Tiếp tục khẳng định vai trò của các KCN, KKT đối với xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ; đại diện Bộ Tư pháp; về phía địa phương có đại diện lãnh đạo các Ban quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học; cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương.
KCN, KKT - “đầu tàu” không thể thay thế được trong sản xuất hiện đại
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, sau gần 30 năm kể từ khi KCX Tân Thuận - KCX đầu tiên của Việt Nam được thành lập, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển các KCN và KKT. Đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 369 KCN được thành lập với tổng diện tích gần 114 nghìn ha; 26 KKT cửa khẩu được thành lập với tổng diện tích khoảng 766 nghìn ha và 18 KKT ven biển được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 ngàn ha.
Những con số trên là minh chứng sống động khẳng định các KCN, KKT đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, thông qua việc thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu; đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách và tạo việc cho người lao động...
Bên cạnh những đóng góp thiết thực và hiệu quả nêu trên, việc hình thành và phát triển các KCN, KKT đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, trong đó có việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, phát triển đô thị, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, bảo vệ môi trường sinh thái, mở rộng quan hệ đối ngoại…
Việc phát triển mô hình KCN, KKT đã góp phần tích cực trong việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đổi mới thủ tục hành chính.
Toàn cảnh Hội thảo
Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, song việc phát triển KCN, KKT thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định, đó là quy hoạch phát triển KCN, KKT chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể; tại một số nơi quy hoạch và phát triển KCN và KKT sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư, chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường.
Đồng thời, việc tập trung các KCN tại một số địa phương, tuyến quốc lộ gây áp lực lớn về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực xung quanh KCN; mô hình phát triển KCN, KKT còn chậm đổi mới; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất tại KCN, KKT còn chưa cao; KCN, KKT phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong và ngoài KCN, KKT còn thấp so với nhu cầu.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, trên thế giới, các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển tiếp tục coi KCN và KKT là mô hình hiệu quả để phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư.
Các mô hình khu truyền thống hướng đến xuất khẩu và dựa chủ yếu vào ưu đãi về tài chính đang được chuyển đổi mạnh mẽ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh dựa trên mô hình quản lý tiên tiến; hợp tác, cộng sinh công nghiệp để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thúc đẩy chuyển đổi mô hình sản xuất, hợp tác kinh doanh, chuỗi giá trị toàn cầu; phương thức điều hành, tổ chức và huy động nguồn lực của doanh nghiệp, chuyển đổi doanh nghiệp từ số hóa đơn giản sang hình thức đổi mới sáng tạo dựa trên sự kết hợp nhiều loại công nghệ. Qua đó, ảnh hưởng đến mô hình, định hướng phát triển của KCN, KKT ở Việt Nam trong thời gian tới.
Về tình hình trong nước, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới, đòi hỏi phải đổi mới toàn diện và mạnh mẽ để trở thành một đất nước phát triển và hiện đại, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực. Điều này đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách và điều chỉnh mục tiêu, định hướng phát triển KCN, KKT để thích ứng với bối cảnh mới, góp phần thực hiện chiến lược phát triển đất nước. Hội thảo được tổ chức nhằm nhìn lại chặng đường phát triển của KCN, KKT trong 30 năm qua, đánh giá toàn diện kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để từ đó đề ra những giải pháp phù hợp.
Thứ trưởng Trần Duy Đông mong muốn bên cạnh các bài tham luận trình bày tại Hội thảo, các đại biểu cần tập trung thảo luận một số nội dung cơ bản sau: Đánh giá các kết quả đạt được, cũng như những tồn tại hạn chế và những bài học kinh nghiệm trong phát triển KCN, KKT tại địa phương; Đánh giá những tồn tại, hạn chế về phát triển KCN, KKT trong thời gian vừa qua và các nguyên nhân cơ bản, gồm các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT và tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư của các KCN, KKT của Việt Nam so với các nước; Kiến nghị những giải pháp thiết thực và đột phá nhằm xây dựng, phát triển KCN, KKT trong thời gian tới.
