Vi phạm trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước có xu hướng tăng
“Trải qua gần 30 năm hoạt động, hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) ngày càng hoàn thiện, đồng bộ từ Hiến pháp, Luật KTNN, đến hệ thống chuẩn mực, quy trình, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của KTNN...”, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, khi chủ trì Hội thảo lấy ý kiến về dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN”, theo KTNN.
Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, trên thực tế các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN có xu hướng gia tăng và mang tính đặc thù như: hành vi từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của KTNN; báo cáo sai lệch, không chính xác, không đầy đủ thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của KTNN; không chấp hành quyết định kiểm toán; không lập và gửi đầy đủ, kịp thời báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán dự án đầu tư, kế hoạch thu - chi, báo cáo tình hình chấp hành và quyết toán ngân sách cho KTNN theo yêu cầu; không ký biên bản kiểm toán; không báo cáo hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán...
“Các hành vi trên đã gây cản trở hoạt động kiểm toán, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN và tính nghiêm minh của Luật KTNN…”, ông Tuấn nhìn nhận.
Theo Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN có tính đặc thù như báo cáo sai lệch, không chính xác, không đầy đủ thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của KTNN (nguồn: KTNN) |
Ngày 26/11/2019, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, trong đó tại khoản 3, Điều 1 của Luật đã bổ sung thẩm quyền “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN” cho KTNN theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Để triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, nhiệm vụ xây dựng Dự án Pháp lệnh “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước” là yêu cầu cần thiết, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN; tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật đối với đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực KTNN; nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của KTNN và tính nghiêm minh của pháp luật.
Trong quá trình xây dựng Dự án, KTNN đã phối hợp chặt chẽ với các ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ theo trình tự quy định. Để Dự án đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Tổng KTNN đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận và cho ý kiến đối với 3 nội dung trọng tâm: Xác định hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; tính tương ứng, mức độ phù hợp về mức phạt tiền với tính chất, hành vi các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; đề xuất thủ tục xử phạt phù hợp đối với KTNN là lĩnh vực có tính đặc thù, hoạt động mang tính chuyên môn.
Thay mặt Ban soạn thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, KTNN Vũ Thanh Hải cho biết, Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN được xây dựng trên quan điểm: xây dựng và phát triển KTNN thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công; tạo cơ sở pháp lý cho KTNN có quyền trong việc đề xuất xử lý hoặc xử lý các hành vi vi phạm Luật KTNN, có như vậy việc thực thi Luật mới nghiêm minh; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế và khuyến cáo của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Tại Hội thảo, có 14 ý kiến phát biểu trao đổi, thảo luận, tập trung vào nội dung cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan, làm rõ hành vi bị xử phạt hành chính; hình thức xử phạt hành chính, quy trình, mức phạt, thẩm quyền, các biện pháp cưỡng chế thi hành…
Phó Tổng KTNN Đặng Thế Vinh đề nghị Tổ biên tập tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Pháp lệnh cùng các hồ sơ, tài liệu liên quan. Thời gian tới, Ban chỉ đạo xây dựng Pháp lệnh, Ban soạn thảo và Tổ biên tập mong tiếp tục nhận được sự phối hợp, cộng tác của các chuyên gia, các bộ, ngành, địa phương để cùng KTNN xây dựng Pháp lệnh khả thi, đi vào thực tế…/.
Bình luận