Đánh giá việc thực thi 17 mục tiêu SDG của Việt Nam

Báo cáo có chủ đề "ESG - những bước đi đầu cho một thị trường cận biên châu Á" công bố ngày 21/9/2021 của HSBC cho biết, Liên Hợp Quốc đã đặt ra 17 mục tiêu SDG hướng tới đạt được sự phát triển xã hội và môi trường lâu dài và tốt hơn trên toàn thế giới (xem Sustainability engaged – An investor engagement guide to the UN’s SDGs, 15/9/2019). Việt Nam đã đặt chỉ tiêu cho từng mục trong số 17 mục tiêu SDG và hiện xếp thứ 51 trên 165 quốc gia với điểm chỉ số SDG là 72,8 (theo The Decade of Action for the Sustainable Development Goals: Sustainable Development Report 2021; Cambridge University Press; Sachs, J., Kroll, C., Lafortune, G., Fuller, G., Woelm, F.).

Việt Nam đang đi đúng hướng trong thực thi 17 mục tiêu phát triển bền vững
HSBC cho biết, Việt Nam đang trên đường đạt được 5 mục tiêu và gần đạt được 6-7 mục tiêu khác trong 17 mục tiêu SDG của Liên Hợp quốc

HSBC cho biết, trên cơ sở phân tích 17 mục tiêu SDG, Việt Nam đang trên đường đạt được 5 mục tiêu và gần đạt được 6-7 mục tiêu khác. “Dữ liệu có một số hạn chế, bởi một số hạng mục các dữ liệu mới nhất là vào năm 2017 hoặc 2018, nhưng rõ ràng, đã có nhiều thay đổi ở Việt Nam”, HSBC nhận định. Những con số đánh giá giúp xác định xu hướng rõ ràng và hỗ trợ kết luận của HSBC rằng, dựa trên hầu hết các chỉ số, Việt Nam đang đi đúng hướng.

Mức độ và xu hướng của 17 mục tiêu SDG tại Việt Nam

Số

Mục tiêu SDG

Mức độ/xu hướng

1

Xóa nghèo

Đạt mục tiêu/Đang theo dõi hoặc duy trì

2

Không còn nạn đói

Vẫn còn thách thức/Tăng vừa phải

3

Sức khỏe và có cuộc sống tốt

Vẫn còn thách thức/Tăng vừa phải

4

Giáo dục có chất lượng

Đạt mục tiêu/Đang theo dõi hoặc duy trì

5

Bình đẳng giới

Vẫn còn thách thức/Tăng vừa phải

6

Nước sạch và vệ sinh

Đạt mục tiêu/Đang theo dõi hoặc duy trì

7

Năng lượng sạch với giá thành hợp lý

Đạt mục tiêu/Đang theo dõi hoặc duy trì

8

Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế

Vẫn còn thách thức/Tăng vừa phải

9

Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng

Vẫn còn thách thức/Tăng vừa phải

10

Giảm bất bình đẳng

Thách thức đáng kể/NA

11

Các thành phố và cộng đồng bền vững

Đạt mục tiêu/Đang theo dõi hoặc duy trì

12

Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm

Đạt mục tiêu/NA

13

Hành động về khí hậu

Thách thức đáng kể/Trì trệ

14

Tài nguyên và môi trường biển

Thách thức đáng kể/Trì trệ

15

Tài nguyên và môi trường trên đất liền

Thách thức lớn/Đang giảm

16

Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ

Vẫn còn thách thức/Tăng vừa phải

17

Quan hệ đối tác vì các mục tiêu

Thách thức đáng kể/Trì trệ

Nguồn: The Decade of Action for the Sustainable Development Goals: Sustainable Development Report 2021; Cambridge University Press; Sachs, J., Kroll, C., Lafortune, G., Fuller, G., Woelm, F.

