Vì sao TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố khởi nghiệp số 1 của Việt Nam?
Chưa có khái niệm chính thức về thành phố khởi nghiệp, nhưng xét ở góc độ chung nhất, thành phố khởi nghiệp là thành phố có môi trường tốt nhất, thuận lợi nhất cho sự tăng trưởng, phát triển của các công ty khởi nghiệp (Start-up), nơi tạo ra nhiều Start-up thành công.
Năm 2021, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TP. Hồ Chí Minh hoạt động mạnh mẽ. Ước tính, lượng vốn đầu tư mạo hiểm thu hút được của các startup là 1,1 tỷ USD. Ảnh minh họa |
TP. Hồ Chí Minh trong nhóm 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu năm 2021
Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh vẫn phát triển mạnh mẽ, trở thành cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp cả nước. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm thu hút được của các startup là hơn 1,1 tỷ USD (chiếm 60% lượng vốn và 70% số thương vụ của cả nước). TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương thuộc nhóm 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu năm 2021 (tăng 46 bậc, chiếm vị trí thứ 179).
Theo báo cáo của Saigon Innovation Hub (Sihub), năm 2020 do tác động của dịch Covid-19, đầu tư khởi nghiệp vào Việt Nam giảm hơn 60%, từ 861 triệu USD năm 2019 xuống 317 triệu USD. Tuy nhiên năm 2021, Việt Nam ghi nhận sự gia tăng vượt bậc về thu hút đầu tư khởi nghiệp với 1,3 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam.
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Dù vậy, đây lại là năm đột phát của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam khi lần đầu tiên các dự án khởi nghiệp thu hút được nguồn vốn đầu tư lên tới trên 1,3 tỷ USD; trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến hoạt động khoa học công nghệ nói chung của Thành phố. Dù vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vẫn có những bước tiến đáng kể.
TP. Hồ Chí Minh hiện có 34 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cũng như 19 không gian đầu tư. Thành phố cũng có khoảng 2.000 startup; trong đó, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm đến 65%, kế tiếp là lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, chế biến lương thực thực phẩm chiếm 21%.
Theo bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, năm 2021, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TP. Hồ Chí Minh có những hoạt động mạnh mẽ. Ước tính, lượng vốn đầu tư mạo hiểm thu hút được của các startup là 1,1 tỷ USD. Con số này chiếm 60% lượng vốn và 70% số thương vụ đầu tư mạo hiểm trên cả nước, chứng tỏ TP. Hồ Chí Minh vẫn là cái nôi cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Nổi bật phải kể đến Ví điện tử MoMo khi cuối năm 2021 chính thức công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E), với trị giá khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management. Nguồn lực này giúp MoMo được xem như “kỳ lân”, củng cố vị trí siêu ứng dụng dẫn đầu thị trường với 31 triệu khách hàng hiện hữu.
Tính đến tháng 05/2022 TP. Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng doanh nghiệp đang hoạt động lớn nhất cả nước (Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Thành phố đang có khoảng 268.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên 866.000 doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước - chiếm 31%). Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh ngày càng tăng qua nhiều năm cho thấy TP. Hồ Chí Minh là thành phố có môi trường tốt nhất, thuận lợi để xây dựng và phát triển doanh nghiệp.
Những lợi thế nào giúp TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố khởi nghiệp số 1 Việt Nam?
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm 8 yếu tố: thị trường, nguồn nhân lực, nguồn vốn và tài chính; hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp (Mentors, Advisors); khung pháp lý và cơ sở hạ tầng; giáo dục đào tạo; các trường đại học, học viện và văn hóa quốc gia (World Economic Forum - 2013).
Thứ nhất, về thị trường. TP. Hồ Chí Minh là đầu mối giao thông vào loại lớn nhất nước ta với sự có mặt của các tuyến giao thông huyết mạch như đường ô tô, đường sắt, đường biển, đường sông và đường hàng không. Nhờ vị trí địa lý đặc biệt, giúp kinh tế thành phố nhanh chóng hội nhập vào thị trường khu vực và thế giới.
Với tam giác kinh tế Bình Dương - Đồng Nai - Hồ Chí Minh với kết cấu cấu hạ tầng hoàn thiện khả năng thu hút đầu tư từ nước ngoài là rất lớn.
