Trong bài viết này, Nhóm nghiên cứu đưa ra tính toán cho thấy chiến lược xét nghiệm chọn lọc đối với người có triệu chứng kèm truy vết bình thường mà các quốc gia đang làm có hiệu quả hơn hẳn phương pháp xét nghiệm đại trà. Nhóm nghiên cứu sẽ phân tích sâu hơn từng biện pháp và sẽ hoàn thành toàn Cẩm nang chống dịch trong thời gian tới.

Hai chiến lược xét nghiệm

Truy tìm F0: Nên theo phương pháp xét nghiệm chọn lọc
Do TP. HCM phải duy trì tình trạng "ai ở đâu ở yên đó", nên phần lớn F0 chỉ tiếp xúc trong gia đình

Nhiều địa phương đã và đang triển khai xét nghiệm đại trà nhắm vào diện rộng của một vùng dân cư ngay cả khi người dân không có triệu chứng. Biện pháp này tuy được các nước giàu có thực hiện, nhưng không được khuyến khích bởi tổ chức y tế thế giới (WHO) vì không thể duy trì dài lâu, do nguồn lực về cả nhân lực và kinh tế cần thiết sẽ rất lớn. Dù có dùng biện pháp xét nghiệp đại trà hay không, WHO có hướng dẫn xét nghiệm chọn lọc kèm truy vết cho người dân có triệu chứng gần như là bắt buộc.

Theo dõi tại TP. HCM và các tỉnh trong hơn một năm qua có thể thấy, rất nhiều người F0 đã tạo thành ổ dịch lớn chỉ tình cờ bị phát hiện khi đi thăm khám bệnh định kỳ. Người dân vẫn chưa hiểu rằng nếu có triệu chứng cần phải đi khám làm xét nghiệm. Ngoài ra Bộ Y tế vẫn chưa có văn bản chính thức quy định yêu cầu người dân và gia đình họ phải khai báo y tế và tự cách ly tại nhà khi có triệu chứng bệnh. Đồng thời các trạm y tế phường phải được nhận chỉ thị làm xét nghiệm miễn phí cho bất kỳ người nào có triệu chứng.

Nhóm nghiên cứu tin rằng, việc triển khai khai báo toàn dân khi có triệu chứng là biện pháp đơn giản, nhưng có thể giúp chính quyền, cơ quan y tế phát hiện đầy đủ những đối tượng F0 không rõ nguồn lây, từ đó truy vết cụm ổ dịch sẽ giúp kiểm soát sớm các ổ dịch.

Ước đoán hiệu quả của 2 phương pháp

Xét nghiệm có chọn lọc kèm truy vết cho thấy hiệu quả cao hơn nhiều phương pháp xét nghiệm đại trà, cả về kinh phí và thời gian thực hiện. Chính quyền và ngành y tế cần chọn lọc phương pháp hiệu quả để thực thi nhiệm vụ phòng, chống Covid-19.

Với phương pháp xét nghiệm đại trà, sử dụng test nhanh (ít nhất 11 ngày; 27/8 -9/9) với độ nhạy 70%, đặc hiệu 97%, chúng ta sẽ phát hiện ra 28.000 người sau khi xác nhận bằng PCR.

Với phương pháp xét nghiệm chọn lọc vào người có triệu chứng kèm truy vết ước đoán hiệu quả như sau:

a- Hiệu quả của test vào nhóm có triệu chứng: theo y văn số ca đang có trong cộng đồng thì 40% có triệu chứng (https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0241536; https://www.cebm.net/covid-19/covid-19-what-proportion-are-asymptomatic/), trong đó 70% người dân sẽ hợp tác đi khai báo (J Community Health. 2020 Dec;45(6):1263-1269).

Với giả định có 40.000 người bị nhiễm, như vậy phương pháp này có khả năng phát hiện: 40.000 x 40% (có triệu chứng) x 70% (khai báo) x 70% (độ nhạy test nhanh) = 7.840 người F0 bóc tách ra khỏi cộng đồng (cách ly tại nhà).

b- Hiệu quả của truy vết: sau khi phát hiện F0, phải tiếp tục truy vết ngay. Tuy nhiên, thực tế tại TP. HCM đã không duy trì được việc này do cấp y tế phường đã bị quá tải. Nhóm nghiên cứu cho rằng, nếu chuyển nhóm nhân viên làm xét nghiệm đại trà sang làm công việc truy vết này thì hoàn toàn có khả năng. Thời gian truy vết sẽ mất 3 ngày.

Khác với truy vết tích cực tới F5 như trước đây khi số ca mắc còn rất ít, cách làm đề xuất hiện nay là chỉ truy vết F1. Mỗi ổ dịch (cluster) có khoảng 4 người nhiễm COVID (The median number of cases per cluster was 4: Disaster Med Public Health Prep. 2020 Oct;14(5):643-647). Nếu chúng ta chỉ lấy ra được 1/2 (50%), tức là lấy ra được 2 người trong mỗi ca F0 (index) từ 14.286 người F0 này qua truy vết, có thể sẽ phát hiện thêm 7.840 x 2 x 100% (nhạy của 2 test) = 15.680 người.

