Vẫn còn 23 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã chủ trì hội nghị.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã chủ trì hội nghị
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm (tính từ ngày 16/12/2014 đến 15/6/2015), toàn quốc xảy ra 11.179 vụ, làm chết 4.478 người, làm bị thương 10.149 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 1.648 vụ (-12,85%), giảm 211 người chết (-4,5%), giảm 2.114 người bị thương (-17,24%).
Báo cáo cũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2015 có 39 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm số người chết vì tai nạn giao thông, trong đó 8 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Cao Bằng, Tây Ninh, Bạc Liêu, Đồng Nai, Hà Giang, Ninh Bình, Sóc Trăng, Lâm Đồng. Đặc biệt, Cao Bằng giảm gần 50% số người chết do tai nạn giao thông.
TNGT đường bộ: 11.010 vụ, làm chết 4.337 người, bị thương 10.115 người. So với cùng kỳ, giảm 1.683 vụ (-13,26%), giảm 239 người chết (-5,22%), giảm 2.125 người bị thương (-17,36%). TNGT đường sắt: 112 vụ, làm chết 100 người, bị thương 29 người. So với cùng kỳ, tăng 28 vụ (+33,33%), tăng 21 người chết (+26,58%), tăng 11 người bị thương (+61,11%). TNGT đường thuỷ cũng tăng cả 3 tiêu chí với 47 vụ, làm chết 41 người, bị thương 5 người. So với cùng kỳ, tăng 05 vụ (+11,9%), tăng 7 người chết (+20,59%), không tăng, không giảm số người bị thương. TNGT hàng hải: 10 vụ, không có người chết và bị thương. So với cùng kỳ năm 2014, tăng 02 vụ (+25,00%). Hàng không xảy ra 192 vụ việc uy hiếp an toàn, trong đó có 41 sự cố mức C, D; 151 sự cố mức E; so sánh cùng kỳ giảm 100% sự cố mức B (không xảy ra), vụ việc mức C, D và E tăng 13,9%. |
Tuy nhiên, vẫn còn 23 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng, trong đó 12 tỉnh tăng trên 10% là: Hải Dương, Hà Tĩnh, Kon Tum, Bình Dương, Điện Biên, Bắc Ninh, Nam Định, Gia Lai, Bắc Giang, Trà Vinh, An Giang, Bắc Kạn.
Sau báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng - Phó Chủ tịch thường trực An toàn Giao thông Quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo 3 tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum và Đắk Nông báo cáo làm rõ về tình trạng một số thanh niên và học sinh quậy phá, “ném đá xe khách”, gây lo lắng và bức xúc trong nhân dân.
Giải trình với Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia về tình trạng “ném đá xe khách”, lãnh đạo 3 tỉnh nói trên cho biết các lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc và tất cả các đối tượng vi phạm đều được xử lý nghiêm theo luật định.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các tỉnh này cần lưu ý đến tình trạng không ít xe công nông (xe độ chế) chạy trên địa bàn vi phạm giao thông đường bộ; đồng thời cần làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục về an toàn giao thông với các hình thức đa dạng, có hiệu quả đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những hạn chế của công tác này: Số người chết 6 tháng chỉ giảm 211 người là quá ít, vẫn còn 12 địa phương có số người chết gia tăng, trong đó có nhiều vụ việc nghiêm trọng.
Phó Thủ tướng yêu cầu xác định rõ các trách nhiệm và nguyên nhân chủ quan để khắc phục (như chỉ đạo của một số địa phương còn chưa chặt chẽ) và cần rà soát lại công tác tuyên truyền cho có hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tiến hành rà soát, sửa đổi thể chế, văn bản quy phạm pháp luật đủ sức răn đe, giáo dục và nâng cao ý thức người vi phạm, nhất là các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tiếp tục tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông.
Các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần tổ chức thực hiện tốt công việc được giao.
Dư luận xã hội vẫn phản ánh và lên án về một bộ phận cán bộ thực thi công việc còn tham nhũng, tiêu cực, do đó Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, loại bỏ ngay những trường hợp vi phạm ra khỏi lực lượng./.
Bình luận