Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ: GRDP năm 2021 dự kiến không đạt mục tiêu
Số liệu này được công bố tại tại “Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 Vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du và miền núi Bắc Bộ” được tổ chức trực tuyến, ngày 14/9.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị |
Kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2021: Khả quan trong dịch bệnh
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong vùng, ước tình hình KTXH của 8 tháng đầu năm 2021 đạt kết quả khả quan, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội được duy trì, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Cụ thể, thu ngân sách nhà nước ước đạt 50.622 tỷ đồng, bằng 85,57% kế hoạch, cao nhất là các tỉnh: Thái Nguyên đạt 10.169 tỷ đồng; Bắc Giang đạt 9.750 tỷ đồng; thấp nhất là tỉnh Bắc Cạn 489 tỷ đồng, Điện Biên 771 tỷ đồng.
Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 36.617,2 triệu USD, bằng 64,42% kế hoạch, cao nhất là các tỉnh: Thái Nguyên 18.600 triệu USD; Bắc Giang đạt 8.450 triệu USD, thấp nhất là tỉnh Lai Châu 1 triệu USD; Bắc Cạn 12 triệu USD.
Trong 8 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tư nhân trong nước đăng ký thành lập mới toàn vùng có 4.071 doanh nghiệp, tăng 12,5% cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký 62.345 tỷ đồng tăng 65,5% cùng kỳ, số doanh nghiệp tăng nhiều nhất là các tỉnh: Bắc Giang 908 doanh nghiệp, Thái Nguyên 585 doanh nghiệp, Phú Thọ 526 doanh nghiệp, Lào Cai 400 doanh nghiệp, Lạng Sơn 339 doanh nghiệp.
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong 8 tháng đầu năm 2021, các địa phương vùng TD&MNBB có thu hút đầu tư nước ngoài với 41 dự án mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.068,45 triệu USD, chiếm 5,58% tổng vốn đầu tư so với cả nước. Cao nhất là Bắc Giang: 16 dự án, tổng vốn đăng ký 755.21 triệu USD; Thái Nguyên: 10 dự án, tổng vốn đăng ký 112.12 triệu USD; Phú Thọ: 09 dự án, tổng vốn đăng ký 159.59 triệu USD. Lũy kế đến hết tháng 8/2021, toàn Vùng có 1.168 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 21.098 triệu USD, các đối tác hiện đang đầu tư trên địa bàn vùng, dẫn đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản,...
Trong thời gian qua, các tỉnh trong Vùng đã chủ động phối hợp và liên kết tập trung vào một số lĩnh vực và hoạt động về kinh tế, xã hội.
Về giao thông, Vùng đã nghiên cứu phối hợp và liên kết phát triển hệ thống giao thông kết nối liên vùng như xây dựng đường cao tốc (các tuyến kết nối với cao tốc Hà Nội, Lào Cai tại Tuyên Quang, Phú Thọ, Lai Châu, tuyến Đồng Đăng - Trà Lĩnh nối Lạng Sơn - Cao Bằng hướng tới kết nối đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc cao tốc Bắc giang - Lạng Sơn, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đường sắt liên vận Hải Phòng- Lào Cai - Côn Minh), nâng cấp đường quốc lộ, một số tuyến tỉnh lộ để tạo mạng lưới đồng bộ, tiến tới hoàn thiện hệ thống giao thông các tỉnh trong vùng và với các địa phương lân cận.
Phối hợp và liên kết phát triển du lịch đã hình thành các tuyến du lịch vùng Tây Bắc trọng điểm là Sa Pa và Điện Biên; tuyến Thái Nguyên - Cao Bằng… theo hướng du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch tâm linh,…
Phối hợp và liên kết phát triển kinh tế cửa khẩu để tạo sự đồng bộ, chủ động trong xuất nhập khẩu với nước láng giềng (Trung Quốc, Lào).
