Kiểm tra bình quân trên 250 cuộc/năm, nhưng chỉ có 2 vụ vi phạm

“Đối với nguồn chi ngân sách nhà nước thường xuyên, Bộ thực hiện quản lý trong phạm vi dự toán được giao, về cơ bản bảo đảm đúng các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ hội, lễ kỷ niệm…”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021”, khi Đoàn làm việc với Bộ hôm nay (ngày 19/8), theo Văn phòng Quốc hội.

Triển khai dự án đầu tư công chậm, Bộ Nông nghiệp bị truy trách nhiệm
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hạn chế bố trí kinh phi đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài (ảnh: Quốc hội)

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021 vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Triển khai dự án đầu tư công chậm, Bộ Nông nghiệp bị truy trách nhiệm
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường

Cần có số liệu chính xác và đánh giá rõ diện tích đất nông nghiệp bị hoang hóa không đưa vào sử dụng.

Qua kết quả làm việc bước đầu với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổ công tác – Đoàn giám sát nhận thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ đã nghiêm túc đánh giá và thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong các quy định của pháp luật, cũng như trong việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại đơn vị, như: còn 164 cơ sở nhà đất chưa thực hiện sắp xếp; 21 cơ sở nhà đất thuộc diện xử lý sau khi sắp xếp, nhưng chưa xử lý hoặc chưa có phương án tiếp tục sử dụng, còn để sử dụng trái mục đích; nhiều dự án vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng; công tác chuyển đổi đất lúa, đất rừng còn vướng mắc…

Qua rà soát, xem xét báo cáo và tham chiếu từ các kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Tổ công tác nhận thấy, bảo cáo của Bộ mới chỉ lượng hóa được số tiết kiệm trong một số nhiệm vụ, chưa lượng hóa được số lãng phí trong hầu hết các lĩnh vực. Một số vấn đề, lĩnh vực xảy ra lãng phí mới dừng lại ở nêu nguyên nhân khách quan, chưa phân tích, đánh giá cụ thể, gắn trách nhiệm từng cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Số cuộc kiểm tra bình quân trên 250 cuộc/năm, nhưng số vụ vi phạm chỉ có 2 vụ việc, điều này chưa phán ánh đúng thực trạng của Bộ.

Nhức nhối phá rừng, làm rõ trách nhiệm

Chỉ ra tình trạng phá rừng, thất thoát tài nguyên rừng vẫn còn diễn ra nhức nhối, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai đề nghị cần làm rõ vấn đề này để có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Triển khai dự án đầu tư công chậm, Bộ Nông nghiệp bị truy trách nhiệm
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà, cần làm rõ nguyên nhân các dự án đầu tư công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai chậm (ảnh: Quốc hội)

“Các dự án đầu tư công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cơ bản là chậm, cần làm rõ các nguyên nhân để có giải pháp khắc phục…”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà đề xuất.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhìn nhận, là một trong các Bộ có các đơn vị sự nghiệp công lập nhiều nhất, số lượng biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là tương đối lớn, đề nghị Bộ làm rõ vấn đề này theo tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, một số đại biểu chỉ ra rằng, qua giám sát cho thấy vẫn còn tình trạng chi sai so với dự toán, nghiệm thu thanh toán không đúng với đối tượng; việc mua sắm chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, hồ sơ chứng từ còn chưa hợp lệ. Việc tính toán sai so với khối lượng thiết kế, lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực dẫn tới ảnh hưởng tới tiến độ công trình.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp thu tối đa ý kiến các thành viên của Đoàn giám sát, tiếp tục hoàn thiện báo cáo, chuẩn hóa lại các thông tin đảm bảo tính logic, chính xác; đồng thời khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện có, để nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ.../.