TP. Hồ Chí Minh giữ vai trò đi đầu trong nền kinh tế Việt Nam. Thành phố chiếm 0,6% diện tích và 8,34% dân số của Việt Nam, nhưng chiếm tới 20,5% tổng sản phẩm GDP, 27,9% giá trị sản xuất công nghiệp và 37,9% dự án nước ngoài.
|
TP. Hồ Chí Minh có 4 khu chế xuất và 19 khu công nghiệp (3 khu chế xuất Linh Trung và một khu chế xuất Tân Thuận).
Về thu ngân sách trên địa bàn, theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, năm 2019 đạt 410.416 tỷ đồng; năm 2020 đạt 371.000 tỷ đồng; năm 2021 đạt 383.703 tỷ đồng (vượt hơn 5% dự toán).
Nguồn thu ngân sách của TP. Hồ Chí Minh tăng chủ yếu từ kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp trong khối bất động sản, tài chính ngân hàng, chứng khoán. Đặc điểm quan trọng là thu ngân sách TP. Hồ Chí Minh đạt và vượt bất chấp 2 năm đại dịch Covid-19 là 2020 – 2021.
Trong chương trình xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng đô thị hoàn chỉnh để phục vụ cho xuất nhập cảng, tạo phát triển thị trường, trong nước và quốc tế; TP. Hồ Chí Minh chủ trương tiếp tục đầu tư các đường vành đai 1, 2, 3, 4. Mới nhất chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ Đã ký ban hành nghị quyết ngày 16/06/2022, Nghị quyết số 57/2022/QH15; về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. Đường vành đai 3 kết nối TP. Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và các địa phương khác trong vùng. Phạm vi đầu tư khoảng 76,34 km2 khoảng 642,7 ha, tổng mức đầu tư dự án 75.378 tỷ. Sẽ hoàn thành 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026; và đây chính là giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế xã hội.
Từ hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không hoàn chỉnh tạo cho TP. Hồ Chí Minh trở thành thị trường giao thương hàng hóa lớn trong nước và quốc tế.
Thứ hai về nguồn nhân lực. Thành phố là trung tâm nguồn nhân lực lớn của đất nước. Tại TP. Hồ Chí Minh có 53 trường đại học và 49 trường cao đẳng chiếm tỷ trọng 22,17% cả nước (cả nước có 460 trường đại học và cao đẳng - bao gồm 224 trường đại học và 236 trường Cao đẳng). Đây là "cái nôi" để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho thành phố, khu vực và quốc gia, trong đó hầu hết các trường đều có các khoa, môn học chuyên ngành về khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Các trung tâm: Khu công viên phần mềm Quang Trung; các khu nông nghiệp công nghệ cao, tại các cơ sở Viện, trường Đại học, Cao đẳng,... các trung tâm công nghệ,... chính là nôi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP. Hồ Chí Minh và cả nước.
Thứ ba, về nguồn vốn và tài chính. Hiện nay, cả nước có 49 ngân hàng nội địa và 61 ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Phần lớn trong số các ngân hàng này (nội địa và quốc tế) đều có chi nhánh, hoặc trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh và hoạt động tại đây.
Thành phố cũng là nơi hội tụ của các Quỹ đầu tư mạo hiểm. Theo cổng thông tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, hiện tại có 72 quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Tất cả các quỹ trên đều có văn phòng/trụ sở và hoạt động đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh.
Thứ tư, hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp (Mentors, Advisord). TP. Hồ Chí Minh có 34 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cũng như 19 không gian sáng tạo đầu tư. TP. Hồ Chí Minh có khoảng 2.000 start-up, trong đó hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm đến 65%, kế tiếp là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến lương thực thực phẩm chiếm 21%.
Thành phố là nguồn cung cấp Mentors (Mentor được dịch ra là: “Người cố vấn” những người đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bạn ở bất cứ lĩnh vực nào. Từ kinh doanh, khởi nghiệp cho đến học tập và cuộc sống. Họ là người giám sát, hướng dẫn và tư vấn hỗ trợ) rất lớn, đầy đủ năng lực thực tiễn. Từ 268.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh, từ nơi đây cũng chính là trường đào tạo doanh nghiệp khởi nghiệp (các cán bộ công nhân viên của các công ty sau thời gian hoạt động tại doanh nghiệp sẽ rèn luyện tay nghề trong thực tiễn); Đây chính là nơi tập trung nguồn Mentors rất lớn cho khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và cả nước.
