Triển khai đầu tư công ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ dự báo còn nhiều khó khăn
Đến ngày 31/8/2021, tỷ lệ giải ngân chung của Vùng TD&MNBB mới đạt 41,96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn bình quân cả nước (42,92%). |
Vẫn còn 29,55% vốn kế hoạch năm 2021 chưa được phân giao
Tổng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) đã giao cho các địa phương trong vùng theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ là 41.331,888 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương: 20.358,731 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước: 14.615,848 tỷ đồng; nguồn vốn nước ngoài (ODA): 6.357,309 tỷ đồng.
Tổng vốn địa phương đã giao kế hoạch 2021 là 36.268,597 tỷ đồng, trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương là 20.391,743 tỷ đồng, cao hơn 33,012 tỷ đồng so với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là do tăng thu từ nguồn sử dụng đất.
Số vốn các địa phương đã phân bổ chi tiết từng dự án và giao kế hoạch: 10.296,715 tỷ đồng, chiếm 70,45% kế hoạch. Số vốn các địa phương chưa giao kế hoạch chi tiết đến từng dự án là 4.319,133 tỷ đồng, chiếm 29,55% kế hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ các nguyên nhân chưa phân bổ hết kế hoạch. Một số dự án, đề án tái định cư các thủy điện đã hết thời gian thực hiện (đến hết năm 2020), nhưng chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, kéo dài thực hiện sang giai đoạn 2021-2025; Các dự án, đề án có thời gian thực hiện đến 2025, nhưng chưa phân khai chi tiết các dự án thành phần và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định Luật Đầu tư công.
Các dự án khởi công mới chưa có chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền, một số dự án chưa được giao kế hoạch trung hạn, nên chưa đủ điều kiện phân bổ kế hoạch hàng năm.
Số vốn ngoài nước (ODA) đã phân bổ chi tiết 5.808,431 tỷ đồng, bằng 91,37% kế hoạch. Số vốn chưa phân bổ chi tiết 548,878 tỷ đồng, bằng 8,63% kế hoạch. Nguyên nhân chưa giao hết là do một số dự án chưa được ký kết Hiệp định, chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phê duyệt hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư...
Giải ngân 8 tháng đầu năm 2021, Vùng chỉ đạt 41,96% kế hoạch
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị sáng 14/9/2021 |
Vùng TD&MNBB bao gồm 14 tỉnh và đang là vùng trũng của phát triển. Vùng đang ngày càng tụt hậu, khoảng cách giữa vùng với các vùng khác trong cả nước đã có dấu hiệu ngày càng xa, mặc dù Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt. |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31/8/2021 tỷ lệ giải ngân chung của vùng đạt 41,96% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn bình quân cả nước (42,92%). Có 08 địa phương có mức giải ngân cao trên 40% kế hoạch đã giao, gồm: Tuyên Quang (56,39%), Lạng Sơn (42,4%), Lào Cai (57,93%), Yên Bái (59,96%), Thái Nguyên (67,01%), Phú Thọ (46,12%), Bắc Giang (42,24%), Lai Châu (42,49%).
Tuy nhiên, toàn Vùng giải ngân nguồn vốn ODA so với kế hoạch giao còn thấp (7,32%), cao hơn trung bình cả nước (5,93%).
Theo thông báo số 419/TTg-KTTH ngày 2/4/2021, Vùng TD&MNPB được giao 25 dự án và Đề án trọng điểm, có tính liên kết vùng. Theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, số vốn NSTW kế hoạch năm 2021 giao cho các dự án là 4.397,664 tỷ đồng. Tính đến nay, các địa phương đã giao chi tiết 2.921,664 tỷ đồng, còn 1.476 tỷ đồng chưa giao chi tiết. Kế hoạch năm 2022, các tỉnh dự kiến cho các dự án là 10.993,101 tỷ đồng.