Tính tổng cộng chúng ta có thể phát hiện ra 15.680 + 7.840 = 23.520 người trong vòng 3 ngày. Vì vậy trong 1 chu kỳ của xét nghiệm đại trà, chúng ta có thể làm được tới 3 chu kỳ của xét nghiệm chọn lọc. Điều này chứng tỏ rằng, không cần dùng xét nghiệm đại trà, phương pháp xét nghiệm chọn lọc nhiều quốc gia đang áp dụng cho thấy hiệu quả hơn rất nhiều.

Đặc biệt, kinh phí xét nghiệm chọn lọc vào người có triệu chứng kèm truy vết thấp hơn rất nhiều so với phương pháp xét nghiệm đại trà. Cụ thể như sau:

Với xét nghiệm đại trà, Nhóm nghiên cứu chỉ ra các thông số: tổng số xét nghiệm test nhanh: 1.040.000; PCR: 58.000 (tổng số test nhanh dương tính) x 1/10 (mẫu gộp) = 5.800 test PCR.

Kinh phí = (135.000 VND (test nhanh) x 1.040.000) + (5.800 test PCR x 734.000 VND) = 140400 triệu VND + 4257 triệu VND = 144657 triệu VND, tức khoảng 145 tỉ VND.

Với xét nghiệm chọn lọc, các thông số sẽ là: test nhanh cho nhóm có triệu chứng 40.000 x 40% (có triệu chứng) x 70% (khai báo) = 11.200; test nhanh cho truy vết 7.840 F0 (index) x 10 (số người tiếp xúc gần) = 78.400. Tổng cộng PCR; (7.840 (của F0) + 78.400 (do truy vết))/10 (mẫu gộp 10) = 8.624 test PCR.

Kinh phí trong trường hợp này = (135.000 VND (test nhanh) x 78.400) + (8.624 test PCR x 734.000 VND) = 16.914 triệu VND ( khoảng16,95 tỉ VND).

Kinh phí nhân công truy vết (ngoại trừ người làm test) chiếm khoảng 20% tổng số tiền của xét nghiệm + truy vết, tức khoảng 4,42 tỷ đồng (https://fullfact.org/health/independent-sage-contact-tracing/). Theo đó, tổng kinh phí trong trường hợp xét nghiệm chọn lọc là 16,95 + 4,23 = 21,19 tỉ VND.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, phương pháp xét nghiệm có chọn lọc kèm truy vết đưa ra kết quả cao hơn nhiều phương pháp xét nghiệm đại trà, tính về mặt thời gian (23.520 người/3 ngày so với người 28.000 người/11 ngày) và kinh phí (21,19 tỉ so với 145 tỉ VND). Theo đó, chính quyền và ngành y tế cần cân nhắc, chọn lọc phương pháp hiệu quả hơn để thực thi nhiệm vụ phòng, chống đại dịch, nhằm tìm ra cách làm phù hợp nhất trong bối cảnh nguồn lực con người, vật chất rất hạn chế hiện nay.

*Lưu ý: Số người có triệu chứng có thể do hội chứng giống cảm cúm (không phải do COVID). Tỷ lệ mới mắc (incidence) của hội chứng giống cảm cúm là 1.889 tới 3.081 người trong 100.000 người dân trong 1 năm (the incidence rate of ILI per 100,000 populations ranged from 1,889 to 3,081 annually; https://www.tandfonline.com/doi/full/10.3402/gha.v7.23073).

Như vậy ta lấy số cao nhất thì ước đoán có 30.000 người trong 1 triệu dân trong 1 năm mắc cảm cúm. Hay chỉ có 30.000/365 x 3 (ngày) = 246 người có triệu chứng cảm cúm trong triệu dân trong 3 ngày làm xét nghiệm. Con số này quá nhỏ so với số lượng người có triệu chứng của COVID tại TP.HCM (> 10.000) cho nên ta có thể bỏ qua.

Bài viết dựa theo nghiên cứu khoa học của nhóm tác giả, không đại diện cho đoàn thể và cơ quan học tập/công tác.

Nguyen Tiến Huy (PGS, TS, BS, Đại học Nagasaki, Nhật Bản)

Trương Văn Đạt (DS, Đại học Y Dược TPHCM)

Nguyễn Hải Nam (BS, Đại học Kyoto, Nhật Bản)

Nguyễn Khởi Quân (BS, Khoa Y, Đại học Y Dược Huế)

Nguyễn Thanh An (BS, Khoa Y, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng)

Lê Văn Trường (BS, Bệnh viện Y Học cổ truyền Bộ Công An, Hà Nội)

Hà Xuân Nam (Khoa Y Tế Công Cộng, Đại Học Y Dược Huế)

Nguyễn Tiến Đồng (BS, Bệnh Viện Bạch Mai)

Lê Ngọc Bảo Trân (Trường phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc Gia TP. HCM)

Nguyễn Thanh Hoàng Mai (Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP. HCM)

Koki Shimizu (BS, Đại học Nagasaki, Nhật Bản)