Đây chính là những người làm thực tiễn trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong suốt nhiều năm làm doanh nghiệp kể cả thất bại và thành công.
Thứ năm, về khung pháp lý và cơ sở hạ tầng. Hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh cho khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của nước ta, không riêng cho TP. Hồ Chí Minh và cả nước đã được hình thành.
Trên cơ sở chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành một số chính sách triển khai thực hiện.
Ngày 16/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP, “Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”, với mục tiêu đến năm 2020 xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg, về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 hướng tới việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo |
Riêng đối với TP. Hồ Chí Minh, từ những thành tựu đạt được trong giai đoạn 2016-2021, Thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025”. Kế hoạch hướng tới mục tiêu hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố phát triển ngang tầm khu vực, từng bước trở thành nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực canh tranh của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực của Thành phố, góp phần nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45%-50%.
Cùng với đó, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thành phố cũng xác định 8 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm; Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công; Thúc đẩy hợp tác quốc tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Truyền thông khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Đề án. (Nguồn “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025”).
Bên cạnh đó, Thành phố còn là hình mẫu trong phát triển kinh tế đi đôi với chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân bảo vệ môi trường. Tại TP. Hồ Chí Minh, theo thống kê sơ khảo có 117 bệnh viện gồm 55 bệnh viện công lập, 59 bệnh viện tư nhân và 3 bệnh viện thuộc bộ ngành; chiếm tỉ lệ 8,78% số bệnh viện cả nước (1332 bệnh viện).
TP. Hồ Chí Minh hiện có 405 công viên. Theo tổng cục Lâm nghiệp cho biết, hiện nay tỉ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại TP. Hồ Chí Minh ở mức từ 2-3 m2/người. Thực tế này cho thấy tỷ lệ cây xanh đô thị thực tế tại TP. Hồ Chí Minh chỉ bằng từ 1/5 đến 1/10 so với thế giới (25-30 m2/người). UBND thành phố đã ban hành kế hoạch trồng rừng và cây xanh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn với sự tham gia của mọi người dân, huy động các nguồn lực xã hội nhằm nâng cao tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân, tạo thêm cảnh quan, bóng mát, điều hòa khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người.
Đồng thời, phát động bình quân mỗi người dân thành phố trồng 1 cây xanh chung sức “Vì một Việt Nam xanh”. Qua đó, thành phố triển khai trồng 100 triệu cây xanh các loại, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, trồng cây xanh qua phát triển công viên, mảng xanh, cây xanh đường phố và cây xanh trong các công sở, trường học, khu dân cư, trồng rừng Cần Giờ, trồng trên 400 công viên,... cây trong nhà, trên tường, gần bờ sông...
Những bài học đúc rút ra hệ sinh thái khởi nghiệp TP. Hồ Chí Minh
TP. Hồ Chí Minh với truyền thống năng động, sáng tạo, anh hùng lịch sử đã chứng minh TP. Hồ Chí Minh là thành phố luôn luôn sáng tạo, là nơi khởi xướng nhiều chương trình, phong trào, nhiều cuộc vận động... làm thí điểm trước khi triển khai trên cả nước. Điển hình là Chương trình thí điểm thành lập ngân hàng cổ phần (Ngân hàng TMCP Eximbank); thành lập Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, sau này là Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, khai trương cho thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động; Thí điểm việc hình thành khu chế xuất, khu công nghiệp, trong đó Khu chế xuất Tân Thuận là khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được thành lập năm 1991; Triển khai chương trình cổ phần hóa DNNN, trong đó Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) là một trong những doanh nghiệp được cổ phần hóa đầu tiên vào năm 1991 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; Xây dựng thí điểm thành công Bộ xây dựng công nhận khu đô thị kiểu mới Phú Mỹ Hưng, là mô hình khu đô thị văn minh hiện đại, tốt đẹp so với khu vực và trong nước; và rất nhiều phong trào chương trình khác... TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương có chương trình xóa đói giảm nghèo sớm nhất, mạnh nhất cả nước.
Bài học rất rõ ràng từ TP. Hồ Chí Minh là tỉnh, thành phố nào xây dựng được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đông đảo chất lượng thì nơi đó phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, đóng góp nhiều cho Đất nước không chỉ là nộp thuế về Ngân sách Nhà nước hàng năm.
CEO Đặng Đức Thành
Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà Kinh tế (VEC)
Uỷ viên BCH Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Bình luận