Thuế, phí, Quỹ Bình ổn "ghìm" đà giảm của giá xăng dầu

Năm 2015, cơ quan quản lý giá mặt hàng xăng dầu tiếp tục được đánh giá là đạt hiệu quả khi đã điều hành theo diễn biến giá dầu thế giới. Theo đó, riêng mặt hàng xăng có 12 lần giảm giá và 6 lần tăng giá, góp phần kéo chỉ số giá giao thông giảm 11,92%.

Nếu so sánh với diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới, giá xăng dầu trong nước vẫn giảm chưa tương ứng. Theo tính toán, giá dầu thô đã giảm tới hơn 40% trong năm 2015, nhưng giá xăng bán lẻ trong nước chỉ giảm khoảng 12% và giá dầu giảm 30%.

Giải thích cho sự lệch pha này, trong Chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời ngày 10/01/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, giá dầu thô và giá bán lẻ là 2 khái niệm có quan hệ với nhau, nhưng không đồng nhất về tỷ lệ giảm. Dầu thô là nguyên liệu đầu vào của xăng dầu. Chi phí dầu thô trong giá xăng khoảng 40%, trong giá dầu là 50%; phần còn lại là các chi phí sản xuất, lưu thông, dự trữ và các loại thuế, phí.

“Do đó, không thể tính chênh lệch giá dầu thô giảm 40% thì giá bán lẻ xăng dầu cũng phải giảm tương ứng”, người đứng đầu Bộ Tài chính phân tích.

Theo Bảng giá cơ sở do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam công bố ngày 18/01/2016, tỷ lệ thuế phí trong các mặt hàng xăng dầu hiện rất cao. Cụ thể, với giá xăng A92 thế giới bình quân 15 ngày ở mức 48,593 USD/thùng, chi phí bảo hiểm và vận chuyển từ cảng nước ngoài về Việt Nam là 2,5 USD/thùng. Như vậy, giá xăng thực tế trước khi chịu thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ ở mức 7.105 đồng/lít. Sau khi chịu thuế 20% (với số tiền 1.421 đồng/lít) và 10% thuế tiêu thụ đặc biệt (tương đương 853 đồng), giá xăng bán lẻ trong nước phải gánh thêm 1.050 đồng chi phí định mức của doanh nghiệp.

Cùng với đó, người tiêu dùng phải trả thêm 300 đồng/lít trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, 300 đồng lợi nhuận định mức dành cho doanh nghiệp và 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường và 1.404 đồng tiền thuế giá trị gia tăng. Sau khi cộng hết các khoản, giá thành của xăng A92 là 15.442 đồng/lít.

Phân tích kỹ về cơ chế hoạt động của Quỹ bình ổn xăng dầu cho thấy, khi công bố số dư của Quỹ, Nhà nước và doanh nghiệp mới chỉ công bố con số cuối cùng mà chưa làm rõ phần thu quỹ, phần xả quỹ, phần lãi phát sinh trên số dư là bao nhiêu. Do đó, dễ dẫn đến nhiều thắc mắc trong người tiêu dùng - những người trực tiếp phải đóng Quỹ bình ổn giá qua giá xăng dầu.

Dẫn lời TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) trên Báo Người lao động điện tử, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã xuống dốc một cách báo động nên nhu cầu xả Quỹ để bình ổn giá bán lẻ trong nước là không có. Trong khi đó, Quỹ vẫn được trích lập đều đặn 300 đồng/lít bán ra, khiến số dư đội lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Như vậy, việc trích quỹ nữa là không cần thiết.

“Nói chung về lý thuyết, Quỹ bình ổn giá không phù hợp với điều kiện thị trường diễn biến theo một chiều trong thời gian dài. Khi giá tăng liên tiếp, phải xả quỹ lớn thì sẽ vỡ quỹ. Khi giá giảm liên tiếp thì Quỹ phình ra, còn người dân phải mua xăng đắt hơn giá đáng ra họ được hưởng. Như thế là làm mất cơ hội giảm giá xăng”, TS. Độ lập luận.

Như vậy, cề cơ bản, thuế, phí vẫn chiếm trên dưới 50% giá thành xăng dầu bán lẻ. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá xăng dầu trong nước không diễn biến theo đúng nhịp thế giới.

