Tránh tình trạng đầu tư theo phong trào
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo như vậy tại Tọa đàm Phát triển ngành công nghiệp bò và sữa hiện đại, hội nhập và bền vững tại Việt Nam, do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Hiệp hội Thịt - Gia súc Australia tổ chức ngày 09/11, tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi Tọa đàm
Nhiều cơ hội...
Tại buổi Tọa đàm, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thống kê hiện nay cho thấy, trên cả nước có khoảng 2,5 triệu hộ nuôi bò thịt và 24.000 hộ tham gia chuỗi sản xuất chăn nuôi bò sữa.
Về tiềm năng phát triển của ngành bò và sữa Việt Nam, Tổng Giám đốc ANZ Việt Nam, ông Dennis Hussey cho rằng, Việt Nam đang tiến bước trên con đường phát triển ngành công nghiệp bò và sữa mang tính hội nhập ở tầm cỡ thế giới. Điều này hứa hẹn tạo thêm nhiều việc làm tại khu vực nông thôn, cung cấp thực phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng, và hơn nữa là khả năng đưa Việt Nam trở thành một nước xuất khẩu thịt và sữa trong khu vực.
Từ năm nay, với việc hàng loạt các FTA được ký kết và có hiệu lực, ngành chăn nuôi bò thịt, bò sữa của Việt Nam sẽ đón nhận những cơ hội để phát triển như tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu để vươn ra thị trường thế giới, tiếp cận công nghệ hiện đại và giảm chi phí đầu tư, từ đó tạo động lực để thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
...nhưng không ít thách thức
Bên cạnh cơ hội, hội nhập cũng sẽ đem lại những thách thức rất lớn do chênh lệch trình độ, cạnh trạnh lớn khi “hàng rào” thuế quan dược dỡ bỏ và yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ phải kiểm soát chặt chẽ hơn.
Trong khi đó, ngành chăn nuôi của Việt Nam còn hạn chế về mặt chất lượng đầu vào giống vật nuôi để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, cũng như chi phí sản xuất cao.
Cùng chung quan điểm chất lượng giống bò còn kém, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng BIDV, cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc lai tạo cải thiện bò thịt, bò sữa để tiếp cận gần với tiêu chuẩn công nghệ quốc tế, nhưng trên thực tế, kết quả đạt được còn rất thấp. Các giống bò thuần chủng chưa nuôi được ở Việt Nam, trong khi giống bò lai chưa đảm bảo được yêu cầu về năng suất và chất lượng.
Bên cạnh đó, phương thức chăn nuôi, bò thịt và bò sữa tại Việt Nam vẫn chủ yếu là tận nuôi theo phương thức tập quán hộ, manh mún, thiếu sự liên kết chuỗi với các đơn vị sản xuất chế biến và chăn nuôi lớn. Vì thế, nhiều khâu sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu công nghiệp như về thức ăn chăn nuôi, công nghệ tự động hóa…
“Xét về năng lực sản xuất, hiện nay ngành bò sữa và bò thịt cũng còn ở mức độ rất hạn chế. Bên cạnh đó, sản phẩm của Việt Nam cũng chưa cạnh tranh được với hàng hóa nhập khẩu, từ giá cả, dinh dưỡng đến an toàn vệ sinh thực phẩm,” ông Hà cho biết.
Trên góc độ doanh nghiệp, ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sữa Hanoimilk cho rằng, khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa hiện nay là việc tiếp cận đất đai và vấn đề môi trường. Nếu có tiếp cận được thì chi phí để sử dụng đất cũng rất cao.
Về vấn đề chính sách hỗ trợ cho ngành chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân cho biết thêm: “Chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò của Chính phủ đã triển khai tương đối đồng bộ từ năm 2009, tuy nhiên, đến nay việc triển khai chính sách còn chậm”.
Nguyên nhân là do triển khai thực hiện chính sách ở các địa phương còn chậm do cơ quan tham mưu chưa chủ động, để cải thiện tình hình các địa phương cần phải bám sát vào chính sách để tổ chức triển khai. Bên cạnh đó là việc một số địa phương kinh phí còn hạn chế nên chưa triển khai được đồng bộ ảnh hưởng không nhỏ đến việc đưa chính sách vào thực tiễn.
Phải tránh tình trạng sản xuất phân tán, không hiệu quả
Chỉ đạo buổi Tọa đàm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, chăn nuôi bò và bò sữa là ngành có rất nhiều tiềm năng. Các cơ chế, chính sách của Chính phủ cho việc phát triển chăn nuôi và giống, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cũng đã có đầy đủ. Chính vì thế, ngành chăn nuôi bò và phát triển bò sữa theo chuỗi cần tập trung đầu tư, tránh tình trạng đầu tư theo phong trào, sản xuất phân tán, không hiệu quả.
“Thêm vào đó, chúng ta cần xây dựng một số dự án mẫu, điển hình để có cơ sở định hình, tập trung tháo gỡ rào cản trong sản xuất. Hình thành nền sản xuất quy mô lớn,ứng dụng khoa học kỹ thuật và từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Còn theo ông Hoàng Thanh Vân, ngành chăn nuôi bò và sữa cần triển khai nhanh việc tổ chức lại sản xuất; trong đó xây dựng chính sách hỗ trợ liên kết chuỗi sản xuất, hỗ trợ các hộ chăn nuôi phát triển gia trại, trang trại có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp.
Ngành chăn nuôi bò và sữa cần triển khai tổng thể các giải pháp từ quy hoạch đồng cỏ, nguồn thức ăn chăn nuôi tới các nhà máy chế biến, đảm bảo chuỗi giá trị sản phẩm. Các nhà máy nên tính toán tỷ lệ lợi nhuận giữa nhà máy và nông dân một cách hài hòa, hợp lý.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV cũng khuyến nghị, ngành chăn nuôi của Việt Nam cần hiện đại hóa công nghiệp chăn nuôi bò thịt và bò sữa ngay vào đầu năm 2016, đồng thời xác định cụ thể các đối tác, chú trọng về an toàn thực phẩm; tăng cường phát triển theo chuỗi, cũng như tạo chuỗi phát triển gia tăng, thu hút các doanh nghiệp lớn, để phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, đối với Nhà nước cũng cần phải có quy hoạch vùng chăn nuôi đủ rộng lớn, tại đó các doanh nghiệp có thể thuê đất dễ dàng, có hệ thống xử lý vệ sinh an toàn một cách đồng bộ. Những thuận lợi này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành.
Bình luận