Bức tranh xuất khẩu với nhiều gam màu sáng

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng qua đạt 155,41 tỷ USD. Đáng chú ý, cơ cấu xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, xuất khẩu các sản phẩm thô và các ngành khoáng sản đang giảm dần, tỷ trọng xuất khẩu đối với các ngành công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Chỉ riêng 5 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực là điện thoại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; giày dép đã đạt 30,88 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Điện thoại các loại và linh kiện là nhóm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Bên cạnh đó, dù phải chịu nhiều biến động từ các thị trường, cũng như các rào cản phòng vệ thương mại liên tiếp được dựng lên, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường tiềm năng vẫn tăng. Cùng với đó, Việt Nam đã tận dụng tốt ưu đãi về thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Á tiếp tục duy trì tăng trưởng cao như: xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đạt 23,4 tỷ USD, tăng 25,2%; thị trường ASEAN đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16%.

Trả lời báo Kinh tế và Đô thị, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, để có được những kết quả trên, một phần không nhỏ là nhờ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, những đổi mới hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cùng với nguồn vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng tích cực... đã thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu.

Bên cạnh việc hưởng lợi lớn từ các FTA đã ký kết, nhiều mặt hàng chủ lực nhận được đơn hàng đến hết quý III và cho cả năm 2018 đã mở ra kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, nhất là nhóm hàng công nghiệp chế biến.

Đáng lưu ý, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đang có sự thay đổi tích cực theo hướng có chất lượng tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu từ các thị trường khó tính có đòi hỏi cao về chất lượng hàng hóa.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu có khả năng tăng trưởng mạnh do kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh đối với các mặt hàng là nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu. Đặc biệt là tăng trưởng sẽ tăng cao đối với một số mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn, trong đó có các mặt hàng chủ lực kể trên khi bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng như: điện thoại các loại và linh kiện, dệt - may, giày - dép, đồ gỗ…

Đây cũng là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu khi các mặt hàng trong nhóm nông - lâm - thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang khiến nhu cầu của Trung Quốc - thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam - giảm sút. Ngoài ra, hiện Việt Nam đang tập trung hoàn thành việc phê chuẩn và đưa hai hiệp định quan trọng là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam – EU (EVFTA) vào thực thi trong năm 2019. Đây sẽ là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Để duy trì đà tăng trưởng những tháng cuối năm

Mặc dù xuất khẩu các tháng cuối năm có cơ hội tăng trưởng nhưng doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải đối mặt không ít khó khăn. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) ông Dương Duy Hưng cho biết, các nước đang tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ khiến các mặt hàng công nghiệp đứng trước nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Cùng với đó là những quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc khắt khe.

“Trên các thị trường nhập khẩu đã có cảnh báo thẻ vàng của EU đối với thủy sản, mức thuế chống bán phá giá Mỹ áp dụng đối với cá tra; nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc... Điều này khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc tăng kim ngạch xuất khẩu”, ông Hưng nhận định.

Hơn nữa, nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao về lượng xuất khẩu, trong khi một số khác lại không phát huy hết công suất chế biến xuất khẩu do thiếu hụt về nguyên liệu.

Để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu những tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ kiên trì thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu, khơi thông thị trường xuất khẩu.

Theo ông Dương Duy Hưng, Bộ xác định tiếp tục tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp để tạo sự kết nối, phối hợp đồng bộ hơn trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế. Cùng với đó, thay đổi một cách căn bản hơn việc xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng sẽ chú trọng cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý và cải cách bộ máy tổ chức quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động nguồn lực cho sản xuất. Tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu.

Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường./.

Tham khảo từ nguồn:

http://kinhtedothi.vn/xuat-khau-nhung-thang-cuoi-nam-nhieu-thach-thuc-325675.html

http://cand.com.vn/Thi-truong/Xuat-khau-se-tang-truong-manh-vao-cuoi-nam-509156/

https://bnews.vn/ky-vong-xuat-khau-but-pha-nhung-thang-cuoi-nam/89278.html

http://www.nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-kinhte/item/37598802-kha-quan-tang-truong-xuat-khau-cuoi-nam.html