CPI tháng 7 tăng 0,48% so với tháng trước

Báo cáo của Tổng cục Thống kê nhận định, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới, là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2024 tăng so với tháng trước.

Trong mức tăng 0,48% của CPI tháng 7/2024 so với tháng trước, thống kê cho thấy, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; riêng nhóm bưu chính, viễn thông ổn định giá.

Trong 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, thì nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,77%, chủ yếu do giá bảo hiểm y tế tăng 28,45% khi mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ chăm sóc người già tăng 2,5% so với tháng trước; sửa chữa đồng hồ đeo tay, đồ trang sức tăng 0,47%; hàng chăm sóc cơ thể tăng 0,24%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,3%.

Nhóm giao thông tăng 1,45%, làm cho CPI chung tăng 0,14 điểm phần trăm. Nhóm này tăng chủ yếu do: Giá dầu diezen tăng 4,07%; giá xăng trong nước tăng 3,55% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng. Giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 20,44%; đường sắt tăng 4,4%; vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 0,04%; vận tải hành khách kết hợp tăng 0,01%, do nhu cầu đi lại trong dịp hè tăng…

Tiếp đến là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,5%, chủ yếu do các nguyên nhân: Giá điện sinh hoạt tăng 1,39%; nước sinh hoạt tăng 0,22%; giá dầu hỏa tăng 4,02% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá thuê nhà tăng 0,2%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,08%. Riêng giá gas giảm 0,01% so với tháng trước do một số cửa hàng giảm giá để kích cầu tiêu dùng.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng 7 tăng 0,26%, đẩy CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,14%, trong đó giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 0,23%; nhà khách, khách sạn tăng 0,43% do tháng 7 học sinh nghỉ hè, nên nhu cầu đi du lịch của các cơ quan, doanh nghiệp và gia đình tăng cao.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,13%, trong đó giá khám chữa bệnh nội trú tăng 0,19%; dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 0,08%. Nguyên nhân do trong tháng 7/2024 tiếp tục có địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp…

Cũng theo số liệu thống kê, lạm phát cơ bản tháng 7/2024 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp tục kiềm chế lạm phát nửa cuối năm 2024
Bình quân 7 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023

Bình quân 7 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI, nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý

Tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024” do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức vào ngày 3/7/2024 vừa qua, PGS, TS. Vũ Duy Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, đưa ra 2 kịch bản dự báo về lạm phát năm 2024, cụ thể:

Kịch bản 1: CPI bình quân khoảng 3,95% (+0,25%) với giả định mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 6%-6,5% và không có sự biến động bất thường về địa chính trị và giá dầu trên thế giới.

Kịch bản 2: CPI bình quân khoảng 3,95% (-0,25%) với giả định mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt 6% và không có sự biến động bất thường về địa chính trị và giá dầu trên thế giới.

Dự báo diễn biến lạm phát nửa cuối năm 2024, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính Nguyễn Đức Độ cho rằng, CPI đạt đỉnh cỡ tháng 7, 8/2024 sau đó giảm dần. Về tổng thể, nếu không có điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn, lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4% (+/- 0,2%), tức là rơi vào kịch bản cao trong dự báo từ đầu năm 2024 là 3,0% (+/-0,5%).

Để kiềm chế lạm phát nửa cuối năm, đảm bảo thực hiện mục tiêu CPI bình quân từ mức 4% - 4,5% trong năm 2024, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng, Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất thấp và mở rộng tín dụng có kiểm soát.

PGS, TS. Vũ Duy Nguyên khuyến nghị, tuy nhiên, cần kiểm soát chặt chẽ về giải ngân tín dụng đúng mục đích và hiệu quả khi sử dụng vốn vào sản xuất, tiêu dùng nhằm đảm bảo sản lượng tổng cung và hiệu quả kinh doanh, gia tăng tổng cầu qua tiêu dùng cá nhân.

Bên cạnh đó, bình ổn thị trường vàng, thị trường ngoại hối và giá trị đồng tiền trong bối cảnh Chính phủ sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, đi ngược với xu hướng chính sách các nước trên thế giới. Đồng thời, chuẩn bị trước kịch bản ứng phó hiệu quả trước khả năng ngân hàng trung ương các nước lớn có chính sách hạ lãi suất.

Cùng với đó, thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. Các bộ ngành nên chủ động đề xuất các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, tránh dồn vào các tháng cuối năm 2024 (thời điểm chuẩn bị tết âm lịch 2025), hoặc dồn vào cùng một thời điểm để hạn chế tác động cộng hưởng, đồng thời giảm bớt áp lực cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát.

Chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra tại nhiều quốc gia có thể ảnh hưởng tới nguồn cung lương thực, thực phẩm toàn cầu và dịch bệnh trên vật nuôi. Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch, đầy đủ thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá./.