Truy xuất nguồn gốc giúp Việt Nam xử lý vấn đề hàng giả, hàng nhái
Truy xuất nguồn gốc đã được triển khai mạnh mẽ
Theo Cục Xuất nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc đang là yêu cầu phổ biến đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Nguyên nhân bởi sự quan tâm của người tiêu dùng không chỉ giới hạn ở chất lượng hay mẫu mã, mà còn bao gồm cả các thông tin liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm và đưa sản phẩm đến khách hàng cuối cùng, đặc biệt với những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe như dược phẩm, thực phẩm, đồ uống...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, hiện nay rất nhiều nước đưa ra yêu cầu ngặt nghèo về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong sản xuất và thương mại. Điều này làm thay đổi toàn diện về tư duy quản lý không chỉ của nhà nước, mà còn tại doanh nghiệp, nông dân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội thảo
Đồng tình với quan điểm trên, bà Đặng Thị Phương Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Cofidec khẳng định: “100% các khách hàng nhập khẩu nông sản và thủy sản đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Canada, Mỹ… bắt buộc phải thực hiện truy xuất nguồn gốc nếu muốn xuất khẩu vào các quốc gia này. Trong đó, các khách hàng từ Nhật Bản có yêu cầu và hành động kiểm tra nghiêm ngặt trong vấn đề thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm”.
Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động còn khá mới, song đã và đang được triển khai nhanh chóng. Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến, người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác. Qua đó, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm có gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Đối với xuất khẩu, việc rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, ngoài cung cấp thông tin cho người tiêu dùng còn đảm bảo tính cam kết về sự minh bạch cũng như chịu trách nhiệm về thông tin của nhà sản xuất công bố trên nội dung mã truy xuất nguồn gốc. Các thông tin về truy xuất hàng hóa sẽ giúp xóa đi mặc cảm của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về dòng sản phẩm Việt Nam có chất lượng chưa cao, hay chưa tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế.
Hơn nữa, “trong bối cảnh độ mở nền kinh tế lớn, hoạt động xuất – nhập khẩu diễn ra mạnh mẽ, thì truy xuất nguồn gốc hàng hóa sẽ hỗ trợ Việt Nam xử lý vấn đề hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, tạo cơ hội lớn cho công nghệ kỹ thuật số, blockchain”, Thứ trưởng An nói.
Doanh nghiệp chưa hiểu hết tầm quan trọng
Tuy nhiên, bà Đặng Thị Phương Ninh chỉ ra, khi truy xuất nguồn gốc hàng hóa, yêu cầu quan trọng hàng đầu là phải xác định được đúng thời điểm ghi nhận thông tin đó, ví dụ như thời điểm xuống giống, thời điểm bón phân, thu hoạch... Nhưng hiện nay, phương pháp truy xuất nguồn gốc chủ yếu được thực hiện bằng cách người nông dân ghi chép sổ sách bằng tay rồi cung cấp cho doanh nghiệp và doanh nghiệp sử dụng lại, tạo thành thông tin truy xuất hàng hóa. Điều này dẫn đến tình trạng ghi thông tin sai lệch, chưa chính xác hoặc thậm chí không đúng sự thật.
Theo bà Ninh, nguyên nhân của vấn đề này nằm ở thời điểm phát sinh dữ liệu và ghi nhận diễn ra không đồng thời và cách thức lưu trữ truyền thống bằng hồ sơ, do đó dễ phát sinh nhầm lẫn, thay đổi thông tin. Hệ quả là các khách hàng nhập khẩu lẫn doanh nghiệp trong nước phải tiêu tốn rất nhiều công sức và tài chính để kiểm soát hệ thống truy xuất nguồn gốc truyền thống.
Bà Đặng Thị Phương Ninh chỉ ra những thách thức đối với truy xuất nguồn gốc hàng hóa
Hơn nữa, thực tế cho thấy, doanh nghiệp và người tiêu dùng hiện nay chưa hiểu hết ý nghĩa của truy xuất nguồn gốc, chưa hiểu đúng bản chất của truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể.
Giám đốc Trung tâm doanh nghiệp hội nhập và Phát triển, bà Phạm Thị Lý chia sẻ thêm, hiện nay, để các thông tin truy xuất nguồn gốc được cung cấp cho người tiêu dùng một cách chính xác, Trung tâm đã sử dụng GPS để định vị và nếu người nông dân thực hiện đủ các bước truy xuất nguồn gốc hàng hóa theo yêu cầu thì đã có thể thiết lập được nhật ký điện tử tự động thông qua định vị GPS. Các lịch sử đó cho phép truy xuất được ngày tháng năm nào, tọa độ ra sao, người nông dân nào áp dụng giải pháp gì cho sản phẩm.
