Việt Nam đã làm gì với “cơn ác mộng” mang tên virus Zika
Hiểm họa đe dọa toàn cầu
Virus Zika được biết đến lần đầu tiên năm 1947 tại Uganda. Mặc dù bệnh nhân có các triệu chứng gần giống với sốt xuất huyết hay sốt Chikungunia, nhưng diễn biến lâm sàng thường thoảng qua nên vẫn thường được coi như vô hại cho tới gần đây tại Brazil (vào tháng 05/2015).
Các triệu chứng của người lây bệnh Zika không thực sự rõ ràng, có một số người bị sốt, nổi mẩn đỏ, đau khớp và đau mắt, nhưng có đến 80% người bị lây bệnh mà không có triệu chứng gì.
Hiện chưa có ca tử vong nào được ghi nhận liên quan đến bệnh Zika, nhưng những bà mẹ mang thai mắc bệnh này sẽ sinh con mắc dị tật đầu nhỏ. Đây là một dị tật bẩm sinh nghiêm trọng gây ra bởi sự phát triển dưới mức bình thường của não bộ trẻ sơ sinh.
Hiện, ở Brazil đã có khoảng 4.000 ca nghi mắc chứng nhỏ đầu, tương đương 1%-2% số lượng trẻ mới sinh tại Bang Pernambuco, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất của virus Zika.
Theo thông báo của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật châu Âu, đến ngày 09/02/2016 đã có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ghi nhận trường hợp nhiễm virus Zika, gây tâm lý lo lắng và khiếp sợ nhất là đối với các hộ gia đình trong độ tuổi sinh sản.
Muỗi truyền virus này là Aedes aegypti và có khả năng lớn là cả Aedes albopictus và Aedes polynesiensis. Hai loài đầu là các loài xâm lấn có phạm vi toàn cầu, nên có thể gặp chúng ở hầu hết các vùng cận và nhiệt đới thậm chí ôn đới trong khi khả năng tránh và kháng với nhiều thuốc diệt của các loài này đã được phát hiện đồng thời lan rộng rất nhanh.
Trong một khoảng thời gian 10-20 năm, nếu không phát minh được các thế hệ thuốc diệt côn trùng mới, hay các phương pháp phòng trừ hữu hiệu, muỗi chắc chắn sẽ mang đến các thảm họa toàn cầu.
Ngoài lây lan từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, các nghiên cứu đã phát hiện virus Zika có khả năng lan truyền trong tinh dịch và việc lây lan qua đường tình dục là có thể xảy ra. Dẫu vậy, các nhà khoa học vẫn cần nghiên cứu thêm để có thể tìm ra phương pháp đối phó với loại bệnh dịch này.
Virus Zika được cho là gây nên dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh
Vắc xin phòng chống: Vẫn chưa có!
Sự nguy hiểm của loại virus này thực sự ở chỗ hiện nay thế giới vẫn chưa nghiên cứu ra vắc xin hay phương pháp chữa trị nào cho virus Zika. Theo ước tính có khoảng 80% những người bị nhiễm không có triệu chứng gì rõ rệt. Hiện nay, hầu hết các nỗ lực đối phó chỉ tập trung vào việc tránh bị muỗi đốt và diệt muỗi.
Theo Phó giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Bruce Aylward, quá trình tạo ra một loại vắc xin an toàn và hữu hiệu có thể mất đến một năm và phải mất 6-9 tháng mới khẳng định được Zika có phải là nguyên nhân thực sự gây ra các dị tật bẩm sinh hay không.
Các quan chức Bộ Y tế Hoa Kỳ cho biết đã có hai thử nghiệm vắc xin cho Zika và có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người vào cuối năm 2016, nhưng sẽ chưa thể có vắc xin sản xuất hàng loạt trong vài năm tới.
