Xuất khẩu gạo Việt Nam khởi sắc trở lại
Thái Lan : Thiếu nước tưới tiêu do hạn hán
Theo báo cáo của Bộ Thủy lợi Hoàng gia Thái (RID), các nguồn dự trữ cung cấp nước cho quốc gia (bao gồm nước tưới tiêu và nước sinh hoạt cho mùa khô, kéo dài từ tháng 11/2015 đến tháng 4/2016) tại khu vực phía bắc và đồng bằng trung bộ đã tăng 4,2 tỷ m2 trong năm 2015, so với 3,6 tỷ m2 trong tháng 9/2015 do lượng mưa nhiều hơn mong đợi trong tháng 10.
Tuy nhiên, nguồn dự trữ cung cấp nước gia tăng này vẫn không đủ cung cấp cho việc tưới tiêu. Tổng nguồn cung cấp nước đã thấp hơn 35% so với cùng thời điểm năm 2014 và tới 64% so với trung bình 10 năm qua.
Lượng mưa dự trữ từ 1/1-18/10/2015
Đơn vị tính: mm
Trước đó, Chính phủ Thái Lan ngày 5/10 đã kêu gọi nông dân trên toàn quốc dừng trồng lúa và chuyển sang canh tác các giống cây trồng khác sử dụng ít nước tưới hơn do lo ngại tình trạng hạn hán kéo dài.
Thiếu tướng Sansern Kaewkamnerd, Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan nói: "Bà con nông dân, hãy trồng ngô thay vì trồng lúa. Đây là một lời kêu gọi của chính phủ và bà con có thể xem xét thực hiện theo." Theo Tướng Sansern, năm nay lượng mưa ở Thái Lan thấp hơn bình thường nên việc canh tác lúa, vốn sử dụng nhiều nước, sẽ ảnh hưởng đến lượng nước của các con sông và các hoạt động sản xuất, sinh hoạt khác.
Việc Thái Lan thu hẹp diện tích trồng lúa vì hạn hán chắc chắn ảnh hưởng đến thị trường gạo thế giới. Mùa khô của Thái Lan bắt đầu vào tháng 11 và hiện nhiều khu vực của Thái Lan đang chịu nạn hạn hán nghiêm trọng dù vẫn còn trong mùa mưa.
Theo dự đoán, sản lượng vụ lúa 2015/16 vẫn ở mức 16,4 triệu tấn, thấp hơn 15% so với vụ lúa 2014/15.
Lý do là tình hình sản xuất gạo mùa thu hoạch chính và trái mùa bị giảm sút vì hạn hán tại khu vực phía bắc và đồng bằng trung bộ.
Chính phủ Thái vừa thông báo lệnh cấm thu hoạch lúa trái mùa để dự trữ nguồn nước cho mục tiêu sinh hoạt.
RID đã áp dụng biện pháp cứng rắn từ tháng 9. Theo đó, không một trạm tưới tiêu nào được phép cung cấp nước cho các vụ lúa trái mùa.
Tình hình xuất khẩu gạo Thái
Theo dự đoán, sản lượng gạo Thái xuất khẩu năm 2015 ở mức 9 triệu tấn, giảm 18% so với năm 2014.
Bộ Hải quan Thái cho biết, tổng sản lượng gạo xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2015 là 6,6 triệu tấn, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2014. Tình hình giảm này do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với gạo Việt Nam và Ấn Độ. Sản lượng xuất khẩu gạo đồ giảm còn 1,7 triệu tấn, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2014; sản lượng gạo trắng hạt dài còn 3,5 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong quý 4 năm nay, sản lượng gạo xuất khẩu hàng tháng tăng từ 750.000-800.000 tấn, so với trung bình 735.000 tấn mỗi tháng trong 9 tháng đầu năm nay. Mục đích chủ yếu của việc tăng sản lượng xuất khẩu là nhằm đáp ứng đúng hạn lịch giao hàng theo các thỏa thuận G to G với Philippin và Trung Quốc mà Chính phủ Thái vừa ký kết vào đầu tháng 10. Bên cạnh đó, gạo trắng hạt dài Thái đang bị cạnh tranh gay gắt khi chênh lệch giá với gạo Việt Nam và sản lượng xuất khẩu thấp hơn so với những tháng đầu năm.
Chính phủ Thái Lan xử lý gạo mục
Chính phủ Thái vừa công bố lượng trữ gạo của nước này là 13 triệu tấn, so với ước tính là 10,7 triệu tấn.
Đợt tái kiểm tra chất lượng gạo tồn kho trong tháng 9 và 10 vừa qua cho thấy tổng lượng gạo mục là 2 triệu tấn.
Chính phủ Thái vừa thông báo sẽ bán một phần gạo mục này để làm thức ăn cho gia súc và sử dụng trong sản xuất ethanol trong tháng 11 - 12/2015. Các nguồn tin cho biết Chính phủ có khả năng sẽ bán khoảng 500.000-700.000 tấn gạo mục cho các cơ sở sản xuất thức ăn cho gia súc quy mô nhỏ địa phương với giá khoảng 7.000 baht/tấn (198USD/tấn) hay cho các nhà máy sản xuất ethanol với giá khoảng 3.000 baht/tấn (85USD/tấn) nếu như độc tố sản sinh trong loại gạo mục này vượt qua mức cho phép khi sản xuất thức ăn cho gia súc.
Lượng gạo dự trữ của Philippines tăng
Lượng gạo dự trữ của Philippines trong tháng 10/2015 tăng trở lại sau khi giảm 4 tháng liên tiếp, chủ yếu do nhập khẩu tăng, theo số liệu của Cục Thống kê Nông nghiệp Philippines (BAS).
Lượng gạo lưu kho trong tháng 10 đạt 2,2 triệu tấn, tăng 12,2% so với 1,96 triệu tấn trong tháng 9 và tăng 21,5% so với 1,81 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.
Theo BAS, lượng gạo dự trữ của hộ gia đình trong tháng 10 đạt 780.000 tấn (chiếm 35,4% tổng lượng gạo dự trữ), giảm 6% so với 830.000 tấn cùng kỳ năm ngoái; lượng gạo dự trữ thương mại 670.000 tấn (chiếm 34,3%), tăng 29% so với cùng kỳ; và dự trữ của Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) 750.000 tấn (chiếm 30,3%), tăng 67% so với 450.000 tấn cùng kỳ.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam khởi sắc trở lại
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam vừa công bố nâng dự báo xuất khẩu gạo năm 2015 lên 7 - 7,5 triệu tấn từ dự báo 5,91 triệu tấn trước đó. Theo đó, tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ có đà tăng trưởng ổn định hơn, và có thể kéo dài đến quý I/2016.
Trước đó, vào đầu tháng 10, trước tình hình xuất khẩu gạo không mấy khả quan trong 9 tháng đầu năm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã công bố hạ dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2015 xuống 5,91 triệu tấn, giảm 6,5% so với dự báo từ đầu năm.
Trong khi đó, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2015 đạt 6,3 triệu tấn (bằng với năm 2014), còn Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự đoán xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2015 đạt tới 6,7 triệu tấn.
Hiện nay, giá gạo Việt Nam có xu hướng tăng trở lại, giá gạo 5% tấm hiện được bán với giá 370USD/tấn, tăng khoảng 12% so với giá gạo trong tháng 9 cho thấy tình hình gạo Việt Nam đang trên đà khởi sắc./.
Bình luận