Vị trí, vai trò của lực lượng DNNN trong phát triển KT-XH và nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh cải cách
So với kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), DNNN vẫn là lực lượng vật chất có tiềm lực mạnh về tài chính, nắm giữ tài nguyên, đất đai, thương hiệu, lực lượng lao động, có đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, quản lý hùng hậu. Tuy nhiên, hiện nay, vị trí, vai trò của DNNN vẫn còn nhiều hạn chế, do vậy, đặt ra yêu cầu cần phải đẩy mạnh cải cách DNNN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Những kết quả đạt được
Tại Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 03/06/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN đã khẳng định “DNNN phải cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả để giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước”; đồng thời “DNNN làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế”.
Khu vực DNNN đóng góp 28% cho tăng trưởng kinh tế.
Qua gần 03 năm triển khai cơ cấu lại DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW, bức tranh về khu vực DNNN đã có nhiều điểm sáng, cụ thể:
Mặc dù, DNNN chiếm tỷ trọng thấp về số lượng trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp, nhưng vẫn nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, tạo nguồn doanh thu và đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Theo Sách trắng Doanh nghiệp năm 2019, tính đến năm 2018 DNNN chỉ còn chiếm khoảng 0,4% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng nắm hơn 3,7 triệu tỷ đồng tài sản với vốn chủ sở hữu là 1,6 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 0,214 triệu tỷ đồng và đã đóng góp vào ngân sách nhà nước 0,3 triệu tỷ đồng. So với toàn bộ hệ thống doanh nghiệp, khu vực DNNN đóng góp 28% cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho 1,2 triệu lao động (8,3%); chiếm 29% tổng vốn của toàn khu vực doanh nghiệp và tạo ra 22,9% lợi nhuận so với lợi nhuận của toàn khu vực doanh nghiệp.
Đồng thời, DNNN đã hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế, chiếm thị phần đủ lớn đối với sản phẩm và dịch vụ chủ yếu cũng như có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, DNNN hiện đang chi phối hoặc có ảnh hưởng trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của quốc gia, như: năng lượng, tài chính tín dụng, ngân hàng, viễn thông, xuất khẩu lương thực, dịch vụ cảng hàng không... với thị phần tương đối lớn. Theo Sách trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông năm 2019, có tới 96% đối tượng sử dụng mạng điện thoại di động là khách hàng của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng Công ty Viễn thông MobiFone. Các ngân hàng thương mại quốc doanh, như: BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank… chiếm hơn 50% tổng dư nợ cho vay của toàn ngành. Một số DNNN đã đi đầu, mở rộng thị trường và thu được lợi nhuận lớn từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài như Viettel và đóng góp vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng quốc gia, như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)…
Bên cạnh các nhiệm vụ về kinh tế, DNNN còn thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội trong một số lĩnh vực, làm “đầu tàu”, tạo động lực phát triển để thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia; đóng góp tích cực vào chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chung tay xây dựng nông thôn mới, tham gia các hoạt động tại địa phương; góp phần vào việc ổn định an ninh, chính trị, cũng như trực tiếp tham gia thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Song, vẫn còn nhiều hạn chế
Mặc dù DNNN đã có nhiều nỗ lực để bảo đảm cho kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, song vai trò, vị trí của DNNN trong nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể như sau:
Một là, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, cũng như năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Theo Sách trắng Doanh nghiệp năm 2019, so sánh với khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân, thì khu vực DNNN tiếp tục có xu hướng giảm dần về quy mô và tỷ lệ đóng góp ở tất cả các chỉ tiêu trong giai đoạn 2016-2018. Cụ thể, so với các khu vực doanh nghiệp khác, nguồn vốn của khu vực DNNN giảm từ 32,3% xuống còn 28,7%; doanh thu giảm từ 23% xuống còn 15,7%; lợi nhuận trước thuế giảm từ 37,5% xuống còn 25%. Do đó, đóng góp vào ngân sách nhà nước của DNNN cũng giảm từ 38,4% xuống 30,7%.