Triển khai kế hoạch đầu tư công 2021 còn nhiều bất cập
Kế hoạch 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 nên phải chờ giao kế hoạch trung hạn; do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nên tốc độ giải ngân vốn còn chậm. Dự kiến hết 31/12/2021 giải ngân không đạt 100% kế hoạch năm 2021. Báo cáo của các địa phương dự kiến hết năm 2021 chỉ giải ngân được khoảng 90% kế hoạch năm.
Do chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nhất là các dự án tại khu vực có nguy cơ cao (vùng đỏ) và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, giá các nguyên vật liệu trên thị trường tăng mạnh nhất là sắt, thép xây dựng, xi măng, cát, sỏi,… tác động trực tiếp đến chi phí của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng vì phần lớn hợp đồng đã ký theo đơn giá cố định, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công các dự án dẫn đến tỷ lệ giải ngân chưa cao.
Nhiều dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài gặp vướng mắc liên quan đến ký kết, gia hạn các hiệp định và thỏa thuận vay lại vốn ODA, thuế nhập khẩu, thực hiện kế hoạch đấu thầu mua sắm tập trung. Ngoài ra, các nguyên nhân chậm trễ trong công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu và đền bù giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng để thực hiện công tác chuẩn bị hồ sơ cũng làm giải ngân chậm đối với vốn ODA.
Năng lực một số chủ đầu tư còn hạn chế, chưa nắm bắt kịp thời, đầy đủ các thủ tục đầu tư trong đầu tư XDCB; chậm trễ trong công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu; chưa sâu sát, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công kịp thời; chậm triển khai các thủ tục và các vấn đề liên quan đến công tác giải ngân của các dự án; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm gặp khó khăn, vướng mắc kéo dài do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, nhà thầu và chính quyền địa phương.
Năm 2022: Đầu tư công của Vùng dự báo gặp nhiều khó khăn
Đánh giá chung về tình hình triển khai xây dựng kế hoạch của Vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cơ bản các địa phương đều nghiêm túc, tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và các văn bản pháp luật có liên quan.
Tổng hợp nhu cầu vốn NSNN của các địa phương kế hoạch đầu tư công năm 2022 của Vùng, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là 59.019,833 tỷ đồng (chưa tính nhu cầu bố trí vốn chương trình mục tiêu quốc gia), tăng 42,79% so với kế hoạch 2021. Vốn cân đối ngân sách địa phương là 26.780,264 tỷ đồng, trong đó, vốn cho đầu tư phát triển là 11.325,884 tỷ đồng; đầu tư thu từ sử dụng đất là 13.519,650 tỷ đồng; đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết: 338,105 tỷ đồng; Bội chi ngân sách địa phương: 1.376,625 tỷ đồng.
Vốn ngân sách trung ương trong nước là 27.401,942 tỷ đồng; Bố trí cho các dự án hoàn thành, chuyển tiếp là: 14.355,004 tỷ đồng. Trong đó bố trí hoàn vốn ứng trước: 374,928 tỷ đồng.Đề xuất khởi công mới là: 13.046,938 tỷ đồng.Vốn nước ngoài (ODA) là 4.837,627 tỷ đồng. Nhu cầu nguồn thu để lại cho đầu tư: 2.176,624 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, vùng TD&MNBB có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn. Do vậy, việc huy động các nguồn vốn đầu tư công (nguồn thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết...), các nguồn vốn ngoài ngân sách, đặc biệt là nguồn xã hội hóa trong năm 2022 dự báo sẽ rất khó khăn.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ giao, nên một số dự án khởi công mới năm 2021 chưa có cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu, chậm triển khai thực hiện, do đó sẽ dồn gánh nặng về tiến độ thực hiện và giải ngân sang kế hoạch năm 2022. Đặc biệt đối với một số dự án có khả năng hoàn thành ngay trong năm 2022 để sớm tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào các địa phương trong vùng.
Theo một số ý kiến, việc triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022 quá gấp đã gây khó khăn cho các địa phương khi tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch, đảm bảo cân đối chính xác giữa nhu cầu và khả năng bố trí vốn để thực hiện, nên số liệu chưa thực sự chuẩn xác./.
Bình luận