Lạm phát - biến số khó lường trong năm 2016
Tại buổi công bố Báo cáo vĩ mô quý I/2016, chiều ngày 12/4/2016, TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, những biến động của nền kinh tế thế giới kết hợp với những yếu tố nội tại trong nước sẽ làm cho lạm phát trở thành một biến số khó lường trong giai đoạn còn lại của năm 2016.
Diễn biến CPI qua các tháng (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, lạm phát có xu hướng tăng trở lại trong 3 tháng đầu năm. Lạm phát toàn phần đã vượt mức 1% trong tháng 2 và đạt 1,69% cuối quý. Mức tăng này phần lớn đến từ đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục đầu tháng Ba.
Giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. Theo đó đến hết năm 2016, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước cần tính đầy đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định).
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, điều chỉnh giá thuốc và dịch vụ y tế khiến CPI tăng 1,27 điểm phần trăm trong tháng Ba. Nhóm dịch vụ giáo dục đóng góp 0,66 điểm phần trăm do học phí tăng tại 6 tỉnh, thành theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.
Trong khi đó, các mặt hàng còn lại đều trong chu kỳ giảm giá sau Tết, lạm phát cơ bản tiếp tục xu thế giảm từ tháng 11/2015 và đứng ở mức 1,64% (yoy) cuối quý I/2016. Điều này cho thấy rằng áp lực lạm phát trong năm 2016 sẽ đến nhiều từ nhóm các mặt hàng do nhà nước quản lý (dịch vụ y tế và giáo dục).
Cần lưu ý rằng theo Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT- BTC của liên Bộ Y tế - Tài chính, lần điều chỉnh tiếp theo chỉ diễn ra vào đầu quý III/2016. Mặc dù vậy quá trình tăng học phí ở một số tỉnh có thể sẽ diễn ra, cùng với sự phục hồi của giá xăng dầu, sẽ tạo áp lực không nhỏ lên lạm phát ngay trong quý II/2016.
Kinh tế thế giới xuất hiện những diễn biến mới, nhưng không nằm ngoài dự báo, có thể tác động đến kinh tế Việt Nam. Trong đó, đáng kể nhất là việc giá dầu và hàng hóa có dấu hiệu hồi phục, mặc dù ít có khả năng sẽ tăng nóng trong thời gian sắp tới. Điều này kết hợp với những yếu tố nội tại trong nước sẽ làm cho lạm phát trở thành một biến số khó lường trong giai đoạn còn lại của năm 2016.
“Lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường, đặc biệt trong nửa sau của năm 2016 khi các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh, giá hàng hóa thế giới phục hồi, và tác động của hạn hán lên giá lương thực đạt đỉnh điểm trước khi vụ lúa hè-thu được thu hoạch vào khoảng tháng 8”, TS. Thành nhận định.
Không đồng tình với nhận định nguyên nhân lạm phát là do tăng giá một số sản phẩm dịch vụ như TS. Thành nêu, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Ánh cho rằng, lạm phát 2016, ngoài yếu tố giá, yếu tố quan trọng là ở ngân sách thâm hụt. Khi thâm hụt ngân sách, đi vay nước ngoài nếu không vay được nước ngoài, thì quay lại vay trong nước. Nếu vay trong nước, thì buộc phải tranh với doanh nghiệp bằng cách tăng lãi suất.
Nhận định của TS. Ánh nhận được sự đồng tình của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũ (nay là Bộ Công Thương). Ông Tuyển cũng cho rằng, nguyên nhân quan trọng đẩy lạm phát năm 2016 là do yếu tố tiền tệ tác động.
Tuy nhiên, ông Tuyển cho rằng, không nên quá lo lắng về lạm phát 2016. Bởi, nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn lạm phát là lành mạnh.
Trước đó, Báo cáo tháng 3/2016 của Tạp chí The Economist về tình hình Việt Nam cũng đã đưa ra nhận xét: Áp lực lạm phát ở Việt Nam vẫn ẩn chứa trong năm nay. Giá cả sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn một chút. Áp lực lạm phát từ phía cầu cũng sẽ mạnh hơn.
Dù vậy, Economist cho rằng mức tăng của lạm phát từ nay đến 2018 sẽ ở mức độ vừa phải, chứ không tăng “sốc” như giai đoạn 2011-2015. Economist cũng dự báo rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái để lạm phát không tăng đột biến bằng chính sách thắt chặt tiền tệ thực hiện từ năm 2017 và 2018.
Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên, trong báo cáo kinh tế 2015 và triển vọng 2016 gửi đến Quốc hội mới đây, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ đã đặt ra vẫn là phải điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý./.
Bình luận