Trong khi đó, tại Mỹ, giá xăng ở quốc gia đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua, xuống mức dưới 50 cent (khoảng gần 2.800 đồng/lít xăng trong vài ngày gần đây). Ở Mỹ, giá xăng dầu chỉ phải chịu 2 mức thuế do địa phương và Chính phủ áp dụng. Thông thường, giá xăng ở Mỹ bình quân ở mức 2,09 USD/gallon (12.415 đồng/lít) tại New York.

Thay đổi để người dân được hưởng lợi

Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận, Nghị định số 83/NĐ-CP, ngày 03/09/2014 về kinh doanh xăng dầu vẫn còn một số điểm bất cập, có thể cải tiến, sửa đổi tiếp. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ này sẽ tính tới phương án điều chỉnh giá xăng dầu cập nhật hằng ngày mà không phải đợi chu kỳ 15 ngày như hiện nay. Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ thực hiện theo giá thế giới. Doanh nghiệp mua giá đắt sẽ bán giá đắt, mua giá rẻ sẽ bán giá rẻ ngay trong ngày thay vì tính điều chỉnh theo chu kỳ như hiện nay.

“Bộ Công Thương công bố các số liệu giá nhập khẩu hằng ngày trên trang điện tử, báo chí, người dân có thể truy cập và dựa vào công thức có sẵn để tính toán, giám sát. Ngoài ra, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu có thể sẽ được xem xét loại bỏ với điều kiện các hoạt động của doanh nghiệp và khâu hậu kiểm của cơ quan chức năng được tăng cường giám sát hơn nữa”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, theo PGS, TS. Ngô Trí Long, dựa trên diễn biến thực tế như hiện nay, nên dừng trích Quỹ 300 đồng/lít để giảm giá thêm cho người tiêu dùng.

Theo chuyên gia này, “trong kinh tế thị trường, cũng cần có quỹ bình ổn nhưng phải xác định rõ lúc nào cần có quỹ, lúc nào không cần có quỹ. Bộ Tài chính cần xem lại việc quản lý chi phí định mức hiện nay của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối. Ngoài ra, thực hiện quản lý giá xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng lại để cho doanh nghiệp luôn có mức lãi cố định 300 đồng/lít là rất vô lý. Đây là cơ chế áp đặt theo chủ quan. Ở đây việc chia sẻ lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân chưa thỏa đáng. Với người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay, việc để tình trạng như này là một thiệt thòi”, ông Long nói.

Nhiều tổ chức trên thế giới dự đoán giá dầu thô năm 2016 sẽ vẫn ổn định ở xu hướng thấp, chỉ trên dưới 30 USD/thùng. Với Việt Nam, dự toán ngân sách năm 2016 được Quốc hội thông qua đặt giá dầu ở mức 60 USD/thùng - tuy có phần hơi lạc quan so với diễn biến thực tế những ngày đầu năm nhưng vẫn rất thấp so với giá 100 USD/thùng vào 2 năm trước. Do đó, giới chuyên gia cho rằng, nên yên tâm với một chu kỳ giá dầu ở mức thấp lâu dài và tận dụng nó để kích thích kinh tế phát triển bằng cách bớt dần thuế, sử dụng Quỹ bình ổn là không cần thiết và giảm giá xăng dầu nhiều nhất có thể.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, không nên lạm dụng thuế, phí để tận thu mà Nhà nước cần có chính sách kích thích các nguồn thu khác một cách tích cực. Chẳng hạn, giảm giá xăng thì doanh nghiệp làm ăn tốt hơn, nộp thuế nhiều hơn. Đây cũng là một giải pháp tích cực và thuyết phục hơn./.

Tài liệu tham khảo

http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/gia-xang-dau-the-gioi-giam-sau-gia-trong-nuoc-van-ngat-nguong-963348.tpo

http://nld.com.vn/kinh-te/thue-phi-ghim-gia-xang-dau-20160122221124881.htm

http://dantri.com.vn/kinh-doanh/choang-voi-gia-xang-re-nhu-rau-o-my-20160120092523957.htm