Bên cạnh đó, DNNN vẫn còn có chỉ số nợ cao và chỉ hoạt động hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên, như: khai thác khoáng sản, dầu khí hoặc thống lĩnh thị trường viễn thông, tài chính tín dụng.
Hai là, thời gian qua, một số DNNN bộc lộ có những dự án rơi vào tình trạng bị thua lỗ, kém hiệu quả; một số DNNN để xảy ra tình trạng và vụ việc gây nhức nhối dư luận cũng làm mờ nhạt vai trò của DNNN. Tình trạng dự án thua lỗ, kém hiệu quả được phát hiện đều xuất phát từ việc quản lý không hiệu quả trong quá khứ. Hơn nữa, Nhà nước chỉ tập trung xử lý để hạn chế các tổn thất từ giai đoạn trước, mà chưa thực sự có những cơ chế, chính sách để DNNN thực sự phát huy được vai trò, sứ mệnh của mình.
Ba là, một số nội dung và mục tiêu thực hiện tái cơ cấu DNNN theo Quyết định số 707/QĐ-TTg, ngày 25/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020" đưa ra 04 mục tiêu của quá trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2017-2020, nhưng chưa mang lại kết quả như kỳ vọng, cụ thể là:
- Mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực quản trị DNNN theo chuẩn mực quốc tế tuy đã có cải thiện, nhưng vẫn ở mức thấp. Việc thực hiện tái cơ cấu thời gian qua mới chỉ tập trung vào việc sắp xếp các doanh nghiệp thành viên của tổng công ty, tập đoàn kinh tế theo hướng thu gọn số lượng DNNN thực hiện sắp xếp (cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp), chưa chú trọng đến đến các định hướng, giải pháp có tính đột phá về khoa học, công nghệ, nhân lực chất lượng cao và một chiến lược kinh doanh dài hạn có tính khả thi cao.
- Mục tiêu tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của DNNN, dự án thua lỗ, về cơ bản đã bảo đảm theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính khả thi để đạt được mục tiêu “xử lý dứt điểm” theo Nghị quyết số 12-NQ/TW chưa cao. Năm 2018, mới có 02/06 nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi, 01/03 dừng sản xuất, kinh doanh đã vận hành trở lại; 03 dự án xây dựng dở dang, thì chỉ có 01 dự án có hướng giải quyết, các dự án còn lại vẫn còn gặp nhiều khó khăn hoặc phải giải quyết các tranh chấp.
- Tiếp theo, mục tiêu về hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát DNNN, sớm tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đã được Chính phủ quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, kể từ khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đi vào hoạt động và thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu tại 19 tập đoàn, tổng công ty lớn, thì Ủy ban Quản lý vốn nhà nước mới chủ yếu thực hiện công tác tiếp nhận và xử lý các công việc chuyển tiếp; chưa thật sự phát huy vai trò của mình trong việc đưa ra định hướng sản xuất, kinh doanh, hình thức quản lý đối với các doanh nghiệp được chuyển giao.
Một số nhiệm vụ - giải pháp thực hiện tái cơ cấu DNNN giai đoạn tới
Nhằm nâng cao vị trí của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn tới, cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư cũng như Việt Nam đã tham gia một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thì cần xác định rõ vị trí, vai trò của DNNN; trong đó, cần xác định rõ định hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mang tính nền tảng, tính dẫn dắt, tạo động lực phát triển đất nước trong thời gian tới và triển khai tích cực, đồng bộ nhằm tận dụng được những cơ hội mới và phù hợp với các định hướng của Nghị quyết số 12-NQ/TW. Những nội dung này nên giao cho các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu triển khai thực hiện sớm.
Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), trong đó đề xuất thay đổi khái niệm về DNNN để thể chế hoá Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5. Theo đó, DNNN sẽ bao gồm cả doanh nghiệp cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước. Do vậy, cần xác định việc lựa chọn cổ đông chiến lược có trình độ quản lý, công nghệ tốt là nhiệm vụ cần thiết khi thực hiện cổ phần hoá các DNNN quy mô lớn. Nhà đầu tư chiến lược sẽ giúp doanh nghiệp thực sự tăng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài.