Các nhà phân tích về ESG của HSBC đã thực hiện phân tích chi tiết hơn 50 chỉ số tại 77 quốc gia thuộc các thị trường phát triển, mới nổi và cận biên. Các chỉ số này thể hiện các xu hướng chuyển đổi năng lượng, rủi ro khí hậu, quản trị khí hậu và các cơ hội xanh. Việt Nam đứng thứ 53 (xem Fragile Planet 2021 – Scoring climate risks: who is the most resilient, 30/3/2021).

Việt Nam - những thách thức về khí hậu và cách ứng phó

Theo HSBC, Việt Nam có đường bờ biển dài với khí hậu ấm. Vị trí địa lý và địa hình của Việt Nam đều là các yếu tố góp phần vào sự xuất hiện của thiên tai. Thực tế này khiến Việt Nam đứng trước nhiều thách thức lớn. Thứ nhất, Việt Nam xếp thứ 91 trong số 191 các quốc gia có nguy cơ cao về xảy ra thảm họa, phải hứng chịu nhiều trận lũ lụt, bão nhiệt đới và hạn hán (xem Bảng).

Bảng: Xếp hạng của Việt Nam về các nguy cơ xảy ra thảm họa

Lũ lụt

(0-10)

Bão nhiệt đới

(0-10)

Hạn hán

(0-10)

Dễ tổn thương

(0-10)

Thiếu khả năng ứng phó

(0-10)

Mức độ rủi ro tổng thể

(0–10)

Xếp hạng quốc gia

(1-191)

10

7.9

3.5

2.4

4.2

3.8

91

Nguồn: Ngân hàng Thế Giới, HSBC.

Điểm cao trong từng nhóm nguy cơ thể hiện nguy cơ đó càng lớn (ví dụ nguy cơ về lũ lụt của Việt Nam là rất lớn), xếp hạng quốc gia càng thấp nghĩa là nước đó rủi ro càng cao.

Thứ hai, khí hậu Việt Nam bị tác động bởi hiện tượng El Niño Southern Oscillation (ENSO), ảnh hưởng đến hoàn lưu gió mùa, dẫn đến sự thay đổi về lượng mưa và các kiểu nhiệt độ. Nhiệt độ trung bình hàng năm đã tăng 0,5–0,7°C kể từ năm 1960, ước tính trung bình mỗi thập kỷ tăng 0,26°C (gấp đôi tốc độ nóng lên toàn cầu).

Thứ ba, không có thay đổi lớn về lượng mưa trung bình kể từ năm 1960, nhưng lượng mưa tăng lên ở miền Trung trong khi giảm ở miền Bắc và miền Nam.

Thứ tư, Việt Nam bị ảnh hưởng bởi hai loại hạn hán: khí tượng và thủy văn. Theo Chỉ số Bốc hơi và Lượng mưa Chuẩn hóa (SPEI), xác suất trung bình hàng năm của một đợt hạn hán khí tượng nghiêm trọng tại Việt Nam là khoảng 4%.

Với đường bờ biển dài, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao. Khu vực sông Hồng, sông Cửu Long và các khu vực đô thị trong vùng lân cận, bao gồm cả hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ cao nhất. Khoảng 12 triệu người phải đối mặt với tình trạng ngập lụt vĩnh viễn. Cùng với đó, việc sử dụng quá mức nguồn nước ngầm, thay đổi cách sử dụng đất (đặc biệt là nuôi trồng thủy sản) và phát triển đô thị nhanh chóng, không có kế hoạch đang dẫn đến những thách thức về tài nguyên nước. Sinh kế ở các vùng trũng phải đối mặt với những thách thức lớn do xâm nhập mặn, vốn đã buộc phải thay đổi mục đích sử dụng đất, bỏ hoang và giảm năng suất ở nhiều tỉnh. Ngành thủy sản và nuôi trồng thủy sản, những nguồn đóng góp chính vào GDP và việc làm, đang bị đe dọa. Đánh bắt quá mức và thâm canh nuôi trồng thủy sản là mối đe dọa lớn nhất.

