Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tăng giờ làm thêm
“Tại Phiên họp ngày 10/3, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Tờ trình về làm thêm giờ trong tháng, trong năm để phục hồi nền kinh tế-xã hội trong thời kỳ dịch Covid-19. Đề xuất này dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động và chính người lao động…”, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tại Phiên họp thứ 9, khi UBTVQH xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động, theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đề xuất tăng giờ làm thêm dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp và chính người lao động. Ảnh: QH |
Đồng tình với đề xuất của Chính phủ, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho rằng, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và người lao động. Vì vậy, đến lúc cần cơ chế linh hoạt để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, thu nhập cho người lao động sau khi nghỉ dịch, cũng như có giải pháp giữ chân được lao động khi quay trở lại làm việc. Vì vậy, cần tăng thời gian làm thêm tối đa trong 1 năm từ 200 giờ lên không quá 300 giờ, nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đồng tình với mức tăng thời gian làm thêm tối đa trong 1 năm từ 200 giờ lên không quá 300 giờ (150%); nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ. Chính sách làm thêm giờ cần công khai, minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. |
“UBTVQH cần thông qua Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động càng sớm càng tốt. Vì tăng giờ làm thêm thì tất cả các bên đều có lợi. Người lao động sẽ có thêm thu nhập bù đắp cho những ngày nghỉ vì dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập, điều kiện sống của gia đình. Doanh nghiệp cũng bù đắp được đơn hàng, duy trì và phát triển sản xuất. Điều này cũng đem lại tăng trưởng cho nền kinh tế của đất nước…”, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Lê Văn Nghị đề xuất.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, việc tăng giờ làm thêm theo nhu cầu của doanh nghiệp không phải lúc nào cũng như nhau, tùy từng tháng, từng thời điểm cần tăng lên nhiều. Tuy nhiên, có những tháng không cần phải tăng như vậy. Vì vậy, trong Nghị quyết cần đề cập tới sự linh hoạt trong việc thêm giờ làm việc của lao động, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Mặt khác, người chưa thành niên hay phụ nữ có thai, thì không áp dụng thời gian kéo dài, tăng thời gian làm thêm trong một tháng trên 40 - 60 giờ. Ngoài ra, cần lưu ý tới sức khỏe của người lao động có đáp ứng được việc kéo dài thời gian lao động không…
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc tăng giờ làm thêm của người lao động phải được xem xét dựa trên phản ứng của dư luận xã hội, người lao động như thế nào, nhu cầu thực tế của doanh nghiệp ra sao. Ảnh: QH |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc tăng giờ làm việc là bài toán tổng hòa cần được nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố. Một quyết sách liên quan không chỉ là vấn đề lao động, sản xuất, việc làm, sức khỏe của người dân, mà còn là vấn đề chính trị, vấn đề xã hội và nhiều vấn đề khác nữa. Đặc biệt, cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng dựa trên sức khỏe của người lao động khi bị mắc Covid-19, ảnh hưởng của hậu Covid-19, cũng như tỷ lệ tái nhiễm bệnh ra sao.
Sau quá trình thảo luận, UBTVQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động./.
Bình luận