Hình thành một số vùng chuyên canh chè, bơ, cây ăn quả, cây thảo dược; Phối hợp và liên kết bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng rừng nguyên liệu chế biến; Phối hợp và liên kết phát triển thủy điện, lưới điện truyền tải.. để tối đa tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tiềm năng lợi thế của các địa phương trong Vùng
Phối hợp và liên kết đào tạo đại học, cao đẳng và công nhân kỹ thuật để tạo nguồn nhân lực phù hợp, chủ động cho phát triển KT-XH trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Công tác dân tộc và an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, đảm bảo, thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có công với cách mạng; quan tâm, hỗ trợ kịp thời các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội. Tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển văn hoá, y tế, giáo dục và bảo vệ môi trường nông thôn... để bộ phận hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 2%; tỷ lệ chất thải rắn y tế đạt tiêu chuẩn 95,3%; Tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch 93,6%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 54%.
Năm 2021, có 9/13 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra
Theo báo cáo của các địa phương, năm 2021, vùng TD&MNPB có 9/13 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra, còn 04 chỉ tiêu dự kiến chưa đạt mục tiêu là: Tốc độ tăng trưởng (GRDP), thu NSNN, giá trị kim ngạch xuất khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Nguyên nhân chính là do tình hình dịch bệnh vẫn tác động rất lớn đến hoạt động phát triển KTXH và đời sống nhân dân các địa phương trong vùng, trong đó chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là các lĩnh vực du lịch (Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Hòa Bình….), xuất nhập khẩu (đối với các tỉnh có cửa khẩu như Lạng Sơn, Lào Cai..), giao thông vận tải… Dự báo dịch bệnh còn tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp từ nay đến hết năm 2021, nên sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến KTXH các địa phương trong Vùng (trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu KTXH chủ yếu như tăng trưởng GRDP, thu NSNN…).
Mặc dù ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP của Vùng dự kiến đạt 6,5%, một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá như: Bắc Giang (ước đạt 6,2%); Thái Nguyên (ước đạt 7%); Lào Cai (8%); Tuyên Quang (8,1%),...Đây là những tỉnh có quy mô GRDP khá, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của Vùng. Bên cạnh đó, một số tỉnh đạt mức tăng trưởng trung bình hoặc thấp hơn so với Vùng như Cao Bằng (4,1%); Bắc Cạn (5,8%)…
Năm 2021, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản lý và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tiếp tục được cải thiện trên bảng xếp hạng cả nước. Toàn vùng có 2 địa phương xếp trong nhóm khá cả nước là Thái Nguyên (thứ 11), Lào Cai (thứ 16), Phú Thọ (thứ 22), Bắc Giang (thứ 27), các tỉnh còn lại cũng đã cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng. Chỉ số hiệu quả quản lý và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 các địa phương trong vùng thuộc nhóm cao của cả nước như tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La đã gia nhập vào nhóm các địa phương có chỉ số PAPI ở mức cao.
Về an sinh xã hội được quan tâm, đảm bảo, thực hiện đầy đủ các chính sách: Hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 11,3%, số xã đạt chuẩn nông thôn mới 795 xã, đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ chất thải rắn y tế đạt tiêu chuẩn đạt 95,3%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,8% vượt mục tiêu đề ra.
Dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021
STT | Chỉ tiêu | Đơn vị | KH 2021 | ƯTH 2021 | ƯTH/KH |
---|---|---|---|---|---|
| Tốc độ tăng trưởng | % | 8 | 6,5 | Chưa đạt |
| Thu NSNN | Tỷ đồng | 88.500 | 69.231 | Chưa đạt |
| GRDP bình quân người/năm | Triệu đồng | 54-55 | 54,3 | Đạt |
| Giá trị kim ngạch xuất khẩu | Triệu USD | 66.250 | 59.025 | Chưa đạt |
| Tổng vốn đầu tư toàn xã hội | Tỷ đồng | 580.500 | 316.109 | Chưa đạt |
| Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên | Nghìn người | 7.800 | 8.090,3 | Vượt KH |
| Tỷ lệ lao động qua đào tạo | % | 52 - 53 | 53,5 | Vượt KH |
| Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều | % | 12-13 | 11,3 | Đạt |
| Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh | % | 92 - 93 | 93,6 | Vượt KH |
| Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch | % | 94 - 95 | 95,5 | Vượt KH |
| Số xã đạt chuẩn nông thôn mới | xã | 107 | 112 | Vượt KH |
| Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý đạt chuẩn | % | 94 - 95 | 95,3 | Vượt KH |
| Tỷ lệ che phủ rừng | % | 54-55 | 54 | Đạt |
Nguồn: Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và báo cáo của các địa phương
Năm 2022: Tốc độ GRDP của vùng phấn đấu đạt 8%
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay 14/14 địa phương trong Vùng đã xây dựng báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và Đầu tư công năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển KTXH và đầu tư công năm 2022 và có văn bản gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cập nhật lên Hệ thống cơ sở dữ liệu về đầu tư công quốc gia.
