hoạch, tăng 13,0%.
Trong năm 2016, Tiền Giang thu hút được 27 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 9.898 tỷ đồng (tăng 1 dự án, tăng 94% về vốn đăng ký so với cùng kỳ); có 10 dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng là 1.440 tỷ đồng; nâng tổng vốn đầu tư thu hút được trong năm 2016 là 11.338 tỷ đồng, tăng 92% so năm 2015. Có 1 dự án trong khu công nghiệp giảm vốn là 1.552 tỷ đồng. Tính tổng cộng vốn đầu tư thu hút mới năm 2016 là 9.786 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tỉnh đã tổ chức triển khai nhiều giải pháp phát triển doanh nghiệp như: Tổ chức hội nghị phát triển doanh nghiệp Tiền Giang, trọng tâm là khởi nghiệp; 03 hội nghị đối thoại doanh nghiệp, 11 cuộc họp mặt doanh nghiệp hộ kinh doanh; ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 của Chính phủ... Trong năm 2016, tổng số doanh nghiệp thành lập mới là 560 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 3.466 tỷ đồng; so với năm 2015 tăng 13,6% về số doanh nghiệp và 92,1% về số vốn đăng ký. Quy mô thành lập mới tăng lên (6,9 tỷ đồng/doanh nghiệp so với 3,7 tỷ đồng/doanh nghiệp của năm 2015).
Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa phương năm 2016 đạt 6.590 tỷ đồng, đạt 135,8% dự toán cả năm, tăng 18,2% so thực hiện 2015; trong đó, thu nội địa 6.240 tỷ đồng, đạt 129,9% dự toán (đã bao gồm thu xổ số kiến thiết 1.300 tỷ đồng, đạt 130% dự toán), thuế xuất nhập khẩu 350 tỷ đồng (đạt 50% dự toán).
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực, công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Tiền Giang tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách giảm nghèo. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công. Lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; tình hình phòng chống dịch bệnh được theo dõi và giám sát thường xuyên. Các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao, thông tin tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, tập trung chào mừng các ngày lễ, Tết và các sự kiện quan trọng. Kết quả điều tra tổng số hộ nghèo năm 2016 theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2016-2020 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều), toàn Tỉnh có 23.758/459.596 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,17% và 17.500 hộ cận nghèo, tỷ lệ là 3,81%.
Thành phố Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang
Giải pháp phát triển kinh tế năm 2017
Năm 2017, Tiền Giang phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng hợp lý, cùng cả nước tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tái cấu trúc ngành công nghiệp gắn với tiếp tục triển khai thực hiện 05 đột phá của tỉnh, tăng cường thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, mở rộng và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, Tỉnh đưa ra các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thúc đẩy sản xuất các sản phẩm chủ lực theo phân vùng gắn với xây dựng nông thôn mới góp phần đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng tránh thiên tai, từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện đồng bộ giữa cơ cấu lại quy mô, sản xuất giống, kỹ thuật công nghệ, hình thức tổ chức sản xuất và thị trường.
Thứ hai, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tái cấu trúc ngành Công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, gắn với các lợi thế về phát triển nguồn nguyên liệu nông, lâm, thuỷ sản. Đồng thời, tập trung thu hút các doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với lợi thế của địa phương, ưu tiên lựa chọn các dự án có hàm lượng khoa học, công nghệ, có tỉ trọng giá trị gia tăng cao, đồng thời có hiệu quả đầu tư cao, tránh những dự án ô nhiễm môi trường và công nghệ lạc hậu.
Thứ ba, tăng cường hoạt động tiếp xúc doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện tính minh bạch. Phát huy tối đa lợi thế của cầu Mỹ Lợi, phát triển các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo động lực thúc đẩy Vùng kinh tế phía Đông của tỉnh (tiếp nhận dự án KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp để tiếp tục mời gọi đầu tư hạ tầng; triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, kêu gọi đầu tư CCN Gia Thuận 1, CCN Gia Thuận 2). Tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp để lấp đầy diện tích cho thuê.
Thứ tư, triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Phát triển mạnh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ có giá trị cao, có tiềm năng, lợi thế như: thương mại, du lịch, khách sạn và lưu trú, y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, vận tải,... góp phần nâng cao tỷ trọng khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, củng cố, mở rộng và phát triển thị trường mới, đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, có lợi thế của tỉnh.
Thứ năm, đẩy mạnh quảng bá và phát triển du lịch có hiệu quả, khai thác hợp lý các nguồn lực phát triển du lịch theo hướng bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững; đẩy mạnh liên kết vùng, tỉnh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế để tăng tỉ lệ khách du lịch đến Việt Nam; đồng thời, tạo động lực thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của các tour, tuyến, điểm du lịch cũng như hoạt động của cơ sở du lịch.
Thứ sáu, triển khai thực hiện nghiêm các chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất huy động và cho vay theo quy định; tiếp tục thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các thành phần kinh tế. Tăng trưởng tín dụng bền vững, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng theo chủ trương của Trung ương; giải quyết những khó khăn liên quan đến tài sản thế chấp. Mở rộng đối tượng, lĩnh vực cho vay, đặc biệt là ở khu vực nông thôn; hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới trong hoạt động sản xuất, tiêu dùng; đầu tư xây dựng các công trình công cộng. Nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; thực hiện đúng các quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro.
Thứ bảy, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã đề ra tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, ngày 28/4/2016 của Chính phủ và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp về đổi mới công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng trong và ngoài nước nhằm đa dạng hóa thị trường.
Thứ tám, tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo chuẩn đa chiều và các chương trình mục tiêu về an sinh xã hội; hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, thúc đẩy các kênh huy động vốn, phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tập trung giảm quá tải bệnh viện, thực hiện tốt quy tắc ứng xử và nâng cao y đức. Củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở, đầu tư trang thiết bị phù hợp với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và trình độ khoa học kỹ thuật của từng đơn vị y tế./.
Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2017 - Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng khoảng 8,5-9,0% so năm 2016. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm ngư nghiệp tăng 3,4-3,8%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 16,8-17,6% và khu vực dịch vụ tăng 7,6-8,0%. GRDP theo giá thực tế đạt khoảng 75.630-76.000 tỷ đồng. - Cơ cấu kinh tế: khu vực nông, lâm ngư nghiệp chiếm 36,7%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,5%; khu vực dịch vụ chiếm 34,8%. - Thu nhập bình quân đầu người dự kiến đạt khoảng 43,1 - 43,3 triệu đồng. - Tổng kim ngạch xuất khẩu 2,35 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2016. - Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa phương là 7.045 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 29.100-30.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 38,5-39,5% GRDP. - Năm 2017, có thêm 10-12 xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. - Tốc độ phát triển dân số khoảng 0,8%, giảm tỷ lệ sinh 0,1‰. - Giải quyết việc làm cho 20.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 150 lao động. Giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống còn dưới 3%. - Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 47%. - Giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) đến cuối năm 2017 giảm xuống còn dưới 4,37%. - Năm 2017, số bác sĩ/vạn dân dự kiến đạt 6,4 bác sĩ; số giường bệnh/vạn dân đạt 21,6 giường bệnh; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 12,86%; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi: 9,86‰; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi: 11,36‰; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 85%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 76,5% |
Bình luận