Biện pháp của Việt Nam nhằm ứng phó biến đổi khí hậu

Tốc độ tăng trưởng và công nghiệp hóa nhanh chóng khiến Việt Nam khó kiểm soát tác động của biến đổi khí hậu, do nhu cầu về đất và nước ngày càng tăng. Tuy nhiên, HSBC cho rằng, Việt Nam đang hành động để giảm thiểu những ảnh hưởng.

Ví dụ, Việt Nam đã ký Thỏa thuận chung Paris vào năm 2016, cam kết tập trung giảm phát thải khí nhà kính ít nhất 8% vào năm 2030 và đạt được các Mục tiêu SDG của Liên Hợp Quốc vào năm 2030. Luật Bảo vệ Môi trường 2014 vừa được cập nhật, dự kiến sẽ được triển khai bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (MONRE) từ ngày 1/1/2022. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã công bố các kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính. Các đề xuất bao gồm:

Những chính sách và chiến lược quốc gia chính

Chính sách/Chiến lược/Kế hoạch

Tình trạng

Đóng góp cụ thể của Quốc gia dành cho Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu

Tài trợ cho các Biện pháp Ứng phó của Việt Nam đối với Biến đổi Khí hậu (Đánh giá về Chi tiêu và Đầu tư công cho Khí hậu của Việt Nam)

Luật về Phòng chống và Kiểm soát Thiên tai

Đánh giá Nhu cầu Công nghệ để Thích ứng với Biến đổi Khí hậu

Chiến lược Quốc gia về Biến đổi Khí hậu

Truyền thông Toàn quốc về Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu

Đã trình

Đã hoàn thành

Đã ban hành

Đã hoàn thành

Đã ban hành

Đã nộp ba kế hoạch

Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Một vấn đề khác được HSBC đánh giá, đó là Việt Nam là một trong những nền kinh tế tập trung carbon nhất tại châu Á, sau Trung Quốc và Mông Cổ. Việt Nam phát hành trái phiếu xanh lần đầu vào năm 2019 thông qua Nghị định 163 của Chính phủ. Điều này tạo ra các kênh huy động vốn phục vụ việc bảo vệ môi trường thay vì chỉ dựa vào nguồn tài trợ duy nhất từ ngân hàng. Năm 2020, Việt Nam nhận khoản vay xanh đầu tiên để phát triển nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất Đông Nam Á. Nhà máy được dự báo sẽ giảm lượng khí thải vào khoảng 100.000 tấn mỗi năm.

Tài trợ xanh ở Việt Nam

Hợp tác tài chính

Mục đích khoản vay

Khối lượng vay

Vietcombank/Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản

Agribank/ Tổng công ty điện lực miền Trung

TP Bank/ Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu

Tài trợ vốn cho các dự án điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam

Dự án điện mặt trời miền Trung ở tỉnh Khánh Hòa

Tín dụng xanh dài hạn

200 triệu đô la Mỹ

1,3 nghìn tỷ đồng

20 triệu đô la Mỹ

Nguồn: HSBC

Theo báo cáo Triển vọng hạ tầng toàn cầu năm 2017 (từ Các cơ hội đầu tư hạ tầng toàn cầu, Việt Nam, 2019 phát hành bởi Những sáng kiến trái phiếu khí hậu và Quỹ Khí hậu châu Âu), Việt Nam cần đầu tư 605 tỷ đô la Mỹ cho hạ tầng trong khoảng thời gian 2015-2040, còn thiếu khoảng 102 tỷ đô la Mỹ sau khi điều chỉnh dự kiến đầu tư trong hiện tại.

Viện phát triển xanh toàn cầu (GGGI), hợp tác với Luxembourg và Bộ Tài chính, vào tháng 10 năm 2020, đã ký kết chương trình “Sẵn sàng cho trái phiếu xanh Việt Nam VN10”. Bản đề xuất này hướng tới tăng cường năng lực thể chế và khung pháp lý, kết hợp với kinh nghiệm thực tế trong thử nghiệm phát hành trái phiếu xanh.

Những tiến bộ nổi bật trong khối doanh nghiệp

Với khối doanh nghiệp, HSBC ghi nhận hai điểm tiến bộ nổi bật trong thực thi phát triển bền vững, đó là khung quản trị công ty và sự tuân thủ quy chuẩn ESG của các doanh nghiệp hàng đầu trên TTCK Việt Nam.

HSBC cho rằng, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong cải thiện quy trình quản trị doanh nghiệp nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán từ năm 2015 đã đưa ra cơ chế quản trị doanh nghiệp cơ bản cho chủ và giám đốc doanh nghiệp của các công ty tư nhân. Năm 2019, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã sửa đổi Bộ quy tắc Quản trị doanh nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm đạt tới các quy chuẩn toàn cầu trong trung hạn. Bộ quy tắc này áp dụng hướng tiếp cận hướng dẫn mặc dù nhiều phần được quy định bởi các luật và nghị định khác nhau.

Tuy nhiên, so sánh những quy tắc quản trị doanh nghiệp của Việt Nam và OECD có thể thấy, Việt Nam sử dụng cách tiếp cận “tự nguyện” nhiều hơn. Theo OECD, 94% các quốc gia đi theo hướng “tuân thủ hoặc giải thích”.

Việt Nam đề xuất từ 5 tới 11 giám đốc cho Hội đồng quản trị (gia tăng theo số lẻ). Trong những phân tích của chúng tôi, các công ty lớn đều tuân thủ theo khoản này. Một phần ba thành viên Hội đồng quản trị là giám đốc độc lập tại Việt Nam. Tại các nước OECD, phần lớn các quốc gia đề xuất 50% thành viên độc lập.

Thời hạn phục vụ tối đa của một giám đốc là 9 năm tại Việt Nam trong khi con số trung bình tại các nước OECD là 8-10 năm. Việt Nam yêu cầu ít nhất hai thành viên (30%) của Hội đồng là nữ. Con số này ở OECD là 20-40%.

Bắt buộc phải có ủy ban kiểm toán, quản trị rủi ro, ứng cử và lương bổng tại Việt Nam. Tại OECD, 90% các nước yêu cầu có ủy ban kiểm toán, 24% yêu cầu ủy ban ứng cử và 32% yêu cầu ủy ban lương bổng. Các công ty tại Việt Nam cần công bố chính sách quản trị doanh nghiệp trên trang tin điện tử của công ty.

Tại Việt Nam, họp hội đồng quản trị phải thông báo trước 21 ngày và kết quả số phiếu bầu phải được công bố trong vòng một ngày sau ngày họp. Phần lớn các nước OECD có thời hạn thông báo từ 15-21 ngày trước ngày họp.

Việt Nam cần công bố lương của các thành viên ban quản trị bao gồm các giám đốc độc lập. Tại OECD, 92% các nước đã đưa ra tiêu chí chung cho cơ chế lương bổng.

80% các nước OECD yêu cầu công bố ngay các giao dịch các bên liên quan với 82% yêu cầu sử dụng Tiêu chuẩn kế toán quốc tế, thêm 8% cho phép linh hoạt sử dụng IAS 24 hoặc các tiêu chuẩn địa phương. Việt Nam cũng theo đuổi chính sách yêu cầu công bố giao dịch của bên liên quan.

Quản trị doanh nghiệp là một phần không tách rời trong khung ESG, quyết định các quy định, thông lệ và quy trình qua đó một công ty được kiểm soát và chỉ đạo nhằm đạt được cân bằng lợi ích của các bên liên quan. “Việt Nam đã có những chính sách và quy định hướng tới những biện pháp quản trị tối thiểu một công ty phải có”, HSBC đánh giá.

Một tiến bộ khác được HSBC ghi nhận đó là những doanh nghiệp lớn đã thực hiện công bố ESG. HSBC dựa trên 10 tiêu chí để phân tích tình hình công bố các thông tin ESG của doanh nghiệp trong rổ chỉ số VN30 gồm: Mật độ phát thải khí nhà kính/Tổng mật độ năng lượng/Chính sách giảm carbon/Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc/Phần trăm chi phí nhân lực so với doanh thu/Chính sách đa dạng hóa/Quy mô ban quản trị/Thời gian phục vụ trung bình trong ban quản trị/Đại diện nữ trong ban quản trị/Tính độc lập của ban quản trị.

Kết quả cho thấy, không có nhiều các công ty trong nghiên cứu của HSBC báo cáo đủ các chỉ số môi trường. Tuy nhiên, 43% công ty có chính sách giảm CO2. Do có những quan ngại về thay đổi khí hậu, các công ty đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm tiêu thụ năng lượng. Tại Việt Nam, mức tiêu thụ năng lượng trung bình đã giảm từ 185 kWh xuống 166 kWh. Mật độ năng lượng tại Việt Nam đã giảm từ 298,8 kWh/1.000 đô la Mỹ xuống 87,3 kWh/1.000 đô la Mỹ.

Về mặt xã hội, lương cao hơn là một cách tưởng thưởng cho người lao động vì những đóng góp của mình. Phần trăm chi phí nhân lực so với doanh thu đã nhỉnh tăng tại Việt Nam, từ 8,7% năm 2017 lên 9,9% năm 2020.

Lương bổng tốt nói chung thường đi đôi với giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên, Việt Nam ghi nhận mức tăng nhẹ từ 7,8% lên 8,2%. Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhất trong việc đổi hướng chuỗi cung ứng, dẫn tới nhu cầu cao hơn đối với nhân lực, do đó tỷ lệ nghỉ việc cũng cao hơn.

Về thành viên ban quản trị, Việt Nam khá nhất quán trong năm năm vừa qua với quy mô ban quản trị từ 7,1 năm 2016 lên 7,4 năm 2020. Những con số này nằm trong khoản định nghĩa bởi bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp (5-11).

Tại Việt Nam, thời gian trung bình một giám đốc phục vụ trong ban quản trị tăng từ 4,6 năm lên 5,4 năm (bộ quy tắc quản trị yêu cầu thời gian tối đa 9 năm). Trong các năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng thành viên ban quản trị là nữ, từ 28,8% lên 32,7%. Việt Nam đã đạt mức tối thiểu yêu cầu là 30% thành viên nữ trong ban quản trị, theo bộ quy tắc quản trị.

Tại Việt Nam, tỷ lệ phần trăm các thành viên độc lập trong ban quản trị tăng từ 16,1% lên 26%, vẫn thấp hơn mức tối thiểu yêu cầu là 33%.

Mức độ sẵn có của dữ liệu tại các công ty trong VN30

Các thông số

Số lượng công ty trong danh sách VN30 Index có dữ liệu

Mật độ GHG (kg/1.000 đô la Mỹ)

Mật độ năng lượng (kWh/1.000 đô la Mỹ)

Phát thải GHG (kg)

Tổng năng lượng (kWh)

Phần trăm chi phí nhân lực so với doanh thu

Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc (%)

Quy mô ban quản trị

Số năm phục vụ trung bình (năm)

Số thành viên quản trị là nữ (%)

Số lượng thành viên độc lập (%)

1

5

1

5

21

3

25

21

20

23

Nguồn: Kho dữ liệu ESG của HSBC

Như vậy, với khối doanh nghiệp, HSBC ghi nhận hai điểm tiến bộ nổi bật trong thực thi phát triển bền vững, đó là khung quản trị công ty và sự tuân thủ quy chuẩn ESG của các doanh nghiệp hàng đầu trên TTCK Việt Nam./.