Theo đó, năm 2022, mục tiêu chung của vùng là duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng ở mức cao hơn bình quân chung cả nước; đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối nội vùng và liên vùng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng, tương xứng với vị trí chiến lược quan trọng của vùng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới.
Khai thác hợp lý thế mạnh của vùng về nguồn tài nguyên thiên nhiên, thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp cho phát triển cây công nghiệp, dược liệu, phát huy tiềm năng nuôi thủy sản có giá trị cao; phát triển các loại hình du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao, phát triển kinh tế biên mậu.
Từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của người dân trong vùng so với mức bình quân chung của cả nước; gắn phát triển KTXH với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.
Dự kiến năm 2022, tốc độ GRDP của vùng phấn đấu đạt 8%; GRDP bình quân đầu người 59-60 triệu đồng/người.
Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu năm 2022 của các tỉnh trong Vùng
TT | Chỉ tiêu |
Đơn vị tính | Ước TH năm 2021 | KH năm 2022 |
1 | Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GRDP) | % | 6,5 | 8 |
2 | GRDP bình quân đầu người | Triệu đồng | 54,3 | 59-60 |
3 | Tổng vốn đầu tư toàn xã hội | Nghìn tỷ đồng | 316.109 | 338.500 |
4 | Tổng kim ngạch xuất khẩu | Tỷ USD | 59.025 | 66.800 |
5 | Thu NSNN trên địa bàn | Tỷ đồng | 69.231 | 68.802 |
6 | Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch | % | 93,6 | 95 - 96 |
7 | Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý | % | 95,3 | 96 – 98 |
8 | Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều | % | 13 | 11-12 |
9 | Tỷ lệ lao động qua đào tạo | % | 53,5 | 55 - 56 |
10 | Tỷ lệ che phủ rừng | % | 54 | 55-56 |
Nguồn: Theo báo cáo của các địa phương
Trên cơ sở các đánh giá chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra các giải pháp và cơ chế chính sách thúc đẩy việc thực thi các kế hoạch tăng trưởng. Cụ thể là: Huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật có tính kết nối liên vùng như các đường cao tốc, đường quốc lộ, đường sắt, sân bay; xây dựng các công trình kỹ thuật đầu mối như hệ thống cấp thoát nước ở đô thị; hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đáp ứng nhu cầu phát triển; tiếp tục xây dựng mới và nâng cấp hoàn thiện các trung tâm y tế chất lượng cao và các bệnh viện trong vùng.
Ban hành các chính sách nhằm thu hút và sử dụng nguồn lao động chất lượng cao, lao động kỹ thuật trình độ cao đến làm việc lâu dài ở các địa phương trong vùng. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các trường đại học, các cơ sở đào tạo để đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân tại doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp kỹ thuật cao như Samsung và các doanh nghiệp phụ trợ khác.
Chú trọng đào tạo nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ tại chỗ, đặc biệt có chính sách ưu tiên bồi dưỡng, đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số cho các cấp, các ngành, cán bộ cơ sở ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt, cần gắn phát triển kinh tế với an sinh xã hội và giảm nghèo nhanh bền vững; Tăng cường hợp tác liên vùng, liên tỉnh, đồng bộ về các chính sách, chỉ đạo điều hành thực hiện quy hoạch, kế hoạch; Xây dựng và ban hành danh mục các chương trình, dự án kêu gọi đầu tư đến năm 2025; Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KTXH với tăng cường quốc phòng, an ninh, nhất là an ninh biên giới và các địa bàn trọng yếu./.
Bình luận