Xuất khẩu nông sản cần lưu ý gì trước quy định liên quan đến luật chống phá rừng của EU?
Luật mới được đưa ra nhằm loại bỏ những yếu tố khuyến khích phá rừng trong các chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm tiêu dùng hằng ngày tại châu Âu
Ngày 19/4/2023, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua luật mới cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho là liên quan hoạt động phá rừng, nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Luật mới được các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua, sẽ được áp dụng với các sản phẩm: cà phê, ca cao, đậu nành, gỗ xẻ, dầu cọ, thịt gia súc, giấy in, cao su và các sản phẩm phái sinh từ các nước trên thế giới.
Quy định áp dụng kể cả các sản phẩm có chứa, được nuôi bằng hoặc đã được tạo ra từ những sản phẩm nói trên, chẳng hạn như da, sô cô la, đồ nội thất.
Luật sẽ bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2025, riêng các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được trì hoãn thêm 6 tháng sau thời hạn này. Theo đó, tất cả hàng hóa trên toàn cầu chỉ được phép bán vào thị trường EU nếu nhà cung cấp đưa ra tuyên bố và xác nhận sản phẩm không đến từ vùng đất bị phá rừng hoặc đã dẫn đến suy thoái rừng, kể cả rừng nguyên sinh không thể thay thế.
Các công ty đưa những sản phẩm như vậy tới châu Âu sẽ phải cung cấp chứng nhận sản phẩm của họ không thuộc diện bị cấm.
Theo đó, các công ty được yêu cầu cung cấp kết quả thẩm định chuyên sâu và thông tin có thể kiểm chứng về việc sản phẩm của họ không được trồng hoặc chăm sóc trên những vùng đất trống có được do phá rừng sau năm 2020.
Ngày 19/4/2023, EP đã thông qua luật mới cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho là liên quan đến hoạt động phá rừng, nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu. |
Nhà chức trách EU sẽ thực hiện các quy trình kiểm tra tùy theo xếp hạng mức độ nguy cơ vi phạm của quốc gia xuất khẩu. Các công ty vi phạm sẽ bị phạt nặng, có thể chịu mức phạt lên tới 4% doanh thu thường niên tại một nước thành viên EU.
Luật mới được đưa ra nhằm loại bỏ những yếu tố khuyến khích phá rừng trong các chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm tiêu dùng hằng ngày tại châu Âu. EU là thị trường tiêu thụ các sản phẩm nêu trên lớn thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Các hoạt động sản xuất phi pháp đã làm gia tăng tình trạng phá rừng ở nhiều nước như: Brazil, Indonesia, Malaysia, Nigeria, Cộng hòa dân chủ Congo, Ethiopia, Mexico và Guatemala.
EU khẳng định luật mới đưa ra không nhằm vào quốc gia nào. Luật này đã được các nhà quản lý EU thống nhất từ năm 2022.
Với các luật đã được nhất trí từ trước, quy trình thông qua tại mỗi nước thành viên thường chỉ mang tính thủ tục. Sau khi luật có hiệu lực, các công ty lớn sẽ có 18 tháng thích ứng, trong khi các công ty nhỏ có 24 tháng. Giới chức các nước EU chịu trách nhiệm giám sát thực thi luật.
Nạn phá rừng dẫn tới khoảng 10% lượng khí thải toàn cầu gây biến đổi khí hậu. Theo ước tính của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), trong 3 thập kỷ qua, tổng diện tích rừng bị phá đã rộng lớn hơn cả diện tích của EU (khoảng 420 triệu ha). EP ước tính, EU chịu trách nhiệm với khoảng 10% diện tích rừng bị tàn phá trên thế giới.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải chủ động hơn nữa trong việc ứng phó với các quy định mới
Trước quy định nói trên của EP, ở vai trò là nước xuất khẩu, Chính phủ Việt Nam cần rà soát lại các cơ sở pháp lý liên quan, đồng thời kêu gọi EU hỗ trợ cho phép gia hạn thời gian chuyển giao hay nới lỏng tỉ lệ giám sát trong giai đoạn đầu để vừa đảm bảo quyền lợi cho nông dân, vừa có thời gian để huy động nguồn lực tháo gỡ những hạn chế và hỗ trợ bà con thích nghi tốt hơn với luật mới của EU.
Ngành gỗ và cà phê sẽ bị tác động lớn bởi quy định của EU. Song việc Việt Nam đang thực hiện Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU nhằm tạo khung pháp lý cho các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu và EU (Hiệp định VPA/FLEGT), trong đó có quy định về pháp lý, về phát triển bền vững ngành gỗ sẽ là điểm mạnh của Việt Nam, cho phép Việt Nam có quy trình quản trị về rừng. Đây là cơ sở quan trọng của ngành gỗ Việt Nam mà các ngành khác có thể làm theo như: cao su, cà phê…
Việt Nam là quốc gia không có nguy cơ quá cao về mất rừng nhờ các chính sách bảo vệ rừng. Nhưng Việt Nam vẫn cần tăng cường hơn nữa trong chuỗi cung ứng để sản phẩm nông sản Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường EU.
Nhìn chung, việc sản xuất và thương mại hàng hóa nông sản cần phải được định hướng phát triển bền vững theo chuỗi giá trị.
Theo đó, không mở rộng diện tích nhưng tăng chất lượng và giá trị sản phẩm, cũng như tăng cường sinh kế cho cộng đồng. Đồng thời, tăng cường trao đổi, thảo luận và học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế về các thực hành tốt để xây dựng lộ trình phát triển các ngành hàng nông sản của Việt Nam theo hướng bền vững, không gây mất rừng trong thời gian tới./.
Bình luận