Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít và yếu

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, sau gần 7 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cả nước hiện có 2.853 xã (31,96%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, 41 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp cả nước, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam.

Toàn cảnh Diễn đàn

Ông Ngô Tất Thắng , Phó chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, trong bối cảnh suy thoái của nền kinh tế, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn nhưng doanh nghiệp đã có những đóng góp rất tích cực vào xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tư duy phát triển nông nghiệp nhiều vùng nông thôn, điển hình như: Tập đoàn TH, Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk, Mía đường Lam Sơn, Bảo vệ thực vật An Giang... Đáng chú ý có những doanh nghiệp nhỏ như Doanh nghiệp Long Bình (tỉnh Long An) hàng năm tiêu thụ nông sản cho nông dân tới 150 tỷ đồng, tài trợ đến 52 tỷ đồng trực tiếp cho địa phương xây dựng nông thôn mới. Hay như doanh nghiệp Phan Hải ở vùng quê nghèo Quảng Bình đã tài trợ 70 tỷ đồng cho các công trình hạ tầng nông thôn mới ở địa phương...

“Các doanh nghiệp này đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, bao tiêu sản phẩm, tham gia tích cực phát triển chuỗi giá trị, khai thác tốt hơn và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, tăng thu nhập… xa hơn nữa là góp phần tích cực thúc đẩy tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đào tạo nên một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp hơn”, ông Thắng nói.

Tuy nhiên, ông Thắng thẳng thắn thừa nhận, trong nhiều năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2011-2015, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất ít. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản chỉ chiếm 0,96% tổng số doanh nghiệp (trong số này doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 3%). Tổng số vốn đầu tư cũng chiếm tỷ lệ rất thấp khoảng 1% và chỉ chiếm 2,3% về lao động. Bên cạnh đó, đa phần các doanh nghiệp lại phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung vào các vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ (chiếm tới 72,2%). Các khu vực khó khăn, như: Trung du, miền núi phía Bắc, Tây nguyên ở mức rất thấp (tương ứng là 7% và 11%). Trong khi đó, số doanh nghiệp báo lỗ trong năm 2013 lên tới 35,1%...

Đồng tình với đánh giá của ông Ngô Tất Thắng, ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, thuộc Viện Chính sách Chiến lược Phát triển nông thôn cho rằng, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất ít. Tính đến giữa năm 2016, Việt Nam chỉ có trên 4.000 doanh nghiệp nông nghiệp (chiếm dưới 1% trên tổng số 420.000 doanh nghiệp của cả nước); trong đó có tới 50% doanh nghiệp siêu nhỏ (dưới 10 lao động), các doanh nghiệp này không có cấu trúc rõ ràng, mô hình quản lý sơ khai và đặc biệt không có chiến lược kinh doanh và kế hoạch sản xuất.

“75% doanh nghiệp ở Việt Nam đang sử dụng máy móc khấu hao. Hoạt động đổi mới sáng tạo yếu, sản phẩm khoa học công nghệ còn ít, chưa có cơ chế để gắn kết giữa các chương trình nghiên cứu của các viện (sử dụng ngân sách nhà nước) với nhu cầu/địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp. Mức độ cơ giới hóa không đồng đều, đặc biết là tỷ lệ cơ giới hóa sau thu hoạch thấp. Tỷ lệ tổn thất trong và sau thu hoạch cao...” ông Phong nói.

Đánh giá về tình hình phát triển nông nghiệp nói chung, đạc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp, PGS, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế đặt câu hỏi: Chủ trương chính sách tốt, đúng, như vì sao doanh nghiệp nông nghiệp mãi không phát triển, vừa ít, vừa yếu. Đồng thời, ông Thiên cho rằng, nếu lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ thì việc phát triển nông nghiệp sẽ thất bại.

“Với Luật Đất đai như hiện nay doanh nghiệp có vào được không, với manh mún sở hữu như hiện nay, trình độ người nông dân như hiện nay thì doanh có vào được không? Với năng lực công nghệ như hiện nay, nếu cứ tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và vừa chắc là thua”, ông Thiên nói.

Chính sách cần đồng bộ

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp – Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương), chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thiếu tính đồng bộ, đơn lẻ, phương pháp xây dựng chính sách còn chậm đổi mới. Bên cạnh đó, năng lực quản lý của chủ doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế... là những nguyên nhân cản trở doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Do đó, ông Tiến cho rằng, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, cải thiện môi trường sản xuất, đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp để thu hút, hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Phải làm sao để người dân không thể giữ đất nếu không sản xuất, nhưng họ sẽ được hưởng lợi thỏa đáng khi chuyển quyền sử dụng đất

Đồng quan điểm trên, ông Ngô Tất Thắng cho rằng, Chính phủ cần xác định giá đền bù ruộng đất cho nông dân thỏa đáng, nhằm đảm bảo cho người dân yên tâm sau khi giao đất cho doanh nghiệp. UBND các tỉnh phải là trọng tài trong các dự án giao đất cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp vừa phải trả tiền cho dân mua đất lại phải trả tiền thuê đất.

“Chính sách tích tụ ruộng đất cần phải cụ thể, phải làm sao để người dân không thể giữ đất nếu không sản xuất, nhưng họ sẽ được hưởng lợi thỏa đáng khi chuyển quyền sử dụng đất. Việc này sẽ thúc đẩy người dân không sản xuất hoặc sản xuất không hiệu quả sẵn sàng nhượng lại ruộng. Đồng thời, chính sách phải giúp doanh nghiệp thuận lợi trong đầu tư mở rộng diện tích sản xuất.”, ông Thắng nói.

Ngoài ra, ông Thắng cho rằng, cần sửa đổi Nghị định 210/NĐ-CP nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Bởi đây là lĩnh vực mang lại rủi ro nhiều hơn các lĩnh vực khác.

“Cần hỗ trợ mạnh hơn vào hạ tầng cơ bản cho các dự án đầu tư vào các nông sản chủ lực với quy mô lớn. Theo đó, cần hỗ trợ ít nhất 20% kinh phí xây dựng các công trình hạ tầng cơ bản thiết thực, như: trồng trọt, chăn nuôi... Đồng thời, hỗ trợ ít nhất 30% phí bảo hiểm nông nghiệp (lần đầu) cho doanh nghiệp. Trước hết, ưu tiên những doanh nghiệp sản xuất phù hợp với đề án tái cơ cấu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các tỉnh, thành phố. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, cần hỗ trợ thêm về xúc tiến thương mại, khoa học kỹ thuật, chi phí đào tạo nghề...”, ông Thắng kiến nghị./.