Với mức độ nguy hiểm và tình trạng lây lan nhanh chóng, chính phủ nhiều nước Châu Mỹ đã kêu gọi phụ nữ tạm ngừng sinh con cho đến sau năm 2018 để các nhà khoa học tìm ra biện pháp đối phó với loại bệnh dịch này.
Những ứng phó của Việt Nam
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 29/01/2016, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn về tình hình virus Zika đang lan truyền mạnh trên thế giới. Theo đó, đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào liên quan tới virus Zika, song sự lây truyền mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt tại một số nước như Thái Lan đang làm dấy lên lo ngại dịch bệnh lan truyền về Việt Nam.
Tiếp đó, với cảnh báo nguy cơ lây lan virus Zika vào Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam, chiều 04/02/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đoàn kiểm tra công tác ứng phó với virus Zika tại Thành phố Hồ Chí Minh. Việc ứng phó với virus Zika hiện nay đang được tiến hành chủ yếu tại cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) với việc thực hiện phun xịt hóa chất diệt muỗi trong sân bay, tiến hành đo thân nhiệt từ xa…
Bộ Y tế cảnh báo với lưu lượng hành khách từ Nam Mỹ về Việt Nam qua cửa khẩu này vào khoảng 700 người/tháng, trong đó 50% là trở về từ Brazil – quốc gia đang có dịch virus Zika, thì các tỉnh phía Nam có nguy cơ cao xuất hiện virus Zika. Trong khi đó, loại virus này lây truyền chủ yếu qua đường muỗi đốt (Aedes – là loại muỗi lây truyền bệnh sốt xuất huyết).
Các tỉnh phía Nam từ nhiều năm qua luôn chiếm trên 80% các ca mắc sốt xuất huyết của cả nước do điều kiện khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của muỗi Aedes. Chính vì thế, Bộ Y tế đưa ra cảnh báo nêu virus Zika xuất hiện tại phía Nam thì nguy cơ lây lan ra cộng đồng là rất lớn.
Bộ trưởng Tiến cho biết thêm “Khả năng xâm nhập vào Việt Nam của virus Zika là có và cao. Khó khăn ở chỗ đây là bệnh mới nên khả năng miễn dịch của người Việt Nam chỉ bằng 0.80%. Một cái khó nữa là mật độ muỗi Aedes tăng, là vùng lưu hành muỗi Aedes thuộc dạng cao của vùng Tây Thái Bình Dương. Khi đã có ca bệnh dương tính, muỗi nhiều thì khả năng lây truyền rất nhanh trong khi triệu chứng lại lẫn với những bệnh khác”.
Do chưa có biện pháp hữu hiệu phòng tránh, chữa trị loại virus này, nên Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên đi đến vùng có dịch, đặc biệt là phụ nữ đang có ý định sinh nở hay trong tuổi sinh đẻ. Đối với người nhập cảnh, Bộ Y tế sẽ áp dụng sàng lọc thân nhiệt. Khi người dân thấy bất cứ triệu chứng nào như sốt, đau mỏi cơ… cần đến ngay các cơ sở y tế để theo dõi, điều trị kịp thời và có biện pháp ngăn chặn không lây lan ra cộng đồng”.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh tương tự như đối với phòng bệnh sốt xuất huyết, gồm diệt muỗi, bọ gậy… đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng. Người dân cần ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng chống dịch…
Đặc biệt, để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika xâm nhập, Bộ Y tế đã công bố số điện thoại đường dây nóng tư vấn, điều trị bệnh do virus Zika (Điện thoại liên hệ: 0989.671.115), đồng thời khuyến cáo những người về từ quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị.
Hiện, Bộ Y tế thường xuyên liên hệ với WHO tại Việt Nam để nắm tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống, đồng thời đã có văn bản chỉ đạo các viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tiến hành giám sát và xét nghiệm xác định sự lưu hành của virus Zika tại Việt Nam.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika; xây dựng dự thảo hướng dẫn giám sát, phát hiện những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tăng cường giám sát tại cửa khẩu và tại cộng đồng./.
Bình luận