Tuy nhiên, điều khó khăn khi triển khai giải pháp này là không phải bất cứ vùng nào cũng sẵn sóng 3G, wifi để áp dụng, mà chỉ áp dụng được cho một số đơn vị đã làm chuyên nghiệp.
Thực tế, việc truy xuất hàng hóa chung theo luật đã có, song áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng điện tử vẫn mang tính chất tự nguyện, động viên doanh nghiệp áp dụng. Trong bối cảnh nhu cầu của thị trường ngày càng đòi hỏi cao hơn, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc một cách hiện đại, tự động đang là đòi hỏi ngày càng cấp thiết, đồng thời giúp nâng cao uy tín, giá trị cho doanh nghiệp.
Thay đổi tư duy để nghiêm túc thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa
Theo bà Đặng Thị Phương Ninh, điều quan trọng nhất hiện nay là cần thay đổi tư duy để nghiêm túc thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Hiện nay, khách hàng vẫn chấp nhận việc có được những thông tin theo cách thủ công mà chúng ta đang áp dụng. Họ cũng đồng hành với doanh nghiệp Việt trong việc cùng đi kiểm soát quy trình sản xuất tại trang trại. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang có đòi hỏi ngày càng cao hơn nữa về việc truy xuất nguồn gốc và yêu cầu phải cập nhật kịp thời từng giây, từng phút. Sử dụng công nghệ thông tin để truy xuất bằng điện tử là giải pháp thay thế hữu hiệu, nhưng để thay đổi thói quen của người nông dân trong một sớm một chiều sẽ không dễ dàng.
“Đây là khó khăn, nhưng cũng là cơ hội cho doanh nghiệp phải thay đổi phương thức truy xuất nguồn gốc để phù hợp với yêu cầu mới. Nếu tất cả doanh nghiệp xuất khẩu làm được, nếu hàng hóa nội địa cũng làm được thì sẽ mang lại một tầm cao mới cho hàng hóa Việt Nam trên thế giới”, bà Đặng Thị Phương Ninh nhấn mạnh tại hội thảo.
Chia sẻ kinh nghiệm tại Australia, bà Amy Guihot, Tham tán nông nghiệp, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, truy xuất nguồn gốc là một phần quan trọng của hệ thống quản lý thực phẩm tại Australia. Đối với những doanh nghiệp chế biến thực phẩm, truy xuất nguồn gốc phải xác định được nguồn gốc của tất cả nguyên liệu đầu vào của thực phẩm, như nguyên liệu, chất phụ gia, các thành phần khác và quy cách đóng gối. Lấy ví dụ một chuỗi truy xuất nguồn gốc thịt bao gồm: truy xuất chăn nuôi; truy xuất thịt; truy xuất sản phẩm (thô); truy xuất thùng, phụ kiện đóng hàng; phân loại tại kho; kiểm tra khi vận chuyển.
Theo Tiêu chuẩn 3.3.2 của Bộ luật Tiêu chuẩn Thực phẩm, các thông tin bắt buộc phải có đối với truy xuất nguồn gốc đó là: tên và địa chỉ của nhà cung cấp và bản miêu tả sản phẩm hoặc nguyên liệu đầu vào; tên và địa chỉ của khách hàng và bản miêu tả sản phẩm cung cấp cho khách hàng; ngày giao dịch và giao hàng; chi tiết lô hàng; khối lượng và số lượng của sản phẩm khi cung cấp và khi giao hàng; bất kỳ hồ sơ sản xuất nào khác có liên quan.
Kinh nghiệm của Australia chỉ ra rằng, trong chuỗi giá trị thực phẩm “từ nông trại đến bàn ăn” (farm to fork), doanh nghiệp thực phẩm phải có trách nhiệm kiểm soát thực phẩm đó tại từng điểm trong toàn chuỗi: từ nông trại, vận chuyển, chế biến, bán lẻ hay bất cứ hoạt động nào khác.
Mặt khác, mỗi doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm có nghĩa vụ phải có một nhân viên giám sát an toàn thực phẩm để giám sát dây chuyền hoạt động tuân theo một kế hoạch quản lý rủi ro phù hợp với hoạt động đó./.
Bình luận