Xuất khẩu điều số 1 thế giới

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), ngành xuất khẩu hạt điều cả nước năm 2017 vừa qua đạt 353.000 tấn, kim ngạch lên đến 3,52 tỷ USD, tăng 1,9% về khối lượng và tăng 23,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc vẫn duy trì là ba thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam.

Dự báo, nhu cầu sử dụng hạt điều trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng khoảng 10% mỗi năm. Còn theo Hội đồng Hạt và Quả khô quốc tế (INC), hạt điều đang chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường hạt khô toàn cầu với tổng giá trị khoảng 30 tỷ USD/năm.

Với kết quả của năm 2017, Việt Nam vẫn tiếp tục là nước giữ vị trí số 1 thế giới về chế biến và xuất khẩu nhân điều. Hạt điều đồng thời cũng đứng đầu “bảng tổng sắp” trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, xếp trên cả rau quả, cà phê, lúa gạo và hồ tiêu.

Ngành điều với nỗi lo "khát'" nguyên liệu

Thế nhưng, với người trồng điều trong nước, sản lượng năm 2017 vừa qua chỉ còn bằng 50% so với năm 2016. Bên cạnh yếu tố kỹ thuật do mùa vụ chậm lại 30 ngày, cây điều còn gặp thời tiết bất thuận. Các loại sâu bệnh bùng phát khiến nông dân trồng điều nhiều nơi mất mùa 100%. Năng suất những nơi giàu kinh nghiệm, còn thu hoạch được, cũng chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm trước. Chất lượng hạt điều cũng giảm hẳn so với mọi năm.

Nỗi lo lệ thuộc nguồn nguyên liệu

Hội đồng Hạt và Quả khô quốc tế (INC), dự báo nhu cầu sử dụng hạt điều trên toàn cầu tiếp tục tăng sẽ là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu điều Việt Nam trong những năm tới.

Trong năm 2018, các doanh nghiệp trong ngành đề xuất toàn ngành thống nhất mục tiêu giảm lượng và tăng chất trong chế biến xuất nhập khẩu điều. Cụ thể, sản lượng chế biến xuất khẩu giảm từ 350.000 tấn điều nhân các loại năm 2017 xuống còn 300.000 tấn năm 2018. Tương ứng kim ngạch xuất khẩu nhân điều giảm từ 3,5 tỷ USD xuống còn 3 tỷ USD.

Lý do chính các doanh nghiệp đưa ra là do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ, trong khi giá nhập khẩu quá cao và chất lượng kém. Vì vậy, ngành điều sẽ tập trung giảm lượng tăng chất, chế biến sâu và phát triển thị trường nội địa.

Dẫn lời ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam trên Báo điện tử Chính phủ cho hay, nếu như ở nhiều ngành công nghiệp chế biến khác, thách thức lớn nhất là đầu ra thì với ngành điều, thách thức lớn nhất lại ở nguồn nguyên liệu đầu vào.

Hiện phần lớn nguồn điều thô nguyên liệu làm nên “kỳ tích” xuất khẩu cho ngành điều Việt Nam lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngay tại thị trường trong nước, giá mua vào điều thô cũng cao hơn 30% so với một năm trước đó.

Dẫn lời ông Trần Văn Hiệp, Trưởng ban Xúc tiến thương mại Vinacas trên Báo điện tử VnEconomy cho hay, năm 2017, cả nước chế biến hơn 1,6 triệu tấn nguyên liệu, nhưng nguồn cung nội địa chỉ có 220.000 tấn, còn lại phải nhập khẩu hết!

Bởi vậy mới có nghịch lý là trong khi đang “lên như diều gặp gió”, thì ngành điều lại đặt mục tiêu giảm lượng chế biến - xuất khẩu năm 2018 về còn 300.000 tấn, tức thấp hơn năm trước 14%. Lý do chính theo Vinacas là vì “ngành điều chưa chủ động được nguyên liệu tại chỗ, giá nhập khẩu quá cao mà chất lượng hàng lại kém. Vì vậy cần “giảm lượng để tăng chất”, hướng vào chế biến sâu và phát triển thị trường nội địa.

Theo thống kê từ Vinacas, hiện phần lớn điều thô nguyên liệu đều được nhập khẩu từ các nước châu Phi. Trong đó, riêng Bờ Biển Ngà chiếm đến 35% tổng lượng điều thô nhập về Việt Nam. Tuy nhiên, giao dịch với thị trường châu Phi là những hợp đồng có nhiều rủi ro nhất. Hiệp hội đã có cảnh báo đến doanh nghiệp hội viên thường xuyên, nhưng trước áp lực về nguyên liệu, khấu hao tài sản, việc làm cho công nhân… nên nhiều doanh nghiệp vẫn phải “liều”.