Đồng thời, các cơ chế chính sách hiện nay về cổ phần hóa mới chỉ tập trung vào xử lý các vấn đề trong quá trình cổ phần hóa, chưa có các quy định về hậu cổ phần hoá. Do vậy, trong thời gian tới, cần rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến hậu cổ phần hóa, cụ thể như: cần có các quy định để quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hoá, đặc biệt là đối với các DNNN nắm giữ cổ phần chi phối để bảo đảm doanh nghiệp tiếp tục duy trì lực lượng lao động đã được đào tạo, ngành, lĩnh vực kinh doanh truyền thống và thực hiện sản xuất, kinh doanh tạo giá trị gia tăng; tránh tình trạng doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá không thực hiện sản xuất, kinh doanh, mà chuyển đổi mô hình hoạt động để khai thác lợi thế đất đai…
Ngoài ra, Nhà nước cần tạo ra một môi trường cạnh tranh công khai và bình đẳng, giúp cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển tương xứng với tiềm năng. Tăng cường vai trò và tôn trọng quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu và quyền của doanh nghiệp theo quy định.
Việc rà soát để có các quy định cụ thể, tách bạch việc thực hiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc thực hiện cung cấp, sản xuất dịch vụ công ích Nhà nước đặt hàng cho doanh nghiệp là cần thiết. Trên cơ sở đó thực hiện việc giám sát và đánh giá doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh đơn thuần theo đúng chuẩn mực quốc tế và bảo đảm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có vốn nhà nước bình đẳng như các doanh nghiệp bên ngoài; tránh việc can thiệp của nhiều cơ quan quản lý vào hoạt động giám sát hiệu quả hoạt động kinh doanh đơn thuần của doanh nghiệp.
Thứ hai, DNNN cần giữ vị thế đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu suất lao động và tạo thêm sản phẩm, dịch vụ mới.
DNNN mà đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn cần nghiên cứu một cách sâu sắc, nghiêm túc các cơ hội và thách thức trong tương lại để định hình được chiến lược phát triển của mình khi mà khoa học, công nghệ đang thay đổi một cách nhanh chóng. Xu hướng của kinh tế số, công nghệ dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo, sản xuất thông minh… là xu hướng không thể đảo ngược. Bên cạnh đó, những thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững cần phải giải quyết, đặc biệt là các ngành công nghiệp liên quan đến khai thác và sử dụng tài nguyên tự nhiên.
Ngày 27/09/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư. Trong đó có đưa ra định hướng xây dựng cơ chế cho DNNN thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là những nội dung cần tiếp tục thực hiện thể chế hoá để đẩy mạnh phát triển công nghệ của DNNN trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, việc thực hiện quản trị chuyên nghiệp hóa DNNN, sử dụng cơ chế quản lý dựa trên hiệu quả hoạt động (cần xây dựng vai trò, nhiệm vụ, chức năng, KPI cho từng vị trí trong tổ chức từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất), xây dựng cơ chế lựa chọn và trả lương cho các CEO của DNNN theo thị trường và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cần được xác định là nhiệm vụ quan trọng để tăng cường hiệu quả và minh bạch của DNNN.
Thứ ba, về thực hiện tái cơ cấu của DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu cách tiếp cận mới về tái cấu trúc 19 tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn thuộc diện quản lý. Có thể không chỉ đặt riêng lẻ cho từng doanh nghiệp, mà phải có cách tiếp cận theo nhóm doanh nghiệp hoặc theo chuỗi các sản phẩm để có thể tận dụng được các thế mạnh của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là việc xây dựng chiến lược cho doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn. Từ đó, có những đề xuất mang tính chiến lược để thực sự thay đổi được phương thức hoạt động và nâng cao hiệu quả các các tập đoàn, tổng công ty lớn này.
Đồng thời, cần có cái nhìn và triển khai thực hiện quản lý DNNN theo phương thức mới, đảm bảo doanh nghiệp được chủ động quyền sản xuất, kinh doanh và phát huy lợi thế trong ngành, lĩnh vực hoạt động./.
Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1+2, tháng 1/2020)
Bình luận