Tội phạm tham nhũng trong cơ quan phòng, chống tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp
“Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và có bước tiến mạnh, đột phá với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, ‘không có vùng cấm, không có ngoại lệ’; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm...”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết.
Nhận định trên được bà Nga chia sẻ khi trình bày ý kiến thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, tại Phiên họp thứ 15 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo này, diễn ra hôm nay (ngày 15/9), theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, việc thực thi pháp luật nói chung, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nghiêm (ảnh: Quốc hội) |
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, năm 2022, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, từng bước gắn kết đồng bộ giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực. Tuy nhiên, công tác này còn có những hạn chế, tính ổn định và khả năng dự báo chưa cao; một số quy định còn chưa đồng bộ, thống nhất. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý. Một số quy định còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung…
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, vẫn còn trường hợp các cơ quan thanh tra tại địa phương sau khi tiến hành thanh tra không phát hiện được vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan Ủy ban Kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra lại, thì các vi phạm này mới được phát hiện để chuyển cho cơ quan điều tra… |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp còn chỉ rõ, tình trạng trùng lặp, chồng chéo về đối tượng, thời gian thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với doanh nghiệp và cơ quan nhà nước vẫn xảy ra ở một số địa phương. Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Công tác giám định, định giá tài sản phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng còn chậm, một số vụ án phải tạm đình chỉ do chờ kết quả giám định, định giá... Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ còn hạn chế. Kết quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chưa cao, nhất là đối với số phải thi hành về tiền.
“Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng tiếp tục có những diễn biến phức tạp, do một số đơn vị chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; chưa quyết tâm và có biện pháp đủ mạnh trong tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…”, bà Nga nêu hiện trạng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức. Việc thực thi pháp luật nói chung, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nghiêm.
“Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả…”, bà Nga đề cập./.
Bình luận