Chủ tọa điều hành Hội thảo
Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, trên cơ sở nội dung trao đổi tại Hội thảo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Báo cáo đánh giá tổng kết chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển của KCN và KKT và xây dựng Nghị quyết của Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cần đổi mới mô hình KCN, KKT hiện tại và phát triển một số mô hình KCN, KKT mới theo hướng sinh thái, hiệu quả cao hơn
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận vào 03 chủ đề: (1) Định hướng xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý đối với KCN, KKT thời gian tới; (2) Kiện toàn mô hình tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước đối với KCN, KKT; (3) Đổi mới mô hình phát triển KCN, KKT.
Theo đó, các bài tham luận trình bày tại Hội thảo và phần trao đổi, thảo của các đại biểu tập trung đánh giá những kết quả các KCN, KKT tại địa phương đã đạt được trong thời gian qua cũng như những tồn tại, hạn chế đang phải đang phải giải quyết liên quan đến thực trạng quản lý nhà nước về KCN, KKT; định hướng hoàn thiện khung pháp lý khung pháp lý về quản lý KCN, KKT; vị trí, vai trò tổ chức bộ máy của Ban Quản lý KCN, KKT; công tác cải cách hành chính, phối hợp liên ngành trong thu hút, hỗ trợ đầu tư vào các KCN...
Để hoàn thiện khung pháp lý về KCN, KKT trong thời gian tới, các kiến nghị của các đại biểu thống nhất cho rằng Chính phủ cần sớm xây dựng Luật KCN, KKT để xác định rõ vị tri, chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của các Ban Quản lý KCN, KCX, KKT; tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế “một cửa tại chỗ” tại các ban quản lý do chồng chéo giữa các Nghị định chuyên ngành; Cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tăng cường quản lý quy hoạch và môi trường...
Bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông ghi nhận và đánh giá cao tinh thần nhiệt tình, có trách nhiệm của các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, có giá trị về mặt thực tiễn, giúp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ chuyên ngành có những quyết sách đúng đắn về cơ chế chính sách phát triển KCN, KKT.
Thứ trưởng Trần Duy Đông tiếp tục khẳng định vai trò to lớn của các KCN, KKT trong 30 năm qua đối với công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là “đầu tàu” không thể thay thế được trong sản xuất hiện đại.
Để phát triển hiệu quả và bền vững các KCN, KKT trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, cần kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KCN, KKT ở cả Trung ương và địa phương theo hướng tinh gọn, một đầu mối, đủ thẩm quyền, đủ năng lực để triển các mô hình mới, tiếp cận phương thức quản lý nhà nước hiện đại.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của cơ quan nhà nước các cấp về vai trò, vị trí của KCN, KKT trong quá trình công nghiệp hóa đất nước; thống nhất chủ trương tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm xây dựng Ban quản lý KCN, KKT là cơ quan “đầu mối, tại chỗ” với thủ tục hành chính đơn giản; tăng cường sự phối hợp, hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương; nghiên cứu xây dựng Luật điều chỉnh hoạt động của KCN, KKT và mô hình khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế chính sách vượt trội; quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa- xã hội, nhà ở công nhân nhân trong các KCN; tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch trong KCN, KKT; nghiên cứu, rà soát, đơn giản hóa, rút gọn và minh bạch thủ tục hành chính áp dụng trong KCN, KKT: Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư hấp dẫn để thúc đẩy thu hút đầu tư trong và ngoài nước...
Hy vọng với những ý kiến đóng góp thiết thực và hiệu quả của các đại biểu tại Hội thảo sẽ là cơ sở và tiền đề quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện Báo cáo tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển các KCN, KKT một cách chính xác nhất, cụ thể nhất và hiệu quả nhất; đồng thời có các mục tiêu và giải pháp quan trọng để phát triển các KCN, KKT trong giai đoạn tới./.
Bình luận