Đâu là lời giải cho “bài toán” nguồn cung?

Với rất nhiều rủi ro như vậy, làm sao để ngành xuất khẩu nhân điều Việt Nam không còn phụ thuộc quá lớn vào các nhà cung cấp từ châu Phi mà vẫn có thể đứng vững ở vị trí hàng đầu thế giới? Chuyện đi tìm lời giải cho bài toán nguồn cung lại càng trở nên cấp bách hơn với ngành điều Việt Nam khi Bờ Biển Ngà tuyên bố đến năm 2020 sẽ chế biến toàn bộ điều thô sản xuất được trong nước. Hụt mất 35% nguồn cung chỉ trong vòng 3 năm tới, ngành điều Việt Nam sẽ ra sao?

Theo Vinacas, để ngành điều vẫn phát triển ổn định thì cơ cấu nguyên liệu cần xoay chuyển ngay trong vài năm tới. Trước mắt ngành điều đang tập trung hợp tác với Camuchia trong Chương trình trồng điều quy mô lớn ở nước này. Theo đó, Vinacas sẽ hỗ trợ Campuchia tuyển chọn giống, đưa giống từ Việt Nam sang, chuyển giao công nghệ trồng trọt và bao tiêu đầu ra.

Hiện Campuchia mới chiếm 7% thị phần điều thô nhập khẩu vào Việt Nam. Nhưng nếu đề án trồng điều của nước này diễn ra đúng kế hoạch để đạt sản lượng 1 triệu tấn điều thô trong 10 năm tới, đồng thời Việt Nam cũng hoàn thành mục tiêu có 500.000 ha trồng điều thì cơ bản ngành điều trong nước sẽ có đủ nguồn cung nguyên liệu. Tất nhiên, vị chủ tịch Vinacas cho rằng đây chỉ là “giả thuyết” nếu cả nước chỉ vẫn dừng lại ở mức sản xuất chế biến khoảng 2-2,5 triệu tấn điều thô mỗi năm.

Hiệp hội Điều Việt Nam cũng kiến nghị Nhà nước có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chế biến, xuất khẩu đạt mục tiêu đã đề ra.

Như hỗ trợ doanh nghiệp các chương trình khuyến công, đầu tư, mở rộng sản xuất, hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch hơn, đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp ngành điều xây dựng thương hiệu quốc gia và thương hiệu thực phẩm Việt Nam. Hỗ trợ các doanh nghiệp ngành điều và Hiệp hội tiếp cận thương mại điện tử và kinh tế số để theo kịp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0...

Do sức khỏe của cây điều bị suy yếu trầm trọng, Vinacas cho rằng, cần có những giải pháp kinh tế, kỹ thuật để giúp tái sinh, phục hồi, làm cho cây điều sinh trưởng tốt để có thể tiếp tục cho thu hoạch vào niên vụ 2018.

Cụ thể, đối với những ổ sâu róm đang tồn tại ở hầu khắp các tỉnh trồng điều, cần tiêu diệt triệt để nhằm tránh khả năng phát thành dịch bệnh cho các niên vụ sau. Về lâu dài cần có giống tốt thích nghi hơn với kiểu thời tiết cực đoan như các năm gần đây.

Đồng thời cần hỗ trợ nông dân hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp chế biến điều theo hướng sản xuất sạch hơn và hướng đến thị trường.

Liên quan đến bài toán nguyên liệu, tháng 12/2017, Vinacas đã phối hợp với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia và các doanh nghiệp nước này xây dựng vùng nguyên liệu 1 triệu tấn điều ở Campuchia trong thời gian tới.

Campuchia là một trong những nước sản xuất điều thô có chất lượng khá tốt, điều kiện khí hậu lại khá phù hợp. Bộ Nông lâm ngư nghiệp Campuchia cũng rất quan tâm đến việc trồng mới cây điều.

Vinacas đã đi khảo sát, làm việc với Bộ Nông lâm ngư nghiệp Campuchia và một số doanh nghiệp nước bạn đề xuất hợp tác trồng 500.000 ha điều. Vinacas và các doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam sẽ thu mua toàn bộ lượng điều nguyên liệu từ Campuchia sản xuất./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Xuat-khau-dieu-so-1-the-gioi-Vua-mung-vua-lo/327935.vgp

http://vneconomy.vn/nganh-dieu-dat-muc-tieu-ha-kim-ngach-xuat-khau-xuong-3-ty-usd-2018012409301078.htm

http://www.baohaiquan.vn/pages/vi-sao-xuat-khau-dieu-thut-lui-trong-2018.aspx