Việt Nam nâng cấp phòng chống dịch bệnh do virus Zika lên mức độ 2
Khả năng lây lan là rất cao
Kết quả đến ngày 04/4/2016 các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur đã xét nghiệm 1.215 mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp có biểu hiện tương tự như nhiễm virus Zika tại 32 tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với virusZika tại tỉnh Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:
Trường hợp thứ nhất: Bệnh nhân nữ, 64 tuổi, cư trú tại phường Phước Hòa, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; khởi phát ngày 26/03/2016 với các triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, nổi ban ở hai chân và đau mắt đỏ. Bệnh nhân tự uống thuốc hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ, đến ngày 28/3/2016 bệnh nhân được người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 31/3/2016 tại Viện Pasteur Nha Trang dương tính với virusZika; xét nghiệm khẳng định lại tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh ngày 04/4/3016 đều cho kết quả xét nghiệm dương tính với virusZika;
Trường hợp thứ hai: Bệnh nhân nữ, 33 tuổi, cư trú phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP. Hồ Chí Minh, khởi phát ngày 29/3/2016 với triệu chứng phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi và đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Quận 2 cùng ngày do lo ngại bị bệnh rubella; nhập viện, kết quả xét nghiệm ngày 31/3 và 01/4/2016 tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh dương tính với vi rút Zika; sau đó kết quả xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày 02/4/2016 và của Trường Đại học Nagasaki đặt tại Viện ngày 04/4/2016 cũng cho kết quả dương tính với virusZika.
Kết quả giám sát các trường hợp người nhà và các hộ gia đình xung quanh chưa phát hiện trường hợp nào khác nhiễm virus Zika. Như vậy, đây là hai trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên ghi nhận tại cộng đồng ở nước ta, hiện sức khỏe của cả hai bệnh nhân đều ổn định.
Hiện hai ca nhiễm bệnh virus Zika tại tỉnh Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh hiện nay không điều trị tại bệnh viện mà họ đang được điều trị ở nhà.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, khả năng lây virus Zika tại Việt Nam hiện nay và đặc biệt là những tỉnh công bố có nguy cơ rất cao. Thứ nhất là vì Việt Nam đã có bệnh nhân, có các trường hợp nhiễm virus này; Thứ hai, véc-tơ truyền bệnh này rất phổ biến, đó là muỗi vằn đang lưu hành tại các địa phương vì Việt Nam đang nằm trong vành đai sốt xuất huyết có sự lưu hành muỗi vằn rất lớn; Thứ ba là hiện nay virus Zika chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, cách phòng bệnh tốt nhất là diệt loăng quăng, bọ gậy và đòi hỏi sự tham gia rất lớn của người dân.
Những biểu hiện ban đầu của bệnh nhân nhiễm virus zika
Nâng mức độ cảnh báo, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Zika trên thế giới và ngăn chặn lây lan sang Việt Nam, ngày 16/03/2016, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BYT về việc triển khai các chiến dịch để phát động người dân tự diệt loăng quăng, bọ gậy để phòng chống virus Zika và bệnh sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay Bộ Y tế đã yêu cầu với tất cả các địa phương nâng mức độ cảnh báo, mức độ phòng chống dịch ở mức độ 2. Ở mức độ này chúng ta có rất nhiều các biện pháp, từ vấn đề về ban chỉ đạo phòng chống dịch, truyền thông, vấn đề dự phòng, khoanh vùng và xử lý ổ dịch; vấn đề chuẩn bị về con người, cơ số thuốc men. Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành tất cả các hướng dẫn cần thiết, hướng dẫn về mặt giám sát, điều trị, hướng dẫn với phụ nữ mang thai.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt tất cả các biện pháp đối với Khánh Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh khoanh vùng ổ dịch và dập dịch càng sớm càng tốt để hạn chế mức độ thấp nhất về việc lây lan Zika ở các khu vực đó.
Khuyến cáo chung của Bộ Y tế đối với cộng đồng, không phải người dân ở trong ổ dịch, mà người dân ở mọi nơi đang bước vào mùa mưa - mùa cao điểm mà muỗi lưu hành và phát triển cần diệt loăng quăng bọ gậy, trút các vật phế thải, đồ đựng/chứa nước không cần thiết, thả cá vào lu đựng nước ăn.
Với khu vực có ca bệnh tại tỉnh Khánh Hòa, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế tại Tỉnh khoanh vùng khu vực có bệnh trong vòng bán kính 200 mét, điều tra dịch tễ, triển khai các biện pháp từ vấn đề về khuyến cáo người dân diệt loăng quăng, bọ gậy và tổ chức phun thuốc muỗi trên diện rộng ở khu vực đó để kiểm soát tình hình.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng vừa ban hành Quyết định số 1223/QĐ-BYT về việc Hướng dẫn tạm thời chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do virus Zika.
Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm phát hiện virus Zika khi có đủ các yếu tố như: mang thai 3 tháng đầu; đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch; chồng, bạn tình có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Zika; có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng như đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám thai ngoài nội dung khám thai thường quy, cần hỏi tiền sử đi lại để phát hiện nếu người phụ nữ hoặc chồng/bạn tình đã từng có mặt ở vùng dịch; khám phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng liên quan đến căn bệnh do nhiễm Zika; siêu âm để đánh giá chính xác tuổi thai và đánh giá hình thái học thai nhi phát hiện đầu nhỏ.
Đối với phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Zika thì việc chăm sóc thai sản cần căn cứ vào kết quả siêu âm để có xử trí phù hợp. Khi siêu âm không thấy dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ hoặc bất thường về não thì thai phụ sẽ được tiếp tục theo dõi, chăm sóc thai theo quy định và hẹn siêu âm lại sau mỗi tháng.
Khi siêu âm có dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ hoặc bất thường về não thì thai phụ cần được chuyển đến cơ sở có khả năng chẩn đoán trước sinh để chẩn đoán chính xác; cân nhắc tiến hành chọc ối hoặc các thăm dò khác để sàng lọc các dị tật bẩm sinh.
Nếu chẩn đoán xác định có chứng đầu nhỏ, các cán bộ y tế phải thực hiện thêm các thăm dò khác để hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân và phát hiện các dị tật khác. Đồng thời, cán bộ y tế cung cấp đầy đủ thông tin và tư vấn cho người phụ nữ đang mang thai và người nhà để gia đình tự quyết định. Trường hợp gia đình quyết định giữ thai, cán bộ y tế cần tiếp tục chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ tâm lý trước và sau sinh cho người phụ nữ và gia đình cũng như chuẩn bị kế hoạch chăm sóc trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, trong buổi làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh chiều 5/4/2016 về công tác ứng phó dịch bệnh trên địa bàn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng, người dân không nên quá hoang mang về dịch bệnh, bởi mặc dù virus Zika và sốt xuất huyết đều lây truyền qua muỗi vằn Aedes agypty, nhưng sốt xuất huyết nguy hiểm hơn nhiều. Bộ trưởng khẳng định, bệnh nhân nhiễm virus Zika thông thường ở thể nhẹ, có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Virus Zika có khả năng gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ em, nhưng không phải tất cả các trường hợp nhiễm Zika đều mắc dị